Ngủ hơn 9 tiếng một ngày sẽ bị rối loạn trí nhớ?

Một nghiên cứu gần đây cho biết, ngủ nhiều hơn 9 tiếng mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn trí nhớ, kỹ năng ngôn ngữ, triệu chứng của bệnh mất trí nhớ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh Alzheimer có liên quan đến việc thiếu ngủ. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây lại cho biết, ngủ nhiều hơn 9 tiếng sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn trí nhớ, kỹ năng ngôn ngữ, triệu chứng của bệnh mất trí nhớ.

Theo Dailymail, nhóm tác giả từ Đại học Miami Miller đã quan sát 5.247 người gốc Tây Ban Nha tham gia nghiên cứu trong 7 năm. Những người tham gia, có độ tuổi từ 45 – 75, đã thực hiện những bài kiểm tra thần kinh khi bắt đầu và kết thúc nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá sự chú ý, trí nhớ, ngôn ngữ, thời gian phản ứng và nhận thức của những người tham gia để đưa ra một bức tranh tổng quát về sức khỏe não bộ.

Các tình nguyện viên được yêu cầu điền vào bảng câu hỏi hàng tuần về thói quen ngủ của họ trong bảy ngày như đi ngủ lúc mấy giờ, dậy lúc nào và có ngủ trưa không.

Trong đó, khoảng 15% người tham gia có thời gian ngủ trung bình 9 giờ mỗi đêm. Vào cuối năm thứ 7, hiệu suất nhận thức của nhóm người này trên tất cả các lĩnh vực đều giảm. Kỹ năng học tập giảm mạnh 22%, khả năng sử dụng từ ngữ lưu loát giảm 20% và trí nhớ giảm 13%.

Các nhà khoa học cho biết ngủ quá nhiều có liên quan đến các tổn thương trong não, được gọi là chứng tăng sắc tố trắng. Chúng xuất hiện dưới dạng các đốm trắng khi quét MRI (cộng hưởng từ) và làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức, mất trí nhớ và đột quỵ.

Tiến sĩ Ramos – Nhà thần kinh học và chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học Miami – cho biết: “Mất ngủ và thời gian ngủ kéo dài dường như liên quan đến sự suy giảm chức năng nhận thức thần kinh, nguyên nhân dẫn đến việc mắc bệnh Alzheimer hoặc chứng mất trí nhớ khác”.

Theo Nam Du/ Báo Phụ nữ TP.HCM

 

 

Bài cùng chuyên mục