Trình HĐND hàng loạt dự án giao thông trọng điểm hứa hẹn làm thay đổi diện mạo TP.HCM
Nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM đã được UBND TP giao cho các đơn vị, Sở, ngành hoàn thiện hồ sơ để trình HĐND TP.HCM. Đây cũng là những dự án hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo giao thông của TP trong thời gian tới.
UBND TP.HCM vừa có kết luận chỉ đạo sau cuộc họp lắng nghe báo cáo về các dự án giao thông của các quận, huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Sở KH&ĐT.
Theo đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM đã được UBND TP giao cho các đơn vị, Sở, ngành hoàn thiện hồ sơ để trình HĐND TP. Đây cũng là những dự án hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo giao thông của TP trong thời gian tới.
Cụ thể, dự án xây dựng hai cầu trên tuyến đường N2 và đường N4 để kết nối giao thông với lô đất thuộc khu chức năng số 7 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, nút giao An Phú (giai đoạn 1), đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, đường vành đai 2, cầu đường Nguyễn Khoái…
Với các dự án nói trên, UBND TP.HCM giao Sở QH-KT chủ động, khẩn trương phối hợp với sở, ngành, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và trình TP xem xét, phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch liên quan trong tháng 5/2020.
UBND TP cũng giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 và Nghị định số 40/2020 trình Sở KH&ĐT thẩm định.
Đồng thời, Sở KH&ĐT cần khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, đề xuất chủ trương đầu tư để TP trình HĐND quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với dự án đầu tư xây dựng nút giao An Phú ban đầu dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép sử dụng vốn dư JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) vay từ dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây để triển khai.
Tuy nhiên, việc sử dụng vốn dư để thực hiện đầu tư không khả thi. Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện TP đã giao các đơn vị lập dự án đầu tư xây dựng nút giao này bằng nguồn ngân sách và sẽ thực hiện đầu tư sau năm 2020.
Theo đó, nút giao được xây dựng là đường hầm chui hai chiều với bốn làn xe, kết nối đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ theo hướng về hầm vượt sông Sài Gòn. Còn cầu vượt hai chiều sẽ bắc qua đường Mai Chí Thọ để kết nối đường Lương Định Của với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Dự kiến tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án cầu Nguyễn Khoái nối quận 7, quận 4 và quận 1 đã được phê duyệt và thông qua kế hoạch nhiều năm. Tổng mức đầu tư của dự án này là 1.250 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phương án mới, dự kiến mức đầu tư xây cầu này sẽ tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với trước.
Ngoài ra, còn có dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài do Bộ GTVT làm chủ đầu tư nhưng chưa triển khai do gặp một số khó khăn. Theo thiết kế, cao tốc này có chiều dài 53,5 km, điểm đầu giao với đường vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (TP.HCM) và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).
Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (có sự hỗ trợ của Nhà nước) và chia làm hai giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 sẽ tập trung xây dựng đoạn TP.HCM – Trảng Bàng (Tây Ninh) với quy mô bốn làn xe tiêu chuẩn và đoạn Trảng Bàng – Mộc Bài với quy mô bốn làn xe (đường cao tốc hạn chế); giai đoạn 2 (giai đoạn hoàn chỉnh) sẽ xây dựng đoạn TP.HCM – Trảng Bàng với quy mô tám làn xe và đoạn Trảng Bàng – Mộc Bài với quy mô sáu làn xe.
Theo Chu Ký/ Nhadautu.vn
Link bài gốc: https://nhadautu.vn/trinh-hdnd-hang-loat-du-an-giao-thong-trong-diem-hua-hen-lam-thay-doi-dien-mao-tphcm-d37572.html