Bức ảnh của tác giả Việt Nam vừa đoạt giải nhất trong cuộc thi Skypixel: Đẹp xuất sắc!

Bức ảnh chụp loài cỏ bàng nổi tiếng.

Mới đây, một bức ảnh có tên “Thu hoạch cỏ bàng” của tác giả Nguyễn Hữu Bính đã đoạt giải nhất mục ảnh Chân dung trong cuộc thi Skypixel 2021. Trong đó bức ảnh đã chụp lại khoảnh khắc từ trên cao về một người nông dân đang kéo những bó cỏ bàng.

Thu hoạch cỏ bàng – Nguyễn Hữu Bính

Skypixel là cuộc thi flycam quốc tế với ảnh và video quay chụp bằng thiết bị điều khiển từ xa (drone). Cuộc thi này bắt đầu từ năm 2014 và đã diễn ra lần thứ 7 vào năm 2021 với gần 30.000 tác phẩm dự thi trên khắc thế giới.

Các hạng mục trong phần thi ảnh của cuộc thi bao gồm: Thiên nhiên, Kiến trúc, Chân dung và thể thao.

Bức ảnh này được chụp vào tháng 12/2021 ở xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, khi bức ảnh được trang Trung tâm Tin tức VTV24 chia sẻ trên trang Facebook thì đã nhận được gần 30 ngàn lượt thích chỉ sau 14 giờ với rất nhiều lời bình luận khen ngợi.

Vậy cỏ bàng là loài cỏ gì và được sử dụng để làm gì?

Cỏ bàng hay cói bàng (danh pháp hai phần là Lepironia articulata) là một loài cỏ thuộc họ Cói (Cyperaceae). Loại cỏ này có thân dưới cứng, to khoảng 8 – 10 mm và nằm ngang trong bùn. Ban đầu, cỏ bàng là loài cây cỏ dại mọc hoang nhưng sau đó đã được trồng rộng rãi.

Người dân miền Tây Nam Bộ đã gắn bó với chúng một cách mật thiết trong đời sống hàng ngày, cũng như trong tình hậu phương cho tiền tuyến những năm kháng chiến gian lao:

“Cảm ơn cô gái giã bàng

Đêm khuya thức dậy lao xao giã bàng

Chiều hôm nghe tiếng giã bàng

Thương anh vệ quốc hàng hàng quân đi”.

Hay trong bài hát vô cùng nổi tiếng: “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Ngô Huỳnh:

“Chiến khu bừng vui ấm bao lòng dân quê tôi.

Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi”.

Trong ca dao còn có câu hát thể hiện sự gắn bó với hai cái nghề cơ bản của vùng Đồng Tháp Mười chẳng khác nào tình yêu đôi lứa bắn bó bền chặt:

“Lòng thương con gái Kiến Vàng

Đầu đội neo bàng, tay xách mo cơm”.

Hay:

“Bông xanh mà lá cũng xanh

Em đi cấy lúa cho anh nhổ bàng”.

Thu hoạch cỏ bàng. Ảnh: Du lịch Việt Nam

Thân của cây cao khoảng 1m với các ngấn ngang, phía dưới đáy của cây có 3 đến 4 bẹ lá bao nhau cao khoảng 15 – 20 cm. Ở ngọn cây có gié hoa cao khoảng 1,5 – 2,0 cm và rộng đến 1 cm, bông quả cao 3 – 4 mm.

Loài cây này thường mọc ở các vùng đất ngập nước phèn chua, nhiễm mặn như ở Long An, Đồng Tháp, Hà Tiên. Chính vì những vùng đất nhiễm mặn khó có thể trồng được các loài cây khác nên cây bàng trở thành loài cây mang lại giá trị kinh tế chính.

Người ta sử dụng cây bàng để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, như là để đan đệm, làm nón, bao bì, làm nóp, lợp nhà tranh. Hiện nay chúng còn được sản xuất thành ống hút cỏ thân thiện với môi trường hay quay sách ly thay thế các loại nhựa thông thường.

Dưới đây là một số sản phẩm từ cây cỏ bàng:

Một số sản phẩm từ cây cỏ bàng.

Thời điểm thu hoạch cây bàng là vào mùa nước nổi, người nông dân sẽ dùng liềm gặt hoặc nhổ gốc lên và đem về phơi khô, đập dập. Sau đó họ sẽ đan thành những sản phẩm độc đáo như tấm đệm ngủ, cái nón bàng, giỏ xách bàng, cái nóp ngủ… rất tiện dụng và đẹp mắt.

Hiện nay, nghề cỏ bàng vẫn không bị mai một mà ngày càng phát triển khi nhiều sản phẩm từ cỏ bàng đã được xuất khẩu ra quốc tế và được đón nhận mạnh mẽ, trong đó đáng chú ý nhất là sản phẩm ống hút cỏ bàng thân thiện với môi trường.

Hoa Hướng Dương
Nguồn Pháp luật & Bạn đọc
Bài cùng chuyên mục