Nghịch lý: Du lịch tăng trưởng “thần tốc”, nhiều khách sạn vẫn “đóng cửa”

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Thế nhưng, nhiều khách sạn dưới 3 sao vẫn đóng cửa.

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn đang trong quá trình phục hồi

Sau hơn 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn đã gần như tê liệt hàng toàn. Tại các địa phương có thế mạnh về du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng hay Hạ Long (Quảng Ninh), rất nhiều khách sạn 4 sao đổ xuống đã phải sang tên, đổi chủ.

Bước sang năm 2022, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bắt đầu đón nhận tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, phải đến thời điểm Việt Nam “mở bung” du lịch từ ngày 15/3, phân khúc này mới thật sự bứt phá.

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn đang trong quá trình phục hồi.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại các địa phương như Tây Ninh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Lào Cai, Khánh Hòa, công suất cho thuê phòng khách sạn trong quý I/2022 đạt mức bình quân 70% – 90%, thậm chí những ngày lễ như Tết Nguyên đán, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, công suất có thể trên 90%. Giá thuê phòng khách sạn nhờ đó mà tăng 5% – 10% so với quý IV/2021.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của STR, một đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu về ngành khách sạn cho biết: Hiện nay, công suất đặt phòng tại Việt Nam dù có sự tăng trưởng, giá thuê cũng tăng so với cuối năm 2021, song sự tăng trưởng này chưa bằng một nửa so cùng kỳ năm 2019. Giá phòng bình quân vẫn thấp hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm đại dịch chưa xuất hiện.

Nhận định về vấn đề này, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC đánh giá: Từ đầu năm 2022, nhu cầu du lịch đã bắt đầu quay trở lại, bao gồm các hoạt động du lịch quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực có ít rào cản nhất đối với thị trường khách quốc tế. Do đó, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón đầu nhu cầu phục hồi du lịch từ nhóm khách châu Á sau một thời gian dài phải tạm dừng thực hiện các chuyến đi.

“Các khách sạn trong thành phố cũng ghi nhận sự tăng trưởng nguồn khách quốc tế trong vài tuần qua. Tuy giá phòng và công suất của các khách sạn vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch và so với một vài điểm đến khác trong khu vực nhưng nhìn chung hai chỉ số này đều có xu hướng cải thiện”, chuyên gia của Savills nói.

Nhiều khách sạn vẫn còn đóng cửa

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5  vừa qua, với 4 ngày nghỉ, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22.000 tỷ đồng.

Nhiều lý do khác nhau, các khác sạn vẫn tạm dừng hoạt động. (Ảnh: Việt Vũ)

Có thể thấy rằng, chỉ tính riêng nội địa, nhu cầu du lịch là rất lớn. Thế nhưng, theo khảo sát của Báo Nhà báo và Công luận, hiện nay, tại Nha Trang hoặc Đà Nẵng, nhiều khách sạn dưới 3 sao vẫn đóng cửa.

Nguyên nhân là do các khách sạn này đang trong quá trình sang nhượng, đổi chủ sau 2 năm không thể kinh doanh được do tác động của đại dịch COVID-19. Một số khách sạn khác thì đang trong quá trình tu sửa lại. Bên cạnh đó, cũng có nhiều khách sạn hoạt động cầm chừng, do lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

Đại diện một khách sạn 3 sao tại Nha Trang chia sẻ: Giá phòng chỉ tăng trong những ngày nghỉ lễ dài ngày, như giỗ Tổ Hùng Vương, hoặc trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5.

Đa phần các khách sạn tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng đều có quy mô nhỏ.

Trong khi đó, những ngày bình thường, giá phòng vẫn phải duy trì ở mức thấp để tạo ưu thế cạnh tranh. Thậm chí, trên các ứng dụng đặt phòng phải chạy chương trình khuyến mại nhằm kích cầu.

“Trước khi dịch bệnh xuất hiện, giá một phòng đơn là 700.000 – 800.000 đồng/đêm. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi duy trì mức giá 300.000 đồng/đêm vào những ngày thường, từ 320.000 – 350.000 đồng/đêm vào những ngày cuối tuần”, vị này cho biết.

Đại diện khách sạn này lý giải: Do nhiều khách sạn đã sang nhượng, chủ mới đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về giá để hút khách. Vì vậy, mặt bằng chung của giá thuê vẫn còn thấp.

“Dù vậy, trước động thái mở cửa du lịch quốc tế vào tháng 3, thời gian tới, nhất là vào kỳ nghỉ hè, du lịch quốc tế sẽ tiếp tục tăng trưởng, từ đó giúp các doanh nghiệp kinh doanh ngành khách sạn hồi phục trở lại”, vị này nói thêm.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận
Bài cùng chuyên mục