Chủ đầu tư bất động sản có thêm cơ hội tạo lợi thế bứt phá

Mặc dù hạn mức tín dụng được cấp thêm có thể không quá nhiều (gần 200 nghìn tỷ đồng) theo như thông báo về việc nới room tín dụng mới đây của Ngân hàng Nhà nước. Song, nguồn vốn này vẫn là cơ hội để các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện các dự án còn dang dở.

Trước khi thông tin Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng được công bố, thị trường bất động sản ghi nhận lực hấp thụ suy giảm mạnh. Theo báo cáo của DKRA, tại TP. HCM chỉ có 117 căn hộ chung cư được bán ra trong tháng 8/2022, giảm đến 78% so với tháng trước đó và là mức “đáy” trong 3 năm qua. Có thể thấy rằng việc dòng vốn tín dụng bị “siết” đã ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng giao dịch nói riêng và sự năng động của thị trường nói chung.

Dòng vốn tín dụng bị “siết” đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản thời gian qua. Ảnh – Kỳ Hoa

Theo bà Lê Thị Thanh Hằng, CEO sàn giao dịch bất động sản VietnamGroove, việc nới room tín dụng sẽ có những tác động khác nhau đến các chủ đầu tư, nhà đầu tư và người mua với nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, tác động nhìn chung là tích cực, có tác dụng như một liều thuốc trợ lực cho thị trường.

Bà Hằng cho rằng, đối với các chủ đầu tư uy tín, họ sẽ có điều kiện để tiếp cận nguồn tín dụng này để tiếp tục hoàn thiện các dự án còn dang dở. Làm được điều này cũng chính là các chủ đầu tư tự tạo ra lợi thế bứt phá cho chính mình trong tình hình khó khăn chung nhưng nhu cầu ở thực vẫn đang rất lớn.

“Với các nhà đầu tư, chúng tôi đánh giá rằng có những người đang mang tâm lý FOMO (Fear of Missing Out) – sợ cơ hội sẽ qua đi và không thể tận dụng được. Những người này có thể mang niềm tin rằng kinh tế vĩ mô đang duy trì được đà hồi phục sau đại dịch, một giai đoạn tăng trưởng mới đang bắt đầu.

Vậy nên, họ sẽ tìm cách dùng đòn bẩy tài chính sớm và phù hợp nhất để hướng đến các mục tiêu lợi nhuận về sau. Xét các dữ liệu thực tế của các hoạt động kinh tế trong thời gian vừa qua thì niềm tin đó có thể hiểu được. Mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã cho biết Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á được nâng mức dự báo tăng trưởng trong năm nay”, bà Hằng nêu.

Trong khi đó, CEO VietnamGroove đánh giá, người mua nhà với nhu cầu ở thực cũng sẽ có thêm điều kiện để đạt được giấc mơ an cư. Khi giá bất động sản vẫn duy trì đà tăng (phân khúc căn hộ tăng trung bình khoảng 5-10%/năm) thì người mua ở thực sẽ có những động thái nhằm nỗ lực mua nhà sớm nhất có thể.

Nhìn rộng hơn, việc nới room tín dụng được vị chuyên gia này nhận định sẽ từng bước khiến thị trường bất động sản sôi động trở lại. Theo đó, thị trường địa ốc vẫn sẽ tiếp tục gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ hay châu Âu. Bản thân thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang thu hút mạnh vốn FDI, đạt 3,3 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay (so với gần 1,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái).

“Dù vậy, chúng tôi nhận định rằng những tác động tích cực sẽ không diễn ra quá nhanh mà cần có thời gian phù hợp. Một nguyên nhân quan trọng là nguồn vốn tín dụng mới sẽ được ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Còn bất động sản vẫn là lĩnh vực đang được các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo sát các diễn biến nhằm điều tiết dòng tín dụng một cách thận trọng và hiệu quả nhất”, bà Hằng nhấn mạnh.

Kỳ Hoa – Hạnh Nhiên

Nguồn Nag báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục