Chủ đầu tư nhà ở thương mại, phải có trách nhiệm đóng góp tiền để phát triển nhà ở xã hội

Để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội.

Trong dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng vừa có đề xuất thành lập Quỹ nhà ở xã hội, nhằm thực hiện được mục tiêu phát triển 1 triệu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030

Theo đó, dự thảo đưa ra quy định trích 10% tiền sử dụng đất, thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị tại các địa phương, UBND cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm thu vào một khoản mục riêng trong Quỹ đầu tư phát triển của địa phương nhằm để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của dự án.

Các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội.

Nhận định về đề xuất này, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nếu chỉ trích 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn thì số tiền này không lớn, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa.

“Ngay cả đô thị lớn nhất nước, TP.HCM trong năm 2021 cũng chỉ thu tiền sử dụng đất được 7.560 tỷ đồng. Nếu trích 10%, thì cũng chỉ được 756 tỷ đồng mà thôi”, ông Châu nói.

Chủ tịch HoREA nhận định, với số tiền ít ỏi này, khó có thể dành để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của các dự án. Hoặc đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê.

“Nhất là Nhà nước không có đủ ngân sách để thực hiện đền bù, tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội”, ông Châu nhấn mạnh.

Do đó, Chủ tịch HoREA đề xuất nên bổ sung thêm quy định UBND cấp tỉnh, thành phố trích 10% tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để phát triển nhà ở xã hội.

Thay vào đó, ông Châu cho rằng, các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải có trách nhiệm đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội.

Ông Châu tiếp tục đề nghị, trong việc sửa đổi Luật Nhà ở, nhất thiết phải có quy định riêng về nghĩa vụ của các chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở thương mại, bằng cách đóng góp nghĩa vụ tài chính để góp phần phát triển nhà ở. Đặc biệt, ông Châu nhấn mạnh, chỉ khi thực hiện xong nghĩa vụ này, chủ đầu tư được bán toàn bộ sản phẩm của dự án nhà ở thương mại của mình.

“Chủ đầu tư nộp thêm vào ngân sách nhà nước một khoản tiền tương đương 20% tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thương mại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”, ông Châu nói.

Trong khi đó, GS.TS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện nay, quá nhiều khoản trông vào tiền thu từ đất (kể cả dự án Luật Đất đai sửa đổi), cần xem có đồng bộ với Luật Ngân sách không và ý kiến của Bộ Tài chính thu chi ngân sách nhà nước ra sao.

Dù vậy, để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, ông Võ đề xuất, các thủ tục quản lý đối với khu vực các dự án nhà ở xã hội cần đi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư. Nói cách khác, cần quy định ngay trong Luật các thủ tục hành chính đơn giản đối với các dự án nhà ở xã hội. Chỉ cần các điểm chốt về thủ tục liên quan đến các ưu đãi của Nhà nước, các nội dung khác để cho vận hành theo cơ chế thị trường.

Đồng thời có thêm các ưu đãi về thuế, thuế giá trị gia tăng khá lớn, dự án Luật cũng chỉ có ưu đãi theo quy định của luật thuế. Cách quy định này sẽ không mang lại hiệu quả thực tế.

“Lúc này cần thảo luận với Bộ Tài chính để miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực đầu tư phát triển nhà ở xã hội”, ông Võ cho biết.

Ngoài ra, ông Võ đề nghị cần bổ sung một điều quy định về chất lượng nhà ở xã hội gắn với việc áp dụng công nghệ xây dựng mới và vật liệu xây dựng mới. Sau đó, quy định về chính sách ưu đãi sẽ tăng hơn khi chất lượng công trình tốt hơn. Bên cạnh đó, cần quy định việc quản lý chất lượng đối với nhà ở xã hội để đảm bảo không xảy ra những điều đáng tiếc sau này.

GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng, đã được đóng góp nhiều ý kiến của các chuyên gia. Tình trạng quản lý của nước ta hiện nay cũng còn tình trạng luật quy định rồi, như nhiều bên không thực hiện. Ngoại trừ trường hợp cố tình vi phạm pháp luật vì lợi ích cá nhân, việc nhiều quy định của pháp luật không thể thực hiện được do thực tế chưa cho phép.

“Chính vì vậy mà cần cân nhắc về tính khả thi của điều luật thật kỹ lưỡng để tránh đi tình trạng có luật rồi nhưng không thể thực hiện”, ông Võ nói thêm.

Việt Vũ | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục