Hơn một nửa trái phiếu sắp đáo hạn năm 2023 là của doanh nghiệp bất động sản

2023 thực sự là một năm sóng gió đối với các doanh nghiệp bất động sản, bởi khi hàng loạt trái phiếu doanh của nhóm ngành này chuẩn bị đáo hạn.

Mới đây, báo cáo vĩ mô tháng 03/2023 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã ghi nhận lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị đáo hạn trong năm 2023. Ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm sẽ lên tới 290.000 tỷ đồng. Thời điểm tập trung cao điểm trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2023 và trong tháng 12 năm 2023.

Đáng chú ý nhất đó là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm tới 145.000 tỷ đồng với áp lực trả nợ rơi vào từ tháng 5 đến tháng 9. Như vậy, chỉ tính riêng trong nhóm ngành này, lượng trái phiếu đáo hạn đã chiếm tới 1 nửa tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm.

Hơn một nửa trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm của doanh nghiệp bất động sản (Ảnh TL)

Trong 145.000 tỷ đồng trái phiếu, có đến 85.000 tỷ đồng phải trả trong giai đoạn cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9. Trong khi đó, tình hình phát hành trái phiếu mới lại vô cùng ảm đạm.

Đối với quy mô mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm đã có tới 15.000 tỷ đồng trái phiếu được mua lại trước hạn, tăng tới 56% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do việc mua lại trái phiếu trước hạn trong năm 2022 diễn ra chủ yếu vào nửa cuối năm nên con số ghi nhận này vẫn chưa thể so sánh được với tổng lượng 235.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn được mua lại trong năm 2022.

Dù rằng lượng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trong 2 tháng đầu năm tăng 56% nhưng theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thì cũng trong thời gian này, có tới 13 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu với tổng giá trị phát hành lên tới 3.800 tỷ đồng. Có đến 60 doanh nghiệp công bố chậm trả lãi và nợ gốc trái phiếu, phần lớn trong số đó là doanh nghiệp bất động sản.

Về vấn đề này, vừa qua Nghị định 65 được sửa đổi cũng đã có những điều chỉnh để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn như việc cho phép đàm phán với trái chủ để trả nợ bằng tài sản hoặc cổ phần cũng sẽ phần nào giúp cho doanh nghiệp xoay sở được trước tình trạng mất thanh khoản về dòng tiền.

Dù vậy nhưng theo VDSC thì việc mất khả năng thanh toán đối với trái phiếu doanh nghiệp có thể lây lan sang các khoản nợ vay ngân hàng của nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Theo VDSC thì khả năng này rất thấp và tác động chưa thực sự rõ ràng đối với nền kinh tế hiện nay.

Du Uyên | NB&CL

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục