Cửa hàng trà sữa bán hàng kém chất lượng, GoViet có tiếp tay?

Người tiêu dùng đặt mua trà sữa của một thương hiệu nổi tiếng trên ứng dụng GoViet nhưng nhận được sản phẩm kém chất lượng. Dù đã phản ánh nhưng người tiêu dùng vẫn không nhận được hồi đáp nào từ ứng dụng này.

Sau khi chia sẻ sự việc lên Facebook, khách hàng N.N.C được biết nhiều người cũng từng bị lừa như mình trước đây. Một số tài khoản còn cho biết sẽ tẩy chay ứng dụng GoViet.

Cửa hàng trà sữa bán đủ thứ và… mất vệ sinh

Giữa tháng 10/2019, người tiêu dùng tên N.N.C (ở quận Gò Vấp, TP.HCM) đặt mua một ly trà sữa hiệu Royaltea trên ứng dụng GoViet. Cửa hàng này ghi địa chỉ 182 Phạm Ngũ Lão (P.7, Gò Vấp). Khi người giao hàng mang trà sữa đến thì khách hàng N.N.C thấy ly trà sữa này lạ hơn thường ngày. Lo lắng cho sức khỏe của người vợ đang mang thai, anh N.N.C không cho vợ uống vội.

Khách hàng này lập tức chạy đến địa chỉ đã mua hàng để xác minh thực hư. Đến nơi thì thấy cửa hàng khá nhếch nhác, biển hiệu ghi là Heekcaa chứ không phải hiệu Royaltea như anh đã thấy trên ứng dụng GoViet. Ngoài trà sữa ra, cửa hàng này còn bán cả… cơm gà Hồng Kông! “Tôi vào quán thì thấy không gian ngột ngạt mùi thức ăn, gà và rau để dưới chân cầu thang rất mất vệ sinh” – anh N.N.C kể.

Thất vọng với nơi bán trà sữa đã mua, anh N.N.C yêu cầu gặp quản lý để nói chuyện rõ ràng. Khá lâu sau đó thì người quản lý cũng tới. Theo khách hàng này, quản lý là người Trung Quốc, không nói được tiếng Việt, tiếng Anh thì nói được không nhiều. Khi phản ánh về thương hiệu trà sữa mình mua không đúng, anh N.N.C chỉ nhận được lời giải thích chung chung là “Heekcaa và Royaltea là hai thương hiệu chung chủ ở Đài Loan”. Khi khách hàng muốn xem giấy tờ chứng minh thì người quản lý cửa hàng lẩn tránh với thái độ thách thức.

Anh N.N.C bức xúc đã liên hệ với GoViet qua ứng dụng để nhờ hỗ trợ. Phía GoViet cho biết sẽ chuyển yêu cầu cho đơn vị liên quan để xử lý là phản hồi lại sau. Tuy nhiên, đến nay đã hơn nửa tháng nhưng anh N.N.C vẫn chưa nhận được hồi đáp nào từ GoViet.

Thấy thương hiệu trà sữa có tiếng nên người tiêu dùng đặt mua, hơn nữa, mua hàng thông qua một ứng dụng nổi tiếng ở Việt Nam là GoViet. Anh N.N.C đặt vấn đề, tại sao GoViet lại để những cửa hàng như vậy xuất hiện trên ứng dụng và khuyến mãi để lôi kéo người tiêu dùng?

 Cửa hàng trà sữa bán đủ loại ở Gò Vấp, có cả cơm gà Hồng Kông, chủ là người Trung Quốc.

GoViet có liên can?

Được biết, Royaltea là thương hiệu trà sữa có từ năm 2000 ở Quảng Đông, Trung Quốc. Đến năm 2015 thì có nhà đầu tư ở Hồng Kông mua lại. Do chữ Royaltea có nghĩa hoàng trà là tên chung, không đăng ký được thương hiệu kinh doanh nên họ đổi tên thành Heekcaa, bỏ hẳn tên Royaltea. Từ năm 2016, thương hiệu Heekcaa nhượng quyền rộng rãi tại nhiều nước châu Á. Cái tên Royaltea vì thế được tùy ý sử dụng mà không thuộc độc quyền của bất cứ doanh nghiệp nào.

Chính vì vậy mới có chuyện nhiều người dựng lên thương hiệu Royaltea ở Việt Nam rồi quảng bá là nhượng quyền từ Hồng Kông hay độc quyền tại Việt Nam. Bà Lê Thu Trang, chủ chuỗi cửa hàng trà sữa Heekcaa Original (một trong 3 đơn vị nhượng quyền từ Heekcaa) cho biết, tình trạng giả mạo và lập lờ thương hiệu Royaltea và Heekcaa diễn ra ở Việt Nam hơn 1 năm qua. Đặc biệt, tình trạng một số người Trung Quốc sống nhiều năm ở Việt Nam, vào những con hẻm nhỏ mở cửa hàng trà sữa với đủ loại thương hiệu, nhằm lừa khách hàng diễn ra phổ biến. “Trong một năm qua, vì bị ảnh hưởng bởi các cửa hàng giả mạo, chuỗi cửa chúng tôi bị sụt giảm doanh thu 30-40%, phải đóng cửa 1 trong số 10 cửa hàng” – bà Trang chia sẻ.

Cũng như nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm khác, bà Trang cũng liên kết với nhiều ứng dụng giao hàng như GoViet, GrabFood, Now… Khi khách hàng phản ánh tình trạng lừa đảo trên các ứng dụng, bà Trang trực tiếp liên hệ với các đối tác giao hàng để xác nhận nhưng không nhận được phản hồi, thậm chí gửi thư điện tử cũng không có ai trả lời. Bà Trang cho rằng, các ứng dụng giao hàng hợp tác với nhiều cửa hàng nhưng không xác minh giấy tờ đầy đủ, đã khiến tình trạng hỗn loạn của thị trường trà sữa thêm phần mù mờ.

Chúng tôi đã liên hệ với phía GoViet để làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này đã từ chối trao đổi trực tiếp, cũng như chưa có phản hồi nào hướng đến việc bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Theo luật sư Trần Minh Hùng, người tiêu dùng có thể yêu cầu cửa hàng giả mạo bồi thường lại giá trị món hàng. Nếu hai bên không thỏa thuận được, người tiêu dùng có thể làm đơn kiện ra tòa nếu thấy mình bị lừa đảo, quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm. Trong trường hợp này, GoViet cũng không tránh khỏi việc chịu trách nhiệm liên đới.

Theo Hoàng Yến/ Người Tiêu Dùng

Link gốc: http://www.nguoitieudung.com.vn/cua-hang-tra-sua-ban-hang-kem-chat-luong-goviet-co-tiep-tay-d78799.html

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục