Phản ánh về xe buýt qua đường dây nóng cũng… như không
Mỗi năm, ngân sách TP.HCM dành trợ giá cho xe buýt khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng loại hình vận tải hành khách công cộng này vẫn là đề tài để người dân phàn nàn, chính quyền mệt mỏi.
Sáng 15/11, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã tổ chức phiên giải trình về vận hành và phát triển xe buýt.
Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM – cho biết, tính đến tháng 8/2019, TP.HCM có 137 tuyến xe buýt, trong đó có 99 tuyến có trợ giá. Đến nay, người dân vẫn không mấy mặn mà với việc đi xe buýt. Cụ thể, năm 2013, trung bình đạt 47 hành khách/chuyến; năm 2014 giảm còn 45 hành khách/chuyến và năm 2019, chỉ đạt 33 hành khách/chuyến.
Người dân chê xe buýt là vì chất lượng phục vụ chưa tốt, phương tiện cũ kỹ và đặc biệt là chậm chạp, gây trễ giờ trong quá trình lưu thông.
Tại phiên giải trình, ông Hùng – một tài xế xe buýt có 14 năm trong nghề – cho biết, các tuyến giao thông, lộ trình các tuyến xe buýt chưa thực sự gắn với các điểm đến thuận tiện, phổ biến mà người dân mong muốn, chẳng hạn một số bệnh viện.
Ông Hùng tâm tư: “Áp lực tâm lý mất một chuyến là mất lương khiến tài xế chạy ẩu, người dân kêu gào. Tôi mong ngành chức năng giảm áp lực này cho chúng tôi”.
Theo ông Hùng, lâu nay, các cơ quan, ban ngành chưa thực sự quan tâm đến việc điều hành trạm chờ xe buýt, không có chính sách phạt nặng những cá nhân chiếm dụng trạm chờ, khiến tài xế gặp khó.
“Không bao giờ xe buýt dừng được tại các trạm này, do bị người dân chiếm dụng. Thế nhưng, khi chúng tôi gọi cho đường dây nóng của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thì không ai giải quyết, có gọi cũng bằng không” – ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, các trạm xe buýt rất dơ, thậm chí bị đặt thùng rác bốc mùi khiến người dân ái ngại, phải bỏ đi.
Tiền trợ giá xe buýt từ ngân sách xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm nhưng không giúp loại phương tiện này phát triển.
Nhiều đại biểu đặt câu hỏi: việc trợ giá xe buýt vì sao không hiệu quả, không hiệu quả sao không điều chỉnh?
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy – Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM – cho rằng, chính quyền thành phố chưa tìm ra được công thức để phát triển xe buýt. Theo bà, việc trợ giá nên thay đổi theo hướng trợ giá theo đầu ra thay vì đầu vào như lâu nay. Việc trợ giá đầu ra đó nên thực hiện theo quý, tính trên tổng số hành khách tham gia dịch vụ.
Tại phiên giải trình, ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TP.HCM – cho rằng, UBND TP.HCM vẫn xác định xe buýt là loại hình vận tải công cộng chủ đạo trong chiến lược phát triển giao thông, giúp giảm áp lực giao thông cho thành phố.
Tuy vậy, ông Hoan nói, để đánh giá đúng hoạt động của xe buýt, cần đánh giá ở hai mặt: nội tại và môi trường xe buýt hoạt động.
Qua đó, UBND TP.HCM đã đề ra 7 nhóm việc để thúc đẩy sự phát triển của ngành này, như: rà soát hoàn thiện pháp lý để điều chỉnh bổ sung như trợ giá, xã hội hóa, hỗ trợ hoạt động của xe buýt phù hợp với đặc thù riêng của thành phố; ưu tiên bố trí quỹ đất để phát triển giao thông; nghiên cứu quy hoạch các tuyến giao thông; thường xuyên kiểm tra xử lý việc lấn chiếm nhà chờ, đảm bảo người đi xe buýt tiếp cận được với xe buýt; hạn chế xe cá nhân đồng thời nghiên cứu để có một quyết sách từ chuyển dần đến chấm dứt xe vận tải hàng hóa lưu thông ban ngày (chuyển vào khung giờ ban đêm…
Liên quan đến vận tải xe buýt, tại phiên giải trình, loại hình vận tải xe buýt đường sông cũng được các đại biểu chất vấn hiệu quả. Sau 2 năm triển khai, loại hình này vẫn không góp phần giảm ùn tắc giao thông như chủ trương mà chỉ đạt về giá trị phục vụ du lịch, giải trí.
Theo Tuyết Dân/ Báo Phụ nữ TP.HCM
Nguồn: //www.phunuonline.com.vn/thoi-su/phan-anh-ve-xe-buyt-qua-duong-day-nong-cung-nhu-khong-169345/