Homestay nở rộ, chuyên gia cảnh báo rủi ro
Homestay phát triển cả về số lượng và hình thức phản ánh nhu cầu ngày càng cao của thị trường nhưng theo giới chuyên gia, có nhiều vấn đề cần xem xét quanh câu chuyện này.
Trong một lần leo Langbiang (Đà Lạt) năm 2017, dừng lại dưới chân dốc khi trời tối, Nguyễn Thanh Lan (29 tuổi), tưởng tượng về một mô hình homestay ngay tại khu này dành cho những người muốn gắn bó với núi rừng và cần yên tĩnh. Ý tưởng làm homestay của Lan ra đời.
Là một trong nhiều người trẻ lên Đà Lạt mở homestay, cô quyết định chọn xây dựng công trình bao quanh bởi rừng thông, cách thành phố khoảng 15 km. Khách hàng nhắm đến là những người leo Langbiang rồi xuống thuê không gian nghỉ chân hoặc khách nước ngoài ưa mạo hiểm, thích cuộc sống thư giãn, hạn chế các thiết bị hiện đại như điện thoại, mạng internet…
Khi bắt tay vào làm, cô mới thấy homestay không đơn thuần là nơi để nghỉ ngơi mà còn là nơi mang lại những trải nghiệm cho khách: sống trong rừng, bứt rau củ để nấu ăn, điện đôi khi chập chờn. Đó cũng là lý do mức giá cho một ngày đêm tại homestay của cô không hề rẻ, có khi lên đến 1 triệu đồng vào cuối tuần.
Chủ một homestay khác trên đường Gio An, phường 5, Đà Lạt lại nổi tiếng với việc tổ chức mô hình cho khách thuê được chăm cây và hoa, có thể thưởng thức rau trong vườn miễn phí ngay cả khi không muốn trực tiếp trồng trọt. Diện tích homestay là 600 m2. Mùa nắng thì chủ trồng cây, mùa mưa thì trồng rau. Chủ dự án này thường tổ chức các buổi trồng cây, tưới cây, chăm sóc cây… để khách tới trải nghiệm.
Trong một thị trường quá nở rộ như Đà Lạt, một số người làm homestay còn kết hợp làm homestay và trang trại, cho khách không chỉ ở miễn phí mà còn tham gia làm vườn, nhổ cỏ, thu hoạch rau màu… Đây được xem như một chiêu thức marketing, giới thiệu danh tiếng homestay cũng như thay thế việc phải thuê người làm vườn.
Tại Hà Nội, homestay cũng khá đa dạng về hình thức. Ở huyện Sóc Sơn, có chủ homestay xây khuôn viên hàng nghìn m2, thiết kế nhiều loại hình nhà, từ biệt thự đến nhà hạng sang, phòng diện tích lớn đến các thùng gỗ chỉ đủ cho 1-2 người ngủ. Mức giá cũng đa dạng. Có homestay cho thuê lại với giá 5-6 triệu đồng/ngày, nhưng cũng có không ít nhà chỉ 200.000 đồng/ngày.
Theo số liệu được báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn đăng hồi tháng 4, trong 2 năm qua, số lượng cơ sở lưu trú dạng homestay ở Đà Lạt gấp 3,5 lần, đạt khoảng 900. Một “thủ phủ homestay” như Đà Lạt luôn cần đến những sự khác lạ, độc đáo và xu hướng đầu tư riêng để lôi kéo khách hàng.
Nguồn cung tại Hà Nội, TP HCM cũng tăng mạnh. Báo cáo khảo sát thị trường của Công ty AirDNA cho thấy hiện tại số homestay đã lên 11.000 thay vì 3.000 như đầu năm 2017.Còn tại TP HCM, lượng homestay tăng 6 lần kể từ 2017, hiện có khoảng 18.000 căn.
Ông Võ Hoàng Hải, Tổng giám đốc chuỗi homestay Bare Boutique Stays, trong một hội thảo cho rằng xu hướng đầu tư bắt đầu chuyển dịch ra xa, có thể là hướng đi Cầu Đất do còn cảnh quan khu rừng thông nguyên sinh vẫn đậm chất Đà Lạt và giá có thể chấp nhận được. Một số người trong ngành thì khẳng định các yếu tố độc, lạ, chú trọng đến các trải nghiệm của khách hàng chính là điểm nhấn trong một thị trường na ná nhau.
Vấn đề lớn nhất là chính sách quản lý
Mô hình homestay ngày càng nở rộ với nhiều hình thức. Bên cạnh các homestay mang đúng bản chất là người bản địa chia sẻ không gian lưu trú cho khách du lịch, loại hình lưu trú này hiện được đầu tư bài bản, có khi cả hàng tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), và ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đều cho rằng việc homestay nở rộ, phát triển phản ánh nhu cầu của thị trường, giúp phát triển kinh tế cho người dân các khu vực miền núi, nông thôn. Tuy nhiên, 2 chuyên gia cho rằng sự phát triển của loại hình lưu trú này còn nhiều yếu tố cần xem xét.
Chủ tịch HoREA cho rằng cần xem lại định nghĩa homestay trên thị trường hiện nay. “Homestay nghĩa là khách phải được ở cùng chủ nhà và trải nghiệm văn hoá địa phương. Homestay cũng phải gắn liền với văn hoá, truyền thống. Không nên nhầm lẫn khái niệm này với ứng dụng kiểu Airbnb”, ông Châu nói.
Ông Châu cho rằng việc xây dựng nhà cửa rồi cho khách thuê lại như một cơ sở kinh doanh du lịch thì không phải là homestay.
Theo ông, vấn đề lớn nhất khi homestay nở rộ là chính sách quản lý. Chủ tịch HoREA, lấy ví dụ từ việc một bộ phận người dân và chính quyền ở các nước Bắc Âu phản đối mô hình homestay do khách du lịch đang làm xáo trộn cuộc sống của người dân bản địa.
“Nếu không có cơ chế và chính sách quản lý, homestay với đặc thù của mình là nơi ở ngắn ngày cho khách du lịch, sẽ có thể trở thành tụ điểm của tội phạm, những vị khách vãng lai từ nước ngoài, rồi việc khách du lịch ăn ở, sinh hoạt với lượng lớn cũng có thể làm mất bản sắc, các quy tắc, quy định địa phương”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng nếu không quản lý tốt, homestay sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự, các hình thức du lịch bất hợp pháp, thậm chí gây thất thu thế…
Cũng theo ông Đính, homestay chủ yếu được xây dựng và hình thành một cách tự phát, có trường hợp phát triển thiếu chuyên nghiệp, thiếu định hướng tạo nên bộ mặt nhếch nhác cho ngành du lịch.
“Cần đưa homestay vào một trong những nội dung mà ngành du lịch cần quản lý”, ông Đính nói.
Thuỷ Tiên – Khổng Chiêm/ Theo Người đồng hành