Nhà đất chán ngán, ế ẩm, môi giới lũ lượt về quê ăn Tết sớm

Thị trường bất động sản cuối năm trầm lắng, nhiều công ty thông báo cho nhân viên nghỉ Tết rất sớm. Thậm chí có công ty còn cho nghỉ Tết cách đây cả 1 tháng.

Nhà đất chán ngán, ế ẩm, môi giới lũ lượt về quê ăn Tết sớm  (hình minh hoạ).

Thị trường trầm lắng, môi giới chán ngán

Thị trường bất động sản cuối năm trầm lắng, nhiều công ty thông báo cho nhân viên nghỉ Tết rất sớm. Thậm chí có công ty đã cho nghỉ tết cách đây cả 1 tháng.

Chị Cẩm Nhung, hiện là môi giới cho dự án chung cư Boyoung Vina cho biết, cách thời điểm Tết khoảng nửa tháng, gần như không có bất kỳ khách hàng nào hẹn xem nhà.

“Công việc cuối năm bận rộn, cộng với thị trường năm nay có vẻ trầm lắng nên khá “ế ẩm””, chị Nhung nói và cho biết chị bắt đầu nghỉ Tết từ 20 tháng Chạp âm lịch.

Theo chị Nhung, một số năm trước, thị trường sôi động hơn, thời điểm cuối năm lượng khách đi xem, chốt mua dù không nhiều nhưng vẫn có. Như năm ngoái, chị Nhung vẫn làm việc đến hết 28 tháng Chạp âm lịch mới về quê.

Chị Minh Phượng, chủ một căn hộ ở chung cư Mulberry (Hà Đông) cũng ngao ngán chia sẻ, vì đang cần tiền muốn bán gấp căn hộ trước Tết để dùng tiền trả nợ.

Dù chật vật rao bán, giá đưa ra rất tốt nhưng chị Phương cho biết, đến cả 10 ngày nay không có ai qua xem. “Cũng có khách gọi hỏi, nhưng họ hẹn ra Tết. Quan niệm của nhiều người không muốn mua “ngày cùng tháng tận”, chị Phượng nói.

Ngoài lý do cuối năm bận rộn hay tâm lý không muốn mua nhà “ngày cùng tháng tận” thì thị trường trầm lắng do xuất phát từ những khó khăn về câu chuyện nguồn cung, giá cả.

Chủ một số công ty bất động sản than vãn, thị trường năm nay khó từ giao dịch đến nguồn cung. Không có hàng để bán hoặc có hàng nhưng giá tăng cao khiến thị trường không chấp nhận là tình trạng của khá nhiều doanh nghiệp môi giới.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Việt Nam cho biết có nhiều doanh nghiệp đến giai đoạn quý IV phải dừng hoạt động, nhất là đơn vị môi giới vì không có nguồn hàng. Đây là một năm không tốt với doanh nghiệp bất động sản, nhất là đơn vị môi giới.

Nhiều môi giới phải chuyển nghề vì không có hàng bán, cạnh tranh khốc liệt, nhưng trường hợp đó là những môi giới “non tay” thôi, còn môi giới có nhiều kinh nghiệm vẫn tự biết cách săn lùng tìm thị trường, thậm chí tự tạo ra thị trường.

Cũng theo lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, việc khan hiếm nguồn cung trong bối cảnh lực cầu mạnh tại đô thị đang là nguyên nhân chính là tăng giá bán căn hộ chung cư tại Hà Nội, TP.HCM.

Đáng lưu ý, theo ông Đính, việc tăng giá mạnh lại không được thị trường chấp nhận thể hiện ở một số hiện tượng: Đầu cơ sụt giảm, phân khúc có mức giá trên 50 triệu đồng/m2 có tỷ lệ hấp thụ thấp (đặc biệt với những dự án đẩy giá với biên độ lớn).

Giao dịch đi xuống, doanh nghiệp phá sản tăng cao

Đến thời điểm cuối năm 2019, thị trường được xem là khó khăn nhất sau một thời gian dài cố gắng nên không ít công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm.

Không chỉ phân khúc căn hộ, thị trường đất nền cũng khá ám đảm. Những thông tin bắt bớ chủ các công ty bán đất “ma”, lừa đảo khách hàng hay vô số những chiêu trò lừa đảo bán đất nền bị “bóc phốt” cũng khiến người mua chán ngán.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018.

Còn theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư), năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.

Dự báo thị trường bất động sản năm 2020, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng với sự tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các cơ quan có thẩm quyền Trung ương và thành phố, có thể từ quý III/2020 trở đi, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây.

Cũng theo HoREA, năm 2020, ít có nguy cơ xảy ra bong bóng nhưng có thể xảy ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông.

“Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức”, HoREA nhận định.

Theo Nguyễn Mạnh/ Dân trí

Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/nha-dat-chan-ngan-e-am-moi-gioi-lu-luot-ve-que-an-tet-som-20200119082356520.htm

 

Bài cùng chuyên mục