Lời khẩn cầu của ông chủ Novaland Bùi Thành Nhơn

Với vị thế của một doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, của một công ty đại chúng top đầu và niêm yết cả trái phiếu tại thị trường chứng khoán quốc tế (SGX), lá đơn cầu cứu của Novaland đã thực sự gây sốc.

Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn.

“Hiện Novaland đã kiệt sức, cần Đảng và Nhà nước hỗ trợ vì đang bị mất tính thanh khoản” – Chủ tịch Bùi Thành Nhơn đã nêu ra cả điều vốn được coi như cấm kị đối với những doanh nghiệp như Novaland.

Lúc bình thường, chỉ một dòng kiểu vậy xuất hiện trên báo chí hay kể cả là mạng xã hội, bộ phận truyền thông của ông lớn này hẳn sẽ được lãnh đạo yêu cầu xử lý cho bằng được.

“Novaland quan trọng nhất bây giờ là im lặng và tự cứu mình qua quan hệ ngân hàng. Họ có một số vấn đề không nên ồn ào” – một banker kỳ cựu, người đã từng ký giải ngân cho vay vài chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, bình luận với VietTimes về lá đơn gây sốc của ông Nhơn.

CEO của một ông lớn địa ốc – doanh nghiệp cũng đang vùng vẫy trong trùng điệp khó khăn cùng trên địa bàn TP.HCM như Novaland – cũng tỏ ra e ngại: “Câu chuyện truyền thông nếu vượt kiểm soát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu. Nó sẽ khiến các đối tác khác có ý định hợp tác với Novaland phải suy nghĩ lại về năng lực hiện tại của Novaland”.

Một doanh nhân khác cho biết, bà vừa điện thoại cho một người quen trên Bộ Xây dựng để hỏi chuyện. Người này nói rằng, trước bà, đã có tới hàng chục người có những cuộc gọi tương tự như vậy. “Đa phần là các doanh nghiệp bất động sản và… ngân hàng”, ông này nói qua điện thoại.

Những doanh nhân này vốn không lạ các áp lực và sự bế tắc mà Novaland phải đối diện suốt hai năm qua nhưng họ cũng vẫn sốc về lá đơn.

Phải chăng ông Bùi Thành Nhơn đã quá nóng vội và có phần bột phát khi gửi lá đơn này?

Là một doanh nhân lão luyện và trải đủ bầm dập thương trường, ông chủ Novaland hẳn biết cả những rủi ro được phân tích phía trên. Ông Nhơn và bộ tham mưu của mình hẳn đã phải cân nhắc, thậm chí là tham khảo từ các kênh, kể cả kênh gửi.

“Cực chẳng đã!” – một doanh nhân có ý cảm thông.

Lá đơn đề ngày viết là 25/1, tức nó được thảo vào đúng mùng Một Tết. Nhiều người sẽ hình dung thấy hình ảnh ông Nhơn lễ giao thừa và trở ra bàn làm việc khai bút và thảo lá đơn đầy tâm tư và cũng đầy sự cầu mong này.

Dấu công văn đến cho thấy, nó đến Bộ Xây dựng vào ngày 3/2 (Thứ Hai tuần này), mất 8 ngày kể từ khi viết. Hẳn ông Bùi Thành Nhơn đã nghĩ rất lung và nâng lên đặt xuống nhiều lần trước khi gửi. Nếu được gửi vào ngày viết hay sau kỳ nghỉ Tết, lá “đơn cầu cứu khẩn cấp” này phải đến sớm hơn, bởi các cơ quan nhà nước đã bắt đầu làm việc trở lại từ Thứ Năm tuần trước (30/1).

Không riêng gì Novaland, ách tắc tại nhiều dự án do rà soát pháp lý đã khiến nhiều doanh nghiệp BĐS TP.HCM ngắc ngoải. (Ảnh: Internet)

Khẩn cầu!

“Novaland khẩn cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế Kỷ 21 (Công ty thành viên của Novaland do Novaland chuyển nhượng lại Cổ phần) được tiếp túc phát triển Dự án Khu dân cư tại khu đất 30.224 ha phường Bình Khánh, Quận 2, TP.HCM vì đây là dự án đã đủ điều kiện bán hàng và Novaland đã bỏ vào dự án hơn 6000 tỷ đồng. Novaland xin cam kết chấp hành mọi quyết định của Chính phủ” – đơn cầu cứu viết.

Ông Bùi Thành Nhơn khẩn cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhưng có lẽ Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khó dám quyết. Bởi lẽ dự án Bình Khánh của Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế Kỷ 21 (Century 21) lại vướng vào một vụ việc mà dư luận đặc biệt quan tâm, thậm chí xem như đại án tại Thủ Thiêm.

Dự án có tên thương mại Water Bay này đã bị Thanh tra Chính phủ nêu ra trong Thông báo số 1483 ngày 4/9/2018. Theo đó, năm 2008, dự án được UBND TP.HCM chấp thuận chuyển từ thương mại sang tái định cư, đồng thời hoán đổi 30,2ha đất sạch tại Khu Nam Rạch Chiếc (nay là dự án Lakeview) để Century 21 triển khai dự án thương mại; tuy nhiên TP.HCM sau đó lại chấp thuận cho chuyển khu tái định cư (Bình Khánh) sang mục đích thương mại mà không thực hiện đấu giá theo quy định, tính tiền sử dụng đất không đúng thời điểm giao đất.

Lakeview và Water Bay bị đóng băng trước cả khi có thông báo này, từ quá trình rà soát. Novaland tắc dòng, bất chấp dự án đã sẵn sàng hái quả. Hơn 6.000 tỷ đồng mất thanh khoản ở riêng Water Bay là một gánh nặng ghê gớm, với hàng tỷ đồng lãi ngân hàng phải chịu mỗi ngày; Hơn thế nữa, là áp lực khó đong đếm đến từ dòng dài khách hàng bức xúc bởi những vi phạm cam kết.

Lá đơn cầu cứu của ông Bùi Thành Nhơn có phần đóng mở ngoặc để làm rõ hơn về Century 21: “Công ty thành viên của Novaland do Novaland chuyển nhượng lại cổ phần”. Nó hàm ý rằng, Novaland không phải nhà đầu tư sơ cấp ở dự án đang vướng mắc pháp lý này. Việc mua lại thứ cấp đồng nghĩa Novaland đã phải trả thêm một khoản đáng kể để đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng của bên bán.

Tìm hiểu của VietTimes, Novaland mới chỉ xuất hiện trong cơ cấu sở hữu của Century 21 từ giữa năm 2015, trong khi Century 21 đã được 3 nhà đầu tư nước ngoài là Henry Enterprise Company Inc, Ocean Springs Market Inc và Gulport Purchasing Seafood Inc thành lập từ năm 2002. Theo tính toán, tiền thuần mà Novaland đã chi ra sau thương vụ M&A này là 3.579 tỷ đồng.

Mà Novaland không chỉ tắc ở hai dự án trên. Hàng loạt dự án có liên quan đến đất công khác trong nội thành Tp. HCM của tập đoàn này cũng đang vướng.

Trong một nỗ lực nhằm khơi dòng tiền, Novaland đã phải chấp nhận rời căn cứ địa Sài Gòn, mở rộng hoạt động về các địa phương như Cần Thơ, Phan Thiết, Vũng Tàu, Đồng Nai. Báo cáo tài chính mới công bố cho thấy, tính đến cuối năm 2019, hàng tồn kho của tập đoàn này đã tăng 84% lên 57.198 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD – một con số khổng lồ và tương đương với 2/3 tổng tài sản.

Việc NHNN siết tín dụng bất động sản càng chất thêm căng thẳng cho việc thu xếp dòng tiền ở Novaland. Những nỗ lực của ông Bùi Thành Nhơn và các cộng sự hẳn đã tới hạn khi quyết định cầu cứu Bộ Xây dựng.

Và thực tế, không phải đến lúc này, ông Nhơn mới cầu cứu.

Trong nhiều cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM, giới chủ địa ốc Sài Gòn đã nhiều lần bày tỏ sự mệt mỏi và đoái mong một động thái gỡ rối thực chất từ các cấp. Một nữ doanh nhân thậm chí còn nức nở giữa một cuộc họp: “Tôi rất khổ tâm. Nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, để lại tâm thư để làm sao Nhà nước có cách nào tháo gỡ cho doanh nghiệp”.

Lá đơn cầu cứu mới nhất của ông Bùi Thành Nhơn có chăng chỉ văn bản hóa một cách chính thức những khẩn cầu bấy lâu, của ông và của nhiều đồng nghiệp.

Theo thống kê của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.

Thực cảnh của thị trường địa ốc TP.HCM thể hiện rõ qua số liệu được công bố bởi Cục Thuế TP.HCM.

Theo đó, nhiều khoản thu ngân sách từ các lĩnh vực liên quan đến bất động sản trong nửa đầu năm 2019 đều giảm mạnh, khiến số thu ngân sách từ nội địa đạt thấp. Cụ thể, thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản giảm 20,02% so với cùng kỳ năm 2018; lệ phí trước bạ nhà đất giảm 28,36%; số thu từ tiền sử dụng đất giảm 60,39%. Đáng lo ngại hơn là nợ thuế từ các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng tăng cao trong 6 tháng đầu năm và chiếm 51,72% tổng nợ khả thu tăng thêm.

Tác động tiêu cực của thực trạng đóng băng thị trường địa ốc TP.HCM không chỉ dừng lại ở hụt thu ngân sách, mà nhìn xa hơn là làm yếu một động lực quan trọng của Thành phố (năm 2019 thu ngân sách 412 ngàn tỷ đồng, chiếm 27,2% tổng thu cả nước), làm bất ổn tình hình an ninh xã hội (nhiều nhân viên mất việc, giảm thu nhập) và khiến một bộ phận doanh nghiệp chủ lực suy kiệt và chịu nguy cơ thâu tóm của dòng vốn nước ngoài./.

Theo Xuân Thắng/ VietTimes

Nguồn: //viettimes.vn/loi-khan-cau-cua-ong-chu-novaland-bui-thanh-nhon-379920.html

 

Bài cùng chuyên mục