Khám phá thác 5 tầng ở Trà Giang – Quảng Nam

Khung ảnh bình yên, thơ mộng với nhà sàn truyền thống, ruộng vườn, những con đường quanh co và thác nước 5 tầng hùng vĩ sẽ khiến du khách mềm lòng với đại ngàn.

Sau khi đi qua cây cầu treo bắc ngang suối từ trung tâm xã Trà Giang dẫn vào thôn 2, trước mắt hiện ra vùng trồng mía mưng bạt ngàn, gợi lên cảnh trù phú, no ấm. Đây là vùng đất ngụ cư suốt mấy chục năm năm của cư dân miền Bắc với các tộc người Mường, Tày, Nùng… xen lẫn với cư dân bản địa Trà My.

Từ thôn 2, băng qua những cánh đồng lúa nước xanh rờn, bằng phẳng đẹp như tranh giữa tiết xuân thì, băng qua những rẫy keo bạt ngàn, cuối cùng bản Mường (thôn 6, hiện sáp nhập vào thôn 2) dần hiện ra. Quảng Nam có nhiều làng bản trung du, miền núi rất đẹp, song ở làng bản xa xôi vùng Trà Giang này, dễ bị hấp dẫn bởi không gian tĩnh lặng, bình yên, thơ mộng, mang dáng vẻ trù phú hơn.

Những ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường, Tày, Nùng được làm bằng gỗ quý đứng sừng sững, tô đẹp cho vùng đất xa xôi này. Những căn nhà sàn miền Bắc mà các cư dân Mường mang đến núi rừng Trà My góp thêm một vẻ đẹp đa dạng sắc tộc.

Những chủ nhân của những ngôi nhà sàn tiếp đón chúng tôi rất niềm nở, chân chất. Bên bếp lửa hồng, họ kể về những gian khó ngày mới tới Trà My, chốn hãy còn  là “rừng thiêng nước độc” 30 – 40 năm về trước. Bóng thời gian như hiện hữu nơi những căn nhà sàn và nếp văn hóa truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng người dân tộc thiểu số miền Bắc.

Du khách có thể check-in bên những nhà sàn, rồi lại băng một đoạn đường hơn 5 cây số gập gềnh, khúc khuỷu, đến thác nước 5 tầng cuối bản. Nhìn từ xa, thác nước 5 tầng hùng vĩ, thơ mộng giữa núi rừng, nhưng con thác không gầm gừ, hung tợn, mà dòng đổ mượt mà, trắng xóa từ trên đỉnh cao, nơi cư dân bản địa gọi là đỉnh Hòn Bà.

Đứng từ xa, có thể quan sát hết thác, suối nhưng khi lại gần, chỉ nghe tiếng suối róc rách chảy với quần thể đá, suối trong vắt, trữ tình, hiền hòa. Dưới đáy nước có thể thấy những viên sỏi nhỏ và từng đàn cá bơi lượn. Suối thác 5 tầng là nguồn tưới cho những cánh đồng trù phú Trà Giang, rồi dòng chảy mãi, chảy mãi, điểm cuối cùng hòa vào con sông Tiên của vùng quê Tiên Phước.

Trong hàng chục con thác, suối vùng đại ngàn vùng Trà My, thác suối 5 tầng nằm giữa hai đỉnh núi Hòn Bà mỗi sớm mỗi chiều chìm trong mây trắng, mang vẻ đẹp nguyên sơ, mượt mà mà khó có con thác nào sở hữu được. Cũng bởi do nằm sâu trong đại ngàn, đường đến thác suối còn cách trở nên nơi đây chưa được nhiều người biết tới. Dòng nước suối mát lành, trong vắt như dải lụa mềm, có đoạn sủi bọt trắng xóa, đẹp tựa như bức tranh thủy mặc. Một quần thể đá, sỏi đẹp lạ lùng, trải bao năm, bao đời, đá được suối, thác bào mòn, mài nhẵn nhụi, trơn bóng và nhiều tảng đá lớn, đẹp là nơi các phượt thủ vô tư check-in, sefi, những cảm giác phiền muộn đã vụt xa. Từ xa, thấp thoáng những nóc nhà của làng có cảm tưởng như lạc vào một cõi thiên thai…

Theo ông Đoàn Ngọc Minh – Chủ tịch UBND xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My đã có kế hoạch đầu tư một số hạng mục như tôn tạo cảnh quan, bảo tồn hệ thống nhà sàn, khớp nối tuyến đường bê tông từ cuối thôn 2 dẫn tới chân thác suối 5 tầng, nhằm tạo điểm du lịch cộng đồng, tạo nơi tham quan, trải nghiệm văn hóa cộng đồng.

“Những năm về trước, địa phương đã nỗ lực trong việc cấm bất kỳ người dân nào khai thác quặng trong rừng sâu để giữ cho con thác và suối được đẹp, trong vắt như hiện nay. Địa phương và huyện cũng nỗ lực gìn giữ, khoanh vùng, bảo tồn gần 200ha rừng tự nhiên trên địa bàn, tạo đà cho phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái” – ông Minh nói.

Còn ông Thái Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, từ tiềm năng sẵn có, huyện đã có chủ trương đầu tư, biến bản Mường và quần thể thác suối 5 tầng Trà Giang thành điểm du lịch cộng đồng trên cơ sở giữ nét hoang sơ của thiên nhiên. Huyện cũng nỗ lực kêu gọi, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, một số đoàn khảo sát du lịch cộng đồng cũng đã đến tìm hiểu, khảo sát. Bên cạnh đầu tư một số hạng mục nhỏ, huyện cũng đề xuất hỗ trợ người dân cách thức làm du lịch cộng đồng, phục hồi các trang phục, nghi lễ, nghi thức sinh hoạt truyền thống, tạo bản sắc văn hóa vùng miền.

Đến bản nhà sàn và thác 5 tầng, du khách sẽ đắm mình trong thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ, đẹp như tranh vẽ. Hãy dành một ngày lên non, xa rời những tiện nghi của công nghệ số, hòa mình vào thiên nhiên, lắng nghe tiếng thác đổ, suối chảy, trở về với bản thể thiên nhiên, để nghe lòng thổn thức trước vẻ đẹp nên thơ, hùng vĩ.

Theo Hoàng Liên/ Báo Quảng Nam

Link bài gốc: http://baoquangnam.vn/du-lich/kham-pha-thac-5-tang-tra-giang-85535.html

Bài cùng chuyên mục