‘Bắt sóng’ số hóa kinh doanh thời Covid-19

Việc ứng dụng công nghệ số hóa trong kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận những thị trường nhanh hơn và mạnh hơn thay vì đối mặt những khó khăn thời dịch bệnh Covid-19.

Ước tính từ Tiki – một “ông lớn” trên sàn giao dịch trực tuyến (online) ở Việt Nam cho thấy trong mùa dịch Covid-19 này, xu hướng mua sắm online tăng mạnh đến nỗi mỗi phút có 3.000 – 4.000 đơn hàng.

Hoặc như Saigon Co.op vốn lâu nay có thế mạnh tại các điểm bán ngoại tuyến (offline) thì đơn hàng giao dịch qua kênh online hiện tăng gấp 10 lần so với trước đây.

Tăng tương tác khách hàng

Một số nhà bán lẻ khác cũng ghi nhận số lượng đơn hàng online tăng mạnh khoảng 100 – 200% so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, nhất là khi họ phát triển phương thức cửa hàng bách hóa online nhằm cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng ở nhà tránh dịch.

Ứng dụng số hóa sẽ giúp DN Việt tiếp cận thị trường tốt hơn giữa mùa dịch

Giới chuyên gia nhận định dịch Covid -19 tuy gây tác động tiêu cực nhưng là lại là “cơ hội vàng” cho mua sắm trực tuyến. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) Việt cần “bắt sóng” cơ hội này để số hóa hoạt động kinh doanh nhằm trụ vững trong lúc khó khăn hiện nay.

Chẳng hạn việc ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) trong việc tiếp thị (marketing) đến khách hàng trực tuyến giữa mùa dịch.

Các thuật toán thông minh có thể giúp DN Việt các nội dung quảng cáo, sản phẩm hoặc dòng tin cập nhật trên mạng xã hội (newsfeed) nhắm vào một số phân khúc khách hàng cụ thể mà không giải thích lý do tại sao họ lại thấy những nội dung đó.

Ts. Đặng Phạm Thiên Duy (Đại học RMIT) cho biết: “AI có thể được dùng để phân khúc khách hàng bằng cách phân tích khối lượng lớn đặc tính nổi bật và hành vi trực tuyến của họ”.

Bằng cách bắt các thuật toán thông minh phải giải thích rõ ràng các yếu tố dẫn đến những khuyến nghị phù hợp, kết hợp với phản hồi từ khách hàng, các chuyên viên marketing có thể tạo ra các tương tác có ý nghĩa hơn với khách hàng, tạo cơ hội gia tăng sự hài lòng của khách hàng và học hỏi thêm.

Còn theo Ts. Đinh Ngọc Minh, công nghệ này cũng có thể được áp dụng cho các phân khúc khác nhau của ngành chăm sóc sức khỏe. Chẳng hạn như dự đoán nhập viện hay tái nhập viện. Hoặc là có thể dự đoán số lượng bệnh nhân trong phòng cấp cứu tại một thời điểm nhất định, quản lý bệnh mãn tính, và chẩn đoán bệnh cũng như xem xét vấn đề dự đoán nguy cơ của bệnh nhân.

Có thể thấy, đây là thời điểm đầy hứng khởi cho DN Việt khi việc ứng dụng AI ngày càng gia tăng. “DN nên tiếp cận AI và xem xét ngay các yếu tố liên quan, như lợi thế và bất lợi, nguồn lực cần có, các quy định, vấn đề đạo đức và ứng dụng, để chuẩn bị đón đầu cơn sóng AI”, Ts. Phạm Thiên Duy nói.

Theo ông Phạm Minh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, các xu hướng công nghệ đang thu hút sự chú ý trên thị trường như AI hay IoT (Internet vạn vật kết nối), Robotics (một ngành khoa học kỹ thuật cao với các quy trình: thiết kế, chế tạo, vận hành, ứng dụng robot) hay 5G.

Vẫn còn “trong phạm vi hẹp”

Những công nghệ số này đang định hình lại thị trường và tạo ra một thế hệ người tiêu dùng mới với hành vi khác hoàn toàn so với 5 – 7 năm trước đây.

“Vậy nên chính DN Việt cần có sự chuẩn bị để đáp ứng những nhu cầu này. Nếu DN có những sản phẩm được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng online thì đó là một lợi thế”, ông Tùng nói.

Tuy vậy, Ts Đinh Ngọc Minh cho rằng dù AI đã và đang có những tiến bộ rõ nét, DN Việt Nam vẫn mang tâm lý hoài nghi.

“Các tổ chức và DN muốn 99% độ chính xác và đáng tin cậy, và những sản phẩm tích hợp sẵn AI. Nhưng hiện tại có rất ít nguồn thỏa mãn được những yêu cầu này”, Ts. Đinh Ngọc Minh chia sẻ.

Theo các chuyên gia của RMIT, hiện có rất ít DN ứng dụng AI. Hầu hết ứng dụng AI còn “trong phạm vi hẹp”, chủ yếu dùng để thực hiện những nhiệm vụ chuyên biệt. Phần lớn còn lại vẫn trong tâm thế chờ đợi, muốn thấy những kết quả tích cực và chờ thành quả của người khác để rút kinh nghiệm từ đó.

Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của AI ở môi trường DN mới gia nhập thị trường rất cần được khuyến khích. Với thái độ ngại ngần chưa muốn ứng dụng công nghệ mới này của những DN còn lại có thể sẽ được giải quyết nhờ lượng dữ liệu lớn có được từ thế hệ người dùng trẻ hơn.

Đơn cử như Sentifi – công cụ trực tuyến chuyên dùng thuật toán học máy tính để khai thác các tin nhắn trên mạng xã hội nhằm hiểu rõ về thị trường tài chính, là một điển hình cho khuynh hướng này.

Theo giới chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ số hóa sẽ giúp DN Việt tiếp cận những thị trường mới nhanh hơn và mạnh hơn thay vì đối mặt những khó khăn giữa mùa dịch khi vẫn cố giữ các phương thức kinh doanh theo kiểu cũ, công nghệ cũ.

Tuy vậy, việc ứng dụng số hóa cũng đồng thời mở ra những cơ hội tương đương cho các đối thủ. Vì vậy, DN phải đổi mới sản phẩm và kỹ năng phục vụ số hoá có tính liên tục để có thể cạnh tranh được.

Đặc biệt là khi xu hướng số hoá kinh doanh sẽ tạo ra rất nhiều công cụ thuận tiện cho DN Việt trong việc truyền thông, bán hàng, tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng.

Tuy nhiên, công nghệ số hoá kinh doanh phát triển giữa thời Covid-19 cũng là lúc DN phải cố gắng nhiều hơn trong cuộc đua giữ khách hàng, vì người tiêu dùng hiện có quá nhiều kênh, nhiều hàng hóa hơn để chọn lựa.

Theo Thế Vinh/ Thời báo kinh doanh

Link bài gốc: https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/bat-song-so-hoa-kinh-doanh-thoi-covid-19-1066534.html

 

Bài cùng chuyên mục