Cho phép tiếp tục triển khai nhiều dự án địa ốc tại TP.HCM

Hàng chục dự án bất động sản vừa được Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM cho phép tiếp tục triển khai, sau thời gian dài “đắp chiếu”.

Tới ngày 30/4/2020, TP.HCM sẽ giải quyết hết khó khăn cho các dự án cũng như doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn Thành phố.

Nhiều dự án lớn sắp hồi sinh

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM… để bàn việc giải cứu các dự án bất động sản đang gặp khó khăn về pháp lý.

Buổi làm việc này đã bàn cách giải quyết Dự án Greenview Garden tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) do Công ty TNHH Bất động sản Ladona làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích 20.203,7 m2, với sản phẩm là chung cư cao tầng để bán và cho thuê. Theo kế hoạch ban đầu, dự án này phải hoàn thành vào năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa được xây dựng. Lý do dự án chậm triển khai là doanh nghiệp xin điều chỉnh tiến độ thực hiện từ tháng 6/2017 tới tháng 12/2024.

Theo tinh thần cuộc họp, sẽ thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện dự án, tình hình đưa đất vào sử dụng, để làm cơ sở quyết định có cho phép dự án tiếp tục thực hiện hay không.

Tại buổi làm việc này, lãnh đạo Thành phố và các sở cũng tìm cách tháo gỡ Dự án Khu phức hợp Đầm Sen tại quận 11, được cấp phép từ năm 2014. Dự án có diện tích đất 54.568,3 m2, trong đó, chung cư 23.566 m2, khách sạn 5.554 m2, văn phòng 5.285 m2, do Công ty cổ phần Quốc tế C&T làm chủ đầu tư. Dự án vướng đền bù giải phóng mặt bằng, vì vậy, lãnh đạo quận 11, các sở đưa ra giải phép là hỗ trợ doanh nghiệp bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo khu tái định cư cho người dân đang sống trong khu vực quy hoạch dự án để dự án sớm được triển khai.

Trong khi đó, với Dự án Khu phức hợp Tháp quan sát Thủ Thiêm của Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), lãnh đạo Thành phố cũng như các sở đã xem xét tiếp tục cho dự án này được cấp phép xây dựng giai đoạn II, cũng như được bán dạng dự án hình thành trong tương lai…

Kế hoạch cho sự trở lại

Tập đoàn Novaland cho biết, tại Dự án Water Bay (quận 2), đã được bán cho khách hàng từ năm 2017 tới nay, nhưng vì bị dừng triển khai, nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do khách hàng và đối tác nước ngoài muốn rút khỏi dự án. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chuẩn bị nguồn lực về vốn cũng như các thiết bị và chỉ đợi được chấp thuận triển khai trở lại là sẽ bắt tay ngay vào xây dựng dự án.

Trong khi đó, Tập đoàn Vạn Phúc, chủ đầu tư Dự án Van Phuc City – nơi có Dự án Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế cho biết, đây là dự án thành phẩn trong tổng dự án 198 ha. Khi lập quy hoạch dự án đã có dự án thành phần này, nhưng theo quy định, khi thực hiện thành phần dự án nào sẽ phải xin phần đó. Năm 2019, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xây dựng khu thành phần dự án là trung tâm hội nghị và triển lãm. Đây là hạng mục quan trọng của tổng thể dự án, nếu được cấp phép, Tập đoàn sẽ triển khai xây dựng ngay để kịp tiến độ.

TP.HCM sẽ xây dựng phương án hỗ trợ, tập trung phát triển doanh nghiệp đầu ngành thành những tập đoàn lớn để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hầu hết doanh nghiệp địa ốc đang có dự án chờ triển khai trở lại là doanh nghiệp lớn và họ đã chuẩn bị nhiều năm nay để triển khai lại dự án đó. “Chỉ cần được lãnh đạo TP.HCM chấp thuận cho dự án phát triển, là các doanh nghiệp sẽ bắt tay ngay vào việc phát triển dự án, vì họ đã đợi quá lâu cho việc này”, ông Châu nói.

Tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cuối tháng 2/2020, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tới ngày 30/4/2020 sẽ giải quyết hết khó khăn cho các dự án cũng như doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn Thành phố, bởi bất động sản đã được xác định là ngành chủ đạo, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của Thành phố, song gần đây, ngành này gặp nhiều khó khăn, giảm doanh thu, không đạt chỉ tiêu.

Với tư cách là lãnh đạo Thành phố, chúng tôi đã lắng nghe và muốn đồng hành, tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhưng trong thực tế, đã có sự trì trệ trong thực thi pháp luật ở các sở, ngành“, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, trong quý I/2020, TP.HCM đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, đồng thời cam kết sẽ làm mọi cách để đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn làm ăn. TP.HCM luôn đồng hành và hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng tốt đẹp, hướng đến việc xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ, bất động sản của cả nước.

Theo ông Phong, TP.HCM sẽ xây dựng phương án hỗ trợ, tập trung phát triển doanh nghiệp đầu ngành thành những tập đoàn lớn để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đây là một trong những định hướng lớn trong thời gian tới để kích cầu phát triển của Thành phố.

Theo Họa My/ baodautu.vn

Link bài gốc: //dautubds.baodautu.vn/cho-phep-tiep-tuc-trien-khai-nhieu-du-an-dia-oc-tai-tphcm-d119803.html

 

Bài cùng chuyên mục