Big C từ chối nhập hàng dệt may Việt Nam: Hàng Việt ‘mất chủ quyền’ ngay siêu thị trong nước?
Theo Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho biết, hành động từ chối nhập hàng dệt may Việt Nam của Big C có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm chuẩn mực kinh doanh.
Sự việc Central Group – Chủ chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam – tuyên bố ngừng nhập các mặt hàng của doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang làm dấy lên làn sóng chỉ trích và tẩy chay từ người Việt.
Theo luật sư Phương Thảo, Phó giám đốc Công ty Luật TAT Law firm, hành vi của Big C có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm những chuẩn mực trong kinh doanh, gây thiệt hại đến các doanh nghiệp cung ứng của Việt Nam.
“Big C cần giải thích rõ nguyên nhân vì sao từ chối nhập hàng dệt may Việt Nam. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cần lên tiếng để bảo vệ các doanh nghiệp. Những đơn vị bị Big C từ chối nhập hàng có thể gửi hồ sơ khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) để khiếu nại hành vi này”, luật sư Phương Thảo nói.
Ở góc độ khác, về văn hóa kinh doanh, Big C cần chú trọng vấn đề “nhập gia tùy tục”. “Anh làm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, bán hàng hóa cho người dân Việt Nam thông qua hệ thống siêu thị rộng lớn trên cả nước nhưng anh lại từ chối tiếp nhận những sản phẩm của nhà cung ứng đến từ Việt Nam thì không khác gì anh đang tuyên chiến với người tiêu dùng Việt Nam”, luật sư Phương Thảo nhấn mạnh.
Vị Luật sư này cũng cho biết thêm, nếu người Việt Nam “quay lưng”, Big C sẽ phải trả giá cho hành động thiếu khôn ngoan này.
Phía các chuyên gia cũng bày tỏ thái độ quan ngại, nếu để Big C thực hiện điều này rất dễ tạo ra tiền lệ, khiến cho hàng loạt các sản phẩm Việt Nam khác trong siêu thị do nước ngoài sở hữu từng bước bị đẩy ra ngoài, nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập.
Nguy hiểm hơn nữa, với động thái của Big C và sau đây rất có thể là của các siêu thị ngoại, hàng Việt Nam nói chung và các sản phẩm may mặc nói riêng sẽ dần mất chủ quyền trong siêu thị ngoại, trên không gian mạng ngay tại quốc gia của mình, đẩy các doanh nghiệp Việt vào thế đối đầu.
Góc độ chính sách, việc Big C ngừng nhập hàng dệt may của Việt Nam là sự trở mặt không thể chấp nhận. Big C đã nhận được rất nhiều sự ưu đãi của cơ quan chức năng khi đầu tư tại Việt Nam.
Mới đây, tại hội nghị 10 năm, đại diện Big C khẳng định sẽ ưu tiên hàng Việt và hứa 90% hàng Việt sẽ có mặt tại chuỗi siêu thị này. Điều này có thể thấy Big C đã trở mặt rất nhanh.
Trả lời báo chí ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hiệp hội May thêu Đan TP HCM cho biết, hiện nay các doanh nghiệp bán hàng vào hệ thống siêu thị Big C Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nhà sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, việc ngưng nhập hàng dệt may của Big C hơi bất ngờ. Do đó, các doanh nghiệp không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng. “Các doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất trong tháng, quý. Họ đã mua nguyên liệu, hàng hoá và sản xuất. Do đó việc ngưng nhập hàng sẽ khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ bị ảnh hưởng”, ông Hồng nhấn mạnh.
Ông Hồng cũng cho biết thêm, hiện Hội Dệt may thêu đan đang liên hệ với các doanh nghiệp Việt Nam và Big C Việt Nam để tìm hiểu kỹ thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp.
Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi, cho biết công ty không cung cấp hàng may mặc cho hệ thống siêu thị Big C nhưng cung cấp mặt hàng chăn, ra, gối, nệm… “Dù chưa nhận được thông báo chính thức do Tập đoàn Central Group gửi đến nhưng chúng tôi nắm được thông tin tập đoàn này muốn dành mặt bằng để phát triển ngành điện máy (nên phải giảm mặt bằng dành cho ngành may mặc và các ngành khác – PV). Do đó, khả năng thu hẹp ngành hàng của chúng tôi sẽ diễn ra trong tương lai” – ông Hòa lo ngại.
Ngoài ra, ông Ngô Đức Hòa cho hay thời gian qua công ty gặp một vấn đề là chiết khấu tại siêu thị Big C tăng cao so với các siêu thị khác và tăng bất thường. “Trong khi sức mua thấp mà chiết khấu bỗng nhiên tăng cao khiến doanh thu thời gian qua của chúng tôi giảm 20%” – ông Hòa nói.
Central Group là một tập đoàn đa ngành chuyên về bán lẻ có trụ sở tại Thái Lan. Tập đoàn thuộc sở hữu của gia đình tỉ phú Chirathivat, gia tộc được Forbes xếp hạng giàu thứ hai tại Thái Lan năm 2018 với khối tài sản 21,2 tỉ USD.
Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan vào năm 2016 đã mua lại hệ thống siêu thị Big C VN gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỉ USD. Hiện tại, tập đoàn này nắm giữ cổ phần chi phối trong Công ty Điện máy Nguyễn Kim và thành lập nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ khác. Ngoài ra, tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group cũng đã mua lại Mertro VN gồm 19 siêu thị và các bất động sản liên quan với giá 876 triệu USD…
Như vậy, đến thời điểm trên, chỉ riêng hai đại gia Thái Lan đã sở hữu trên 50 siêu thị và hàng loạt cửa hàng tiện lợi tại VN, bao vây thị trường bán lẻ Việt.
Hoàng Lâm/Sức Khỏe Cộng Đồng