Nguy cơ “vỡ trận” quy hoạch do phân lô, bán nền: Nên cấm hay không cấm?

Do công tác quản lý đất đai lỏng lẻo tại nhiều địa phương, kết hợp với chính sách, luật pháp thiếu sự nhất quán, nên việc phân lô bán nền trái phép đã để lại nhiều hệ lụy xấu tới thị trường BĐS.

Trong vài năm gần đây, trình trạng phân lô bán nền trái phép xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước với diễn biến ngày càng phức tạp.

Đơn cử như ngay trong năm 2019, trên đường Dương Thị Giang thuộc khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12 xuất hiện một sàn giao dịch giới thiệu dự án đất nền tại đây. Tuy nhiên, ngay sau đó, UBND xã Tân Thới Nhất đã khẳng định, trên địa bàn không có bất kỳ dự án được cấp phép.

Cũng trong năm 2019, tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), Bình Tân (TP.HCM), Hòa Lạc (Hà Nội) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đặc điểm chung của vấn nạn phân lô bán nền trái phép đều là các dự án “ma”, được một số đầu nậu, cò đất tự ý “vẽ” ra và không được bất kỳ cơ quan chức năng nào phê duyệt.

Trong vài năm gần đây, trình trạng phân lô bán nền trái phép diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước với diễn biến ngày càng phức tạp. Ảnh minh họa

Hậu quả là nhiều nhà đầu tư mắc bẫy phải “ngậm đắng nuốt cay” mất trắng số tiền lớn khi tham gia đầu tư. Điển hình nhất phải kể đến các nạn nhân của Công ty Tập đoàn Địa ốc Alibaba. Với kịch bản tự ý “vẽ ra các dự án trên giấy”, lãnh đạo Alibaba đã “bẫy” thành công khoảng 6.700 nạn nhân, với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỷ đồng

Lợi dụng kẽ hở trong chính sách để phân lô bán nền

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân lô bán nền trái phép diễn ra ồ ạt trong thời gian qua một phần là do công tác quản lý đất đai lỏng lẻo tại nhiều địa phương, kết hợp với chính sách, luật pháp thiếu sự nhất quán.

Ông Châu giải thích, trước năm 2019, Luật Đất đai 2013 chỉ cho tách thửa “đất ở tại nông thôn” và tách thửa “đất ở tại đô thị”.

Tuy nhiên, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nghị định 43/2014/NĐ-CP cho phép UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Quy định này đã cho phép tách thửa đối với “từng loại đất”, có thể hiểu là cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp. Lợi dụng kẽ hở này, dẫn đến tình trạng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.

“Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM vừa đi kiểm tra tình trạng xây dựng trái phép ở huyện Bình Chánh và phát hiện ra rất nhiều sai phạm trong việc phân lô, bán nền. Việc này đã tác động lớn tới quá trình quy hoạch tại khu vực này. Trong đó, những nơi được quy hoạch làm chung cư cao tầng, thì nay phân lô xong không còn đủ quỹ đất để phát triển dự án”, ông Châu cho biết.

Nhấn mạnh tới hậu quả nguy hiểm của việc phân lô, bán nền tràn lan, ông Châu nói: “Đáng nhẽ một thửa đất có diện tích vài hecta mà được quy hoạch để phát triển chung cư, thì có thể cung cấp ra thị trường hàng nghìn căn hộ, đáp ứng được vấn đề an sinh, xã hội. Trong khi, cùng diện tích đó nếu phân lô, bán nền tràn lan thì chỉ đưa ra thị trường vài trăm đất nền. Như vậy là lãng phí”.

Do công tác quản lý đất đai lỏng lẻo tại nhiều địa phương, kết hợp với chính sách, luật pháp thiếu sự nhất quán, nên việc phân lô bán nền trái phép đã để lại nhiều hệ lụy xấu tới thị trường BĐS.

Nên cấm hay không cấm?

Đứng trước nguy cơ “vỡ trận” quy hoạch do phân lô, bán nền tràn lan, một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, nên cấm hẳn hoạt động này để hạn chế nạn đầu cơ BĐS cũng như loại bỏ được chủ đầu tư yếu năng lực.

Không đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc phân lô, bán nền là quyền của người sử dụng đất được quy định rõ trong Hiến pháp và trong Luật Đất đai.

Một số địa phương để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền tràn lan, trái phép trên đất nông nghiệp và phá vỡ quy hoạch đô thị, một phần là do chính quyền cấp cơ sở tiếp tay.

“Tôi cho rằng không nên vì một người sai mà bắt cả làng phải chịu trận khi bị cấm”, ông Châu khẳng định.

Trong khi đó, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Công ty Savills Việt Nam cho rằng, việc quyết định có cấm hay không còn phải xem xét các điều kiện liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực đó.

Ví dụ như, ở TP.HCM, khu vực diễn ra hoạt động phân lô, bán nền sôi động không diễn ra ở trung tâm mà thường là vùng ven như: Bình Chánh, Hóc Môn… Nếu cơ sở hạ tầng ở đó không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hay mật độ dân số thì việc cấm là hợp lý, còn những nơi hạ tầng đáp ứng được thì cần phải xem xét lại, bởi nhu cầu của người dân là có thật.

Chuyên gia của Savills nhìn nhận, nếu việc phân lô, bán nền của người dân vẫn phù hợp với quy hoạch, thì việc cấm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Từ đó, việc cấm đoán rất có nguy cơ gây mất an ninh trật tự xã hội.

“Người dân để đạt được mục tiêu thì sẽ có thể sử dụng hình thức mua bán bằng giấy tay, hoặc lập vi bằng… thì sẽ nảy sinh ra nhiều tranh chấp trong xã hội ở tương lai. Việc tranh chấp về mặt dân sự như vậy đã xảy ra rất nhiều. Đây là cái mà chúng ta phải nhìn thấy ở cấp độ xã hội”, ông Sử Ngọc Khương cho hay.

Theo Việt Vũ/ Dân trí

Link bài gốc: //dantri.com.vn/bat-dong-san/nguy-co-vo-tran-quy-hoach-do-phan-lo-ban-nen-nen-cam-hay-khong-cam-20200519225313460.htm

 

Bài cùng chuyên mục