Đằng sau câu chuyện BigC tạm dừng nhập sản phẩm dệt may của doanh nghiệp Việt là gì?
Tập đoàn Central Group - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị BigC tại Việt Nam - mới có thư gửi các đối tác tại Việt Nam, thông báo về việc siêu thị BigC sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam. Việc ngừng nhập sản phẩm dệt may đã khiến nhiều nhà cung cấp sản phẩm may mặc cho BigC tại Việt Nam bất ngờ. Để làm rõ hơn, phóng viên đã trao đổi với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (ảnh) xung quanh vấn đề này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về động thái của Big C về việc sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam?
Ông Ngô Trí Long: Về mặt nguyên tắc, theo tôi được biết, trong Luật Cạnh tranh có quy định bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ nào cũng không được từ chối đối với đơn vị cung ứng nếu không có lý do chính đáng. Nếu không có lý do chính đáng mà tạm ngừng thì sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh. Trước đó, ngay từ thời điểm Central Group mua lại hệ thống BigC năm 2016, BigC đã tỏ rõ quan điểm của mình là luôn ưu tiên hàng Việt Nam nhưng sau một thời gian hoạt động thì lời tuyên bố này đã trở thành vô nghĩa. Vì vậy, cần làm rõ hành động này của BigC mang mục đích gì, từ đó mới có giải pháp cho vấn đề này.
Thứ nhất, theo tôi mục tiêu của họ có thể là đẩy hàng Việt Nam ra để nhường chỗ cho các sản phẩm ngoại nhập. Tập đoàn Central Group đến từ Thái Lan, chắc chắn họ sẽ có những ưu ái nhất định đối với hàng Thái, điều này có thể là tất yếu. Bởi hiện nay trong xu thế ASEAN là một mái nhà chung trong cộng đồng kinh tế thì việc các siêu thị ở Việt Nam nhập hàng Thái lan là chuyện hết sức bình thường để nâng cao tính cạnh tranh. Trong khi đó, hiện nay tại các cửa hàng siêu thị thì hàng may mặc chiếm tỷ trọng tương đối lớn, khoảng 20%.
Mục tiêu thứ hai theo tôi nghĩ là để BigC bắt đầu xem xét lại những nhà cung ứng về may mặc có thể đáp ứng được nhu cầu của họ như: Mức chiết khấu cao, có sân sau có thể tạo lợi ích cho họ ở mức thỏa đáng.
PV: Trước hành động này của BigC, các nhà cung ứng đã rất bức xúc và thậm chí người tiêu dùng cũng đang có ý định tẩy chay hàng của BigC? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, liệu đây có phải là một hành động khôn ngoan không?
Ông Ngô Trí Long: Tuy phía BigC mới chỉ thông báo là tạm ngừng nhưng việc các doanh nghiệp cung ứng bức xúc là hết sức bình thường. Đồng thời, với cách thức mà doanh nghiệp nước ngoài làm ăn không thiện chí như trên thì bản thân người tiêu dùng cũng sẽ có hành động tẩy chay các hành vi và đó là điều tất yếu.
PV: Thông qua câu chuyện của Big C lần này, theo ông liệu các cơ quan nhà nước có cần vào cuộc để tránh những câu chuyện lặp lại như của Big C?
Ông Ngô Trí Long: Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã ký rất nhiều Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA)…
Thông qua các Hiệp định trên, có thể nhận thấy rằng trình độ sản xuất của chúng ta vẫn còn rất thấp mà trong quá trình hội nhập thì năng lực cạnh tranh là yếu tố quan trọng nhất. Quan điểm của cá nhân tôi thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, thậm chí nếu có vi phạm Luật Cạnh tranh thì bên cạnh những chế tài và biện pháp quyết liệt cũng cần có ứng xử một cách kịp thời.
Nếu chúng ta không xử lý một cách kịp thời, nghiêm minh theo đúng pháp luật thì những sự việc như trên chắc chắn sẽ còn tiếp diễn và tiếp tục gây hại cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có sự nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Doanh nghiệp không thể cứ ỷ lại vào lòng tốt của các đối tác nước ngoài bởi đã đầu tư kinh doanh thì mục tiêu đầu tiên phải là lợi nhuận.
Mặt hàng dệt may chỉ là mặt hàng đầu tiên chứ không phải là mặt hàng cuối cùng sẽ gặp phải trường hợp như trên, chỉ khi mặt hàng của Việt Nam có thế mạnh hơn thì các doanh nghiệp nước ngoài mới không thể thay thế bằng hàng của các nước khác được. Nếu các nhà sản xuất trong nước đưa ra những sản phẩm tốt, giá cả phải chăng, chắc chắn sản phẩm đứng vững trên thị trường, tận dụng được thế mạnh “sân nhà” để phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thông cáo báo chí được phát đi từ Big C Việt Nam đơn vị này đang phát triển các thương hiệu mới trong chuỗi bán lẻ, trong đó đang áp dụng cho ngành hàng may mặc và đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch này. Theo đó, Big C Việt Nam đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng.
Hiện tại, Big C Việt Nam có hơn 4.000 nhà cung cấp trong chuỗi siêu thị của mình. Big C Việt Nam đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.
Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.
Liên quan đến sự việc này đại diện Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM cho biết: “Việc nhà bán lẻ tạm ngưng không nhận hàng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DN, bởi họ đều đã có kế hoạch sản xuất hàng từ lâu. Thậm chí, việc tạm ngưng này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp vì hầu hết các nhà cung cấp đều còn hàng tồn, hàng chưa giao, thậm chí cả các đơn hàng đang trong quá trình sản xuất”.
Theo Xuân Thảo/ Hải Quan