Vẫn còn “khoảng tối” đối với hàng hóa Việt
Sau 10 năm thực hiện Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã góp tôn vinh giá trị, thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên thời gian gần đây, việc quản lý đã bộc lộ nhiều dấu hiệu bất cập và đây đang được coi là “khoảng tối” của hàng Việt.
Tiêu chí chưa rõ nét
Thời gian qua, lợi dụng tiêu chí, quy định về Hàng Việt Nam chất lượng cao – một danh hiệu được coi là có uy tín trên thị trường, một số doanh nghiệp đã có hành vi nhập khẩu hàng hóa ở nước khác về trong nước để lắp ráp rồi dán mác “hàng Việt Nam”, “xuất xứ tại Việt Nam”, “made in Việt Nam”… để đưa ra thị trường mà trong đó sự việc xẩy ra tại Công ty Asanzo đang là một ví dụ.
Để xảy ra tình trạng này, theo một số chuyên gia, ngoài yếu tố chủ quan và khách quan thì còn là những kẽ hở của pháp luật. Những quy định chưa rõ ràng từ chính phía nhà quản lý, doanh nghiệp, thị trường và người tiêu dùng vẫn tồn tại những “đứt gẫy” để cho hàng không đủ tiêu chí đội lốt, “khoác áo” hàng Việt để đến với người tiêu dùng, gây thiệt hại cho họ và thị trường.
Tìm hiểu về vấn đề này, nhiều quan điểm từ phía nhà quản lý đến người tiêu dùng đều cho rằng, lỗ hổng lớn nhất hiện này là chưa có sự phân biệt, định nghĩa rõ ràng giữa sản xuất và lắp ráp. Lắp ráp bao nhiêu phần trăm, lắp ráp mức độ thế nào, xuất xứ từ một nước hay nhiều nơi đến những quy định, khái niệm về phần trăm nguyên liệu để một sản phẩm được coi là sản phẩm “made in Vietnam” cũng chưa được cụ thể.
Hiện nay, trên thị trường, về từ ngữ, có ít nhất hơn 10 khái niệm pháp lý thương mại quốc tế liên quan nguồn gốc hàng hoá bao gồm: C/O, FOB, CNM, CIF, CTV, LVC, WO, CTC, RVC, PE, HS, CNM… Về vấn đề nhãn mác trên các sản phẩm hàng hóa, cơ quan quản lý cũng thừa nhận chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước hoàn toàn không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “made in Vietnam”.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa đã nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết”.
Cũng theo Nghị định này, cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định là ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó…
Việc chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, một cách rõ ràng, cụ thể đã gây nên những khó khăn cho cơ quan quản lý, thiệt hại cho người tiêu dùng và cho cả doanh nghiệp. Thời gian qua, từ vụ việc Khaisilk, trà trộn khăn lụa hàng Trung Quốc và cài mác “Made in Vietnam” rồi lại đến nghi vấn Asanzo, Sunhouse khiến dư luận hết sức bất bình và mất lòng tin vào hàng Việt.
Từ những vụ việc này, hiện nay, vấn đề đặt ra là cần có những quy định rõ ràng để không còn những doanh nghiệp “lập lờ đánh lận con đen” và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiêụ̣. Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Viet Nam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Viet Nam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng thì tiêu chí đánh giá hàng hóa trong đó có hàng Việt phải được cụ thể hơn. Không thể để người tiêu dùng thường trực ý nghĩ, dùng hàng Việt Nam nhưng thực ra là hàng hóa “đội lốt” hàng nước khác. Các cơ quan chức năng cần phải đề ra các tiêu chí hoạt động, phải thật sự nghiêm khắc, có trách nhiệm hơn nữa để những vụ tương tự sẽ không còn tái diễn.
Đang chờ dự thảo cấp bộ
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, hiện Bộ Công Thương đang soạn thảo dự thảo về quy định ghi nhãn mác “Made in Vietnam”. Ông Khánh cho hay, phương pháp phổ biến nhất để xác định xuất xứ là xác định hàm lượng giá trị khu vực (RVC) trong sản phẩm. Có nghĩa là xác định xem giá trị được tạo ra tại khu vực có liên quan là bao nhiêu. Nếu khu vực là một nước, ví dụ như Việt Nam, thì xem phần giá trị được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam là bao nhiêu, nếu khu vực là ASEAN thì xem phần gí trị được tạo ra trong phạm vi ASEAN.
Do vậy, việc xây dựng quy định, tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết, nên làm và áp dụng ngay để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Khi các văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng, doanh nghiệp chưa “bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật” thì hiện tại thị trường cũng như người tiêu dùng cần nhanh chóng có giải pháp. Như vậy mới hy vọng để có thêm biện pháp lấy lại thị trường, niềm tin người tiêu dùng, mà trước hết cái đích cần nhắm đến đấy là thị trường trong nước.
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp có uy tín, trước những vụ việc đã xẩy ra trên thị trường trong thời gian vừa qua cần nhanh chóng xây dựng một thương hiệu có tầm cỡ quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Xây dựng được thương hiệu tầm cỡ quốc gia với các sản phẩm hàng Việt đó chính là sự tự bảo vệ mình và bảo bảo vệ người tiêu dùng.
Liên quan đến sự việc của Asanzo – một nhãn hàng từng được Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao bình chọn lại đang nằm trong “nghi án” nhập nguyên liệu Trung Quốc để dán nhãn xuất xứ Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách làm ăn không minh bạch của nhiều DN hiện nay. Theo đó, rất nhiều DN đang có dấu hiệu đánh lừa người tiêu dùng bằng cách nhập linh kiện về lắp ráp tại Việt Nam rồi dán mác “hàng Việt Nam”, “xuất xứ tại Việt Nam”, “made in Việt Nam”, thậm chí sản phẩm như vậy còn được dán nhãn “hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Việc doanh nghiệp sản xuất thiếu minh bạch, nhập nhèm đánh tráo khái niệm hàng Việt Nam cũng như Hàng Việt Nam chất lượng cao xẩy ra trong thời gian vừa qua đã đem lại một cú sốc lớn cho thị trường và người tiêu dùng. Đây được coi như một sự chiếm dụng lòng tin đi ngược lại các quy định và đang gây ra những tổn hại lớn.
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Đây là một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng. Lựa chọn tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là một trong những nghĩa vụ của người tiêu dùng, bởi vậy có thể nói, bất cứ tổ chức cá nhân kinh doanh nào không chấp hành những quy định trên đều vi phạm pháp luật.
Theo quy định hiện hành, xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa. Khái niệm này cũng có thể được hình thành trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa.
Chính vì vậy, một yêu cầu hiện nay của thị trường là nhà quản lý cần đưa ra những quy định rõ ràng, cụ thể khi ghi cụm từ “xuất xứ Việt Nam”, “hàng Việt Nam”, “made in Việt Nam”… trên sản phẩm, hàng hóa để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần một cơ chế minh bạch trong sản xuất, kinh doanh để thay thế những “khoảng tối” của một số công ty, tập đoàn mà họ buộc phải làm trong quá trình tích lũy vốn, kinh nghiệm để trở thành một tập đoàn lớn.
Theo Lê Minh/CLO