Mùa vàng miền non cao Y Tý
Thu đến, từ khắp chốn, đặc biệt là chốn non cao đều đậm sắc màu của mùa vàng no ấm. Đó là màu của những triền lúa nặng trĩu bông, ánh lên niềm vui của những con người gắn bó với rẻo cao.
Thu này chốn non cao Y Tý (Bát Xát) tiếp tục là một trong những điểm đến được mong chờ nhất của du khách, bởi sức hấp dẫn đến mê đắm nhờ bức tranh thiên nhiên đẹp tới ngỡ ngàng từ những thửa ruộng, nương đồi. Tất cả đều được tô vẽ bởi sắc vàng của bông lúa trĩu hạt.
Từ thành phố Lào Cai qua thị trấn Bát Xát tới Y Tý có 3 cung đường và cả 3 cung đường đều níu chân du khách dừng bước, thu vào tầm ngắm bởi những tràn ruộng bậc thang dài rộng tít tắp, vàng rực lúa chín vàng. Điểm xuyết trong màu vàng mê mải ấy là những bản làng thanh bình, nơi quần cư của cộng đồng người Dao, người Mông, người Hà Nhì…
Cung đường thứ nhất đến Y Tý là ngược dốc qua Mường Hum – Dền Sáng. Trải dài hơn 20 cây số từ phố Mường, cung đường uốn lượn theo triền núi và mềm mại bởi sắc xanh khi lúa thì con gái và rực rỡ sắc vàng khi những bông lúa trĩu hạt. Cung đường ấy hấp dẫn nhất là cánh đồng Sảng Ma Sáo. Có nhiều điểm để “check in”, thu vào tầm mắt toàn cảnh cánh đồng Sảng Ma Sáo, trong đó có đoạn đường lên đỉnh núi Ky Quan San. Từ đỉnh núi này, du khách thỏa sức ngắm nhìn mùa thu vàng trong mênh mang mây trời xanh sắc. Tất cả làm nên bức tranh thủy mặc hư hư, thực thực.
Đến Y Tý mùa này, nhiều du khách chọn đi hướng A Mú Sung – A Lù – Ngải Thầu. Dẫu cung đường khá gian nan bởi sự bào phá của mưa lũ, kèm theo địa hình núi đá hiểm trở, nhưng bù lại là không gian mùa vàng vùng cao như trải dài bất tận, những ruộng bậc thang cao mãi như nấc thang lên trời, những lòng thung mênh mang thẳng cánh cò… Thích nhất là cảm giác độc hành cùng con ngựa sắt, sau hàng chục cây số cứ gầm gừ số 1, số 2 ngược dốc, lên đến đỉnh đèo thỏa tầm mắt ngắm cung đường uốn lượn phía xa tít tắp, mềm mại như dải lụa, ngút ngàn vàng óng mùa lúa chín vàng.
Cung đường thứ ba ngắn nhất và cũng mới nhất lên Y Tý là từ Trịnh Tường lên Phìn Hồ – Y Tý. Ngắn hơn những cung đường khác hơn chục cây số, nhưng cung này cua dốc và hiểm trở hơn. Càng lên cao giáp tới Y Tý thì thu vàng càng hiển hiện đậm nét qua những triền núi ruộng bậc thang, tô vẽ thêm vào đó là hình dáng uốn lượn, nước chảy hiền hòa của những dòng suối lớn đổ ra sông Hồng.
Vượt qua 1 trong 3 cung đường ấy, bạn sẽ đến được trung tâm Y Tý. Từ đây tỏa đi các thôn, bản như Choản Thèn, Lao Chải, Mò Phú Chải, Phan Cán Sử… thì đâu đâu cũng sẽ một màu vàng óng, nhưng sẽ quyến rũ và ngỡ ngàng hơn khi bạn chọn tới “rốn thóc” của Y Tý. Đó là cánh đồng bao quanh thung lũng Thề Pả chạy dài tít tắp từ Lao Chải xuống tới cầu Thiên Sinh. Cũng không thể kiểm đếm đã có bao nhiêu lượt du khách, bao nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà thơ thả hồn theo sương gió, mây trời và mùa vàng, chỉ biết rằng đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được ra đời từ chính phong cảnh thiên nhiên đầy mê hoặc, từ cuộc sống lao động và sinh hoạt bình dị của cộng đồng người Hà Nhì, người Mông nơi đây.