MyGo có gì để cạnh tranh với Grab, Be, Go-Viet?

MyGo là cái tên tiếp theo trong cuộc đua ứng dụng gọi xe nhiều cơ hội, lắm thách thức.

Ngày 1/7, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo bao gồm 3 dịch vụ là gọi xe máy, gọi ôtô và giao hàng (bằng cả xe máy và xe tải).

Báo cáo của Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) dẫn thông tin từ ban lãnh đạo Viettel Post cho biết, MyGo được phát triển như một phần nhằm tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ xung quanh dịch vụ bưu chính truyền thống và tăng chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Viettel Post cho biết trả chi phí tối thiểu để phát triển vì được phát triển nội bộ, thay vì thuê ngoài.

Đồng thời, ban lãnh đạo Viettel Post nhấn mạnh MyGo sẽ không cạnh tranh bằng cuộc chiến giá cả và “đốt tiền” như các đối thủ. Thay vào đó, MyGo sẽ cạnh tranh bằng cách cải thiện chất lượng dịch vụ cho khách hàng (có mặt trên khắp Việt Nam, không tăng giá vào giờ cao điểm hoặc khi trời mưa).

Các dịch vụ của các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam.

Dịch vụ giao hàng

MyGo tập trung vào dịch vụ giao hàng, thay vì gọi xe như các ứng dụng khác nhờ tận dụng hệ sinh thái sẵn có từ Viettel Post như phần mềm quản lý bán hàng đa kênh ViettelSale, ví điện tử ViettelPay và phiên bản ứng dụng Viettel Post tích hợp AI…

Điểm khác biệt của MyGo là sự kết hợp giữa giao hàng và chở người với ưu tiên trở người tới trước, giao hàng sau. Các ứng dụng gọi xe khác đề cao tốc độ di chuyển nên chỉ cho phép tài xế thực hiện chở người hoặc chở hàng, giao hàng xong mới được nhận đơn hàng tiếp theo. Tính năng này của MyGo nhằm tối ưu quãng đường, chi phí và hiệu suất lao động cho tài xế, từ đó, “các đối tác (tài xế) không phải đi săn khách hàng”, ông Trần Trung Hưng, CEO Viettel Post nói.

MyGo cũng cho phép tài xế nhận hàng từ một điểm và giao đến nhiều điểm. Ông Hưng giải thích, với các ứng dụng khác các cửa hàng có 4-5 đơn hàng thì cần lượng xe giao hàng tương ứng. Với MyGo, một cửa hàng chỉ cần một tài xế, hệ thống tự động hướng dẫn đường đi nhanh nhất cho những đơn hàng nhận từ một điểm để giao tới nhiều điểm.

Một điểm khác biệt nữa của MyGo phát triển tính năng giao hàng bằng xe tải và thực hiện mô hình “nhận nhiều điểm, giao nhiều điểm” trên các quãng đường dài.

Trong 3 ứng dụng giao hàng, MyGo hiện có giá rẻ hơn Grab, nhưng đắt hơn đáng kể so với Go-Viet. Tuy nhiên, sự phát triển của MyGo được tạo đà từ sự tăng trưởng của Viettel Post – hiện đang chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực giao hàng. Theo báo cáo từ SSI Research, năm 2019 và 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử tăng 20% cùng kỳ, lần lượt đạt 10 tỷ USD và 12 tỷ USD. Nhờ đó, thị phần mảng kinh doanh chính của Viettel Post là giao hàng tăng 2 điểm % mỗi năm, tương ứng 28% vào năm 2019 và 30% vào năm 2020 bằng cách chiếm lấy thị phần từ những doanh nghiệp nhỏ hơn. Động lực tăng trưởng của MyGo dự kiến cao hơn nhờ sự phát triển của Viettel Post.

Bảng giá dịch vụ giao hàng.

Nhân lực Viettel Post cũng đóng vai trò quan trọng. Viettel Post ước tính MyGo đang có 105.000 tài xế đăng ký, trong đó khoảng 10.000 công nhân viên công ty. Tuy nhiên, ông Hưng cũng nhận định, MyGo đang gia nhập vào cuộc đua khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro từ giao thông Việt Nam, quá trình phục vụ khách hàng 1-1, hàng hóa chuyển chở là vật có giá trị.

Dịch vụ gọi xe

Các ứng dụng đặt xe nhanh chóng chiếm thị phần nhờ vào cước phí rẻ, các chương trình ưu đãi, hay độ tiện dụng. MyGo cũng nắm bắt được tâm lý đó. Theo CEO Viettel Post Trần Trung Hưng, cước phí của MyGo thấp hơn thị trường từ 5% đến 7%.

So sánh với giá của các ứng dụng gọi xe khác cũng cho thấy giá cước của MyGo hấp dẫn hơn. Đồng thời, MyGo không tăng giá vào giờ cao điểm như các ứng dụng gọi xe khác như Grab, Go-Viet.

Cho đến thời điểm khảo sát, MyGo mới có ứng dụng gọi xe máy, trong khi ứng dụng gọi ôtô chưa đi vào hoạt động.

Bảng giá dịch vụ gọi xe máy.
Bảng giá dịch vụ gọi ôtô 4 chỗ.
Bảng giá dịch vụ gọi ôtô 7 chỗ.

Ban lãnh đạo Viettel Post nhấn mạnh MyGo không cạnh tranh bằng cuộc chiến giá cả và “đốt tiền” như các đối thủ. Giai đoạn đầu, MyGo triển khai một số chương trình khuyến mãi như tặng mỗi khách hàng 5 voucher giảm 10.000 đồng/cuốc xe với các cuốc xe từ 20.000 trở lên. Mỗi năm, Viettel Post sẽ chi ra 30 – 50 tỷ đồng cho chi phí đồng phục, tiền thưởng cho tài xế…

Hướng đi này giúp MyGo tránh được những khoản lỗ nghìn tỷ như Grab và các ứng dụng khác. Các đối thủ này đều nhận được những khoản tài trợ tài chính lớn, cụ thể Grab nhận đầu tư từ Softbank, Go-Viet có Go-Jek từ Indonesia “chống lưng”. Thậm chí ông chủ Softbank – Masayoshi Son cho biết sẽ hỗ trợ Grab không giới hạn.

Thay vào đó, MyGo sẽ cạnh tranh bằng cách cải thiện chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng với tâm lý chuộng giá rẻ, chính sách này có thể khiến MyGo “lọt thỏm” giữa những ứng dụng gọi xe có lợi thế đi trước và nhiều khuyến mãi như giảm 50% tối đa 35.000 – 40.000 đồng/chuyến.

“Mặc dù đây là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, các doanh nghiệp sẵn sàng tung ra các chương trình giảm giá liên tiếp, ‘đốt tiền để khô máu’ với nhau. Nhưng MyGo sẽ không chọn con đường đó, khi các chương trình khuyến mãi dừng lại, khách hàng sẽ chỉ trung thành với đơn vị nào cung cấp dịch vụ, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho họ”, ông Hưng cho biết.

Một chiến lược khác của MyGo theo CEO Viettel Post là sẽ xuất hiện tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mức độ phủ sóng là điểm nổi bật của MyGo so với các đối thủ khác.

CEO Viettel Post cho rằng: “Rõ ràng thị trường các tỉnh và vùng nông thôn đều có nhu cầu ở cả lĩnh vực gọi xe và thương mại điện tử. Quan trọng là chúng ta có dám chấp nhận đầu tư và mang cho họ công cụ hay không? Các doanh nghiệp thường tập trung vào thành phố lớn do lợi nhuận mang lại nhanh nhưng MyGo sẽ cung cấp dịch vụ cho các địa phương này. Viettel Post sẽ đi tiên phong trong việc cung cấp các dịch vụ chuyển hàng và đi lại cho khu vực nông thôn”. Mạng lưới bưu cục và bưu tá Viettel Post ở các địa phương là lợi thế cho MyGo khi cung cấp dịch vụ.

Mặc dù lãnh đạo Viettel Post tuyên bố ứng dụng sẽ có mặt trên toàn quốc, nhưng theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 7/1/2016 về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng chỉ cho phép việc thí điểm tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Trên thực tế, MyGo chỉ hoạt động được ở 5 tỉnh nêu trên.

Ông Hưng dự tính khoảng quý IV/2019, Viettel Post sẽ đưa dịch vụ gọi xe công nghệ MyGo ra thị trường Campuchia và Myanmar.

Ảnh: Oxii.

Chính sách cho tài xế

Một điều quan trọng để các nền tảng gọi xe cạnh tranh với nhau là số lượng tài xế tham gia, bởi lẽ dù dịch vụ có rẻ hơn các hãng khác và taxi truyền thống, nhưng khách hàng không thể sử dụng dịch vụ khi cần cũng khiến dần rời bỏ ứng dụng.

Theo khảo sát từ các tài xế, có 3 vấn đề họ quan tâm khi tham gia một ứng dụng: tỷ lệ chiết khấu, mức thưởng, và số lượng cuốc xe trong ngày. Grab với lợi thế gia nhập thị trường lâu nhất tại Việt Nam hiện nay sẽ có ưu thế về số lượng người sử dụng, từ đó cũng giúp các tài xế thực hiện được nhiều cuố xe nhất. Tuy nhiên, ứng dụng này cũng đang trở nên mất lợi thế hơn với tỷ lệ chiết khấu ngày càng cao và gần như không còn thưởng. Trong khi đó, Be đang tập trung lấy tài xế nhờ chính sách thưởng rất hấp dẫn.

CEO Viettel Post nhấn mạnh về tầm quan trọng của các tài xế với sự phát triển của ứng dụng. Bên cạnh cơ hội được ký hợp đồng lao động, các đối tác MyGo còn hưởng tỷ lệ chiết khấu cạnh tranh 20% (đã bao gồm thuế).

Tỷ lệ chiết khấu của các hãng gọi xe trực tuyến.

Viettel Post cho biết các tài xế khi đăng ký sớm vừa được nhận tiền vào tài khoản (có thể lên tới hơn 1 triệu), miễn phí dung lượng 3G/4G cho tài xế khi sử dụng ứng dụng này.

Theo ICT News, ngày 1/7, lượng tài xế tham gia vào ứng dụng đã lên đến con số trên 70.000 người chỉ sau một thời gian ngắn chạy thử nghiệm. Trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 – 5.000 tài xế đăng ký tham gia ứng dụng, tốc độ kỷ lục đối với một ứng dụng vừa ra đời.

Trên thực tế, so sánh giữa các dịch vụ tại cùng thời điểm, Grab vẫn đang có ưu thế vượt trội về khả năng người dùng bắt được xe.

Tóm lại, trong cuộc đua khốc liệt giữa các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam, nhiều ứng dụng đã phải rút lui hoặc ngừng hoạt động. Ứng dụng nổi tiếng Uber rút khỏi thị trường Việt Nam vào tháng 3/2018. Aber ra mắt vào tháng 6/2018 với chính sách không thu chiết khấu tài xế nhưng ít tháng sau, ứng dụng này thông báo ngừng hoạt động. Đồng cảnh ngộ với Aber là ứng dụng Lala từ AhaMove.

MyGo với sự hậu thuẫn từ Viettel Post đang có lợi thế đáng kể trong mảng giao hàng, nhưng với những chính sách không đốt tiền, không chạy đua khuyến mại, liệu MyGo có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ứng dụng khác trong bối cảnh “sinh sau đẻ muộn”?

Theo Người đồng hành

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục