Quy hoạch nội đô: Khắc phục quá tải hạ tầng ra sao?

Sáu quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đang hoàn thiện để trình thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc thực tế triển khai quy hoạch sẽ gặp không ít thách thức, nhất là yêu cầu giảm tải cho hạ tầng.

Nội đô đang chịu áp lực rất lớn về giao thông. Ảnh: Như Ý

Áp lực giao thông rất lớn

Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, với dân số hiện nay là trên 7 triệu người và phương tiện đã đạt 6,5 triệu ô tô, xe máy, theo yêu cầu đất dành cho giao thông Hà Nội phải đạt từ 20 đến 26% quỹ đất đô thị; riêng đất dành cho giao thông tĩnh (đỗ xe) phải đạt từ 3 đến 4%.

Tuy nhiên, hiện nay cùng với Quy hoạch chung, việc thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải được hơn 10 năm nhưng quỹ đất dành cho đô thị mới đạt 10% (khoảng 50% yêu cầu), đất dành cho giao thông tĩnh là 1% (30% nhu cầu). Khu vực nội đô lịch sử, tỷ lệ đất dành cho giao thông, các khu công cộng còn thấp hơn nhiều.

Trong khi đó với mức tăng trung bình khoảng 12%/năm, mỗi năm Hà Nội lại có thêm 0,7 triệu phương tiện được đăng ký mới làm do hạ tầng không theo kịp sự phát triển của đô thị và phương tiện. Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cảnh báo: nếu không có giải pháp tích cực, quyết liệt trong việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch thì vài năm nữa, khu vực nội đô Hà Nội sẽ không còn là câu chuyện tắc đường, ô nhiễm mà sẽ là đô thị bị đóng băng về phát triển kinh tế – xã hội.

Giải pháp nào?

Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, quy hoạch được duyệt là cơ sở pháp lý ban đầu, sau đó chính quyền địa phương phải triển khai tiếp các quy hoạch chi tiết, cụ thể hóa định hướng của quy hoạch phân khu, dự án hạ tầng khung, bổ sung thiết chế công của các quận, các phường, bổ sung hạ tầng cho các khu dân cư đang thiếu.

Quy hoạch phân khu dựa trên định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Nội đô lịch sử là khu vực hạn chế phát triển. Định hướng phải giảm dân số từ 1,2 triệu dân xuống còn 80 vạn dân để giảm áp lực lên hạ tầng. Giải pháp đưa ra là phải mở rộng các tuyến đường theo quy hoạch. Hiện nay nhiều tuyến đường chưa được mở. Những hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng sẽ được tái định cư tại các khu đô thị mới bên ngoài. Theo thống kê, dân số các quận nội thành đang giảm tự nhiên và đây là điều rất mừng. Tuy nhiên, dự án giãn dân phố cổ gặp nhiều vướng mắc và đây cũng là khó khăn khi thực hiện quy hoạch này.

Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giao thông tĩnh, theo KTS Lưu Quang Huy, quy hoạch phân khu đã kết hợp lồng ghép với quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ. Tận dụng không gian ngầm dưới vườn hoa, khu công cộng để bổ sung bãi đỗ xe cho nội đô. Nhà cao tầng phải tuân thủ định hướng Quy hoạch chung, nhất là các khu vực cải tạo chung cư cũ phải xây dựng cao tầng để giảm mật độ xây dựng và có phần đất bổ sung thêm không gian cây xanh, trường học, khu công cộng.

“Khó khăn hiện nay theo tôi đó là làm sao có cơ chế chính sách phù hợp huy động được nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe. Đầu tư từ ngân sách rất hạn chế nên cần sự thúc đẩy thu hút đầu tư từ doanh nghiệp”, KTS Lưu Quang Huy nhấn mạnh.

NguồnMINH TUẤN - TRỌNG ĐẢNG/ báo điện tử Tiền Phong
Bài cùng chuyên mục