Ngân hàng quyết tăng vốn sau mùa đại hội cổ đông

Tính đến cuối tháng 4/2021, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Nhiều nội dung quan trọng đã được thống nhất, trong đó nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ với nhiều kỳ vọng mới.

Ngân hàng quyết tăng vốn, thêm kỳ vọng sau mùa đại hội

Liên tục “chốt” tăng vốn

Không nằm ngoài dự báo, mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của nhiều ngân hàng vừa qua đã thống nhất tăng vốn điều lệ. Mới đây nhất, tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, năm 2022, dự kiến ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng.

Cũng trong cuối tháng 4/2021, tại Đại hội đồng cổ đông, đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chia sẻ những thành công đã đạt được và tiềm lực sẵn có và trình phương án kinh doanh năm 2021, thể hiện cho sự nỗ lực chinh phục những mục tiêu thách thức hơn. Trong kế hoạch này có thống nhất tăng vốn điều lệ lên 15.700 tỷ đồng gấp 3 lần vốn điều lệ hiện tại.

Trước đó, cổ đông của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng đã thông qua lộ trình tăng vốn điều lệ theo 2 đợt, với tổng mức tăng 64,7% so với thời điểm 31/12/2020. Theo đó, vốn điều lệ của ABBank sẽ tăng từ hơn 5.700 tỷ đồng hiện nay lên hơn 9.409 tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Ở nhóm Big 4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ tăng 3.076 tỷ đồng, nâng mức vốn lên hơn 50.401 tỷ đồng sau khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 20,6% trong giai đoạn 2021 – 2022 với số vốn hơn 48.500 tỷ đồng; Vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng dự kiến tăng lên 54.134 tỷ đồng trong năm nay, nếu phương án chia cổ tức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), áp lực tăng vốn của ngành ngân hàng vẫn chưa hề giảm trong năm 2021. Bởi trong vòng 10 năm gần đây, tốc độ tăng tổng tài sản của hệ thống ngân hàng trung bình từ 10-12%/năm, dư nợ tín dụng cũng tăng bình quân 14%/năm.

Gia cố “gối đệm” cho ngân hàng

Đại diện lãnh đạo ngân hàng ABBank cho biết, việc tăng vốn điều lệ từ hơn 5.700 tỷ đồng hiện nay lên hơn 9.409 tỷ đồng vào cuối năm nay nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh trong 2021 và giai đoạn trung hạn 2021-2025; bảo đảm việc thực hiện tự tái cơ cấu, tránh bị yêu cầu hợp nhất, sáp nhập. Ngoài ra, ngân hàng này cũng kỳ vọng cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) lên mức tối thiểu bằng mức trung bình 10,4% của các ngân hàng thương mại cổ phần cùng nhóm.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ẩn chứa nhiều rủi ro, chia sẻ với báo chí, TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, ngân hàng càng cần tăng sức đề kháng, nhất là tăng vốn. Bởi rủi ro gia tăng thì hệ số CAR của các ngân hàng càng phải dày hơn để ứng phó tốt hay nói cách khác giảm thiểu thiệt hại khi thị trường biến động.

Cùng chung nhận định này, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, trong bối cảnh dịch có diễn biến phức tạp, ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu dồi dào sẽ dễ dàng trụ vững, ngược lại ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu mỏng có nguy cơ bị mất thanh khoản. Bởi vậy, trong khó khăn, ngân hàng càng phải tăng vốn để gia cố “gối đệm” và tăng vốn bằng chia cổ tức bằng cổ phiếu là cách dễ nhất.

Bên cạnh đó, tăng vốn để đảm bảo các ngân hàng sớm hoàn thành các trụ cột của Basel II và hướng tới Basel III. Theo các chuyên gia, việc hoàn thành cả các chuẩn của Basel của mỗi ngân hàng không chỉ là đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn mà còn bước đầu đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, quản lý vốn theo chuẩn mực quốc tế. Đây là nền tảng quản trị quan trọng để giúp các nhà băng phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả; qua đó thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn bộ thị trường tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia nhận định, tăng vốn điều lệ không chỉ là giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, dự phòng rủi ro tín dụng mà còn giúp tăng giới hạn liên quan tới cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung và dài hạn để tài trợ cho các hoạt động cấp tín dụng; củng cố bệ phóng cho các ngân hàng trong cuộc đua mở rộng mạng lưới, thị phần và quy mô kinh doanh khi tình hình kinh tế trở lại bình thường trong năm 2021.

NguồnHương Giang/ Thời báo Ngân hàng
Bài cùng chuyên mục