Hoạt động ngân hàng không gián đoạn giữa “bão dịch”
Ngành Ngân hàng đang thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo hoạt động thông suốt
Thông suốt hoạt động ngân hàng
Tại khu vực miền Trung, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở TP. Đà Nẵng. Trong khi đó, tại địa phương lân cận là Quảng Nam cũng đã nổi lên những “điểm nóng” như, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Núi Thành, Đại Lộc… Trước tình hình trên, để bảo đảm hoạt động ngân hàng được thông suốt giữa mùa “bão dịch”, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã nỗ lực triển khai rất nhiều giải pháp.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Phạm Trọng – Phó giám đốc phụ trách NHNN Quảng Nam cho biết, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, NHNN chi nhánh tỉnh đã có nhiều văn bản yêu cầu các TCTD trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn, không bị gián đoạn trong mọi trường hợp, kể cả khi phải thực hiện cách ly xã hội.
Theo đó, căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, tình hình hoạt động của đơn vị mình, các TCTD phải chủ động rà soát, khai báo, thống kê các trường hợp đến các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm theo thông báo của Bộ Y tế. Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế. Đồng thời, quán triệt và chỉ đạo toàn thể cán bộ, người lao động trong đơn vị thực hiện nghiêm túc yêu cầu 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế”. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch bệnh, ngoài tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K, các đơn vị cũng phải thường xuyên khử trùng tại trụ sở cơ quan, nơi làm việc, đặc biệt là các phòng họp, nơi có nhiều người hoạt động chung, những vị trí có nguy cơ lây nhiễm, thiết bị, công cụ lao động sử dụng hàng ngày. Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn cũng yêu cầu cán bộ, nhân viên không tập trung đông người, đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ…
Để hoạt động ngân hàng không gián đoạn giữa “bão dịch”, các TCTD trên địa bàn còn thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, kịp thời báo cáo với cơ quan y tế tại địa phương để được hỗ trợ xử lý kịp thời. Tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết, phù hợp để phòng, chống đại dịch Covid-19 trong giao dịch tiền mặt trực tiếp với khách hàng. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa như, nước rửa tay sát khuẩn, bảo hộ lao động cho cán bộ làm công tác kho quỹ; có biện pháp phù hợp trong luân chuyển quay vòng tiền mặt, vệ sinh khử trùng khi xuất, nhập kho… Tại các TCTD trên địa bàn cũng đã triển khai cài đặt, áp dụng, sử dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ kết hợp tuyên truyền, vận động trong cộng đồng để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, khoanh vùng, dập dịch một cách chính xác, hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến như, việc ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluzone; Ứng dụng quản lý tờ khai y tế tự nguyện NCOVI; Hệ thống ghi nhận việc đến/đi tại các địa điểm công cộng (mã QR Code); Hệ thống Bản đồ chống dịch – An toàn Covid-19.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Bên cạnh, những giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên cũng như của khách hàng, ngành Ngân hàng Quảng Nam cũng đang tăng cường việc thông tin, tuyên truyền, triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thực hiện các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, tăng cường các hoạt động trực tuyến, tạo điều kiện để khách hàng không phải trực tiếp đến ngân hàng giao dịch. Những nỗ lực này cũng đang góp phần hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19, vốn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn cũng như ở các địa phương lân cận.
Trên thực tế, những năm gần đây tại Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, việc thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu. Cụ thể, năm 2020 trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, song các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại. Các dịch vụ internet banking, mobile banking được quan tâm, chú trọng phát triển đã góp phần hạn chế giao dịch tại quầy và thói quen sử dụng tiền mặt của khách hàng, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 298 máy ATM và 2.338 máy POS. Tổng giá trị giao dịch qua các kênh điện tử trên toàn tỉnh đạt trên 1.353.623 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thanh toán qua các kênh: ATM đạt 102.370 tỷ đồng; qua POS đạt trên 409 tỷ đồng; qua kênh Internet banking đạt trên 281.915 tỷ đồng; qua kênh Mobile banking đạt trên 960.281 tỷ đồng và qua các kênh khác đạt trên 8.568 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, với những tính năng nổi trội của thẻ tín dụng (nội địa và quốc tế) là sẵn sàng cho những trường hợp khẩn cấp, chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi tùy theo quy định từng ngân hàng (có thể lên đến 55 ngày). Trong năm 2020, hệ thống ngân hàng trên địa bàn Quảng Nam cũng đã phát hành trên 285.736 thẻ tín dụng nội địa và 23.377 thẻ tín dụng quốc tế, góp phần thực hiện tốt hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen.
Cũng theo ông Phạm Trọng, thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Thông tư 01, ngành Ngân hàng Quảng Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất, chính sách giảm phí thanh toán… nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong thời gian vừa qua và đã đạt được kết quả tích cực, được nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân đánh giá là kịp thời, phát huy hiệu quả. Trong thời gian đến, dịch bệnh Covid-19 dự báo tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát rất lớn, trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành Ngân hàng trên địa bàn sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh… góp phần hỗ trợ các đối tượng khách hàng sớm vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.