Ngân hàng tầm khu vực: Đích đến không xa
Mặc dù còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, nhưng với tốc độ tăng trưởng quy mô tổng tài sản như hiện tại, TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng, mục tiêu một đến hai ngân hàng nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực về tổng tài sản vào năm 2025 theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng năm 2030 sẽ sớm đạt được.
Đúng như dự báo từ đầu năm, câu chuyện tăng vốn tiếp tục là tâm điểm của thị trường ngân hàng trong năm 2021. Thống kê sơ bộ từ đầu năm có tới 23 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay, với tổng số vốn dự kiến tăng thêm là 159,4 nghìn tỷ đồng. Con số quy mô dự kiến tăng vốn năm nay nếu thành công ghi vào kỷ lục lịch sử vì thậm chí cả giai đoạn phục hồi mạnh mẽ từ năm 2016-2020 toàn hệ thống chưa năm nào có triển vọng đạt quy mô tăng vốn lớn như vậy.
Trong số ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn, VPBank là ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ “khủng” nhất, từ 25.300 tỷ đồng lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng vào cuối năm nay. Chia sẻ về cơ sở để ngân hàng này thực hiện kế hoạch khủng trên, ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, với khoản thặng dư từ việc bán 49% vốn tại “gà đẻ trứng vàng” FE Credit cho đối tác Nhật, vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ đạt khoảng 90.000 tỷ đồng vào cuối năm nay và một phần sẽ được “chuyển tiếp” sang vốn điều lệ.
Lý giải động thái này, theo TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc tăng vốn là bắt buộc trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng hai năm vừa qua tăng 12-14% trong khi vốn chủ sở hữu của nhiều ngân hàng tăng không tương ứng tạo áp lực đối với hệ số an toàn vốn, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc các TCTD phải tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo được hệ số an toàn vốn theo Basel II. Bên cạnh đó, hạn mức tín dụng được xác định trên vốn tự có, ngân hàng nào vốn tự có càng cao thì “room” tín dụng sẽ càng rộng mở.
Theo phân tích của Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) trong giai đoạn năm 2017-2018, nhiều ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, TPBank… đã có những đợt tăng vốn đáng kể để cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn. Các ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank và BIDV đã tăng vốn trong năm 2019. Nhưng kể từ sau những đợt tăng vốn đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Đồng thời, toàn hệ thống bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn theo Basel II từ 2019. Do đó, các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, trong khi vẫn đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch.
Hiện có khá nhiều giải pháp để tăng vốn, tuy nhiên giải pháp được nhiều ngân hàng lựa chọn hiện nay là tăng vốn qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP). Theo thống kê của SSI Research tại khoảng 16 ngân hàng dự định tăng vốn điều lệ thêm khoảng 82.700 tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ), trong đó 61.800 tỷ đồng (tăng 75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu; 18.300 tỷ đồng (tăng 22%) từ phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; và 2.600 tỷ đồng (tăng 3%) thông qua phát hành ESOP.
Việc các ngân hàng đẩy mạnh chia cổ tức bằng cổ phiếu để thực hiện tăng vốn không phải năm nay mới thực hiện. Từ vài năm trở lại đây, NHNN đã thắt chặt việc ngân hàng trả cổ tức tiền mặt, thay vào đó, khuyến khích trả cổ tức cổ phiếu để ngân hàng giữ được lợi nhuận củng cố năng lực tài chính vừa giải quyết vấn đề nợ xấu tồn đọng, vừa có điều kiện đáp ứng chuẩn Basel II tạo nền tảng hoạt động bền vững. Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, tranh thủ tận dụng cơ hội thị trường chứng khoán sôi động, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng mạnh… các NHTM có thể nắm lấy cơ hội khởi động và tái khởi kế hoạch tăng vốn với sự ủng hộ nhiệt tình của cổ đông. Tại Đại hội cổ đông vừa qua, hầu hết kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng đều được thông qua. Nhiều nhà băng cũng có các kế hoạch chào bán cổ phiếu để tăng vốn khủng như VPBank, MBB, SHB, LienVietPostBank…
Mặc dù còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, nhưng với tốc độ tăng trưởng quy mô tổng tài sản như hiện tại, TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng, mục tiêu một đến hai ngân hàng nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực về tổng tài sản vào năm 2025 theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng năm 2030 sẽ sớm đạt được.
Theo đánh giá của một thành viên khác thuộc Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, lợi thế vẫn thuộc mấy ngân hàng top đầu. Bởi thời gian để tăng quy mô tài sản gấp đôi không thể chỉ vài tháng vài năm mà là cả một quá trình. Rõ ràng ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước vẫn lợi thế với có quy mô tổng tài sản, hệ thống mạng lưới hoạt động rất lớn. Hoạt động kinh doanh bài bản, trình độ quản trị ngày càng được nâng cấp, một số ngân hàng đáp ứng đầy đủ cả 3 trụ cột Basel II và hướng tới chuẩn mực Basel III. Mức độ cọ xát với quốc tế tốt hơn, thương hiệu của ngân hàng ngày càng được cải thiện hơn trong thời gian qua.
Minh chứng là đầu năm nay, Công ty Brand Finance công bố có 9 ngân hàng Việt Nam nằm trong Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu năm 2021 của Brand Finance có cả 4 NHTM có vốn Nhà nước gồm: Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV và 5 NHTMCP gồm: VPBank, ACB, Techcombank, MBB và Sacombank. Với giá trị thương hiệu tăng 23%, Brand Finance đánh giá, ngành Ngân hàng của Việt Nam có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu theo năm lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong bảng xếp hạng. Trong 10 ngân hàng có giá trị thương hiệu tăng mạnh nhất giai đoạn 2020-2021 có sự góp mặt của một ngân hàng Việt là VietinBank với giá trị thương hiệu tăng 55,8%. Trong số các NHTMCP, VPBank mức tăng 37 bậc, góp phần đưa ngân hàng này lần đầu tiên lọt danh sách Top 250 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu.
“Khả năng kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã cho phép Việt Nam chống lại xu hướng sụt giảm giá trị thương hiệu của ngành Ngân hàng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, những cải cách nội bộ đã tăng cường trách nhiệm giải trình của ngành tài chính Việt Nam. Điều này đã có tác dụng thúc đẩy không chỉ doanh thu mà còn cả uy tín và niềm tin vào thương hiệu”, Brand Finance nhìn nhận.