Chủ động tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vùng tâm dịch

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, quan điểm xuyên suốt cả năm 2021 của NHNN là chủ động tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế để cùng đồng hành, chia sẻ từ phương diện vốn, lãi suất… đến cải cách thủ tục hành chính.

Tiết kiệm chi phí, tạo dư địa hỗ trợ khách hàng

Dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, tốc độ lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Điện Biên, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Lạng Sơn… đã tác động tiêu cực đến đời sống, xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 3/6/2021, NHNN Việt Nam đã ban hành Công văn 3947 triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19 với nhiều yêu cầu quan trọng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD), NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố.

Theo đó, NHNN yêu cầu lãnh đạo các TCTD, khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống, đặc biệt tại các địa bàn của các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, phong tỏa, cách ly do dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh… nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và các cấp chính quyền địa phương về phòng chống dịch Covid-19. Chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống.

Các ngân hàng tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng theo tinh thần Thông tư 03

Đặc biệt, các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới… theo thẩm quyền và theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN…

NHNN cũng yêu cầu các TCTD cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác. Đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.

Một yêu cầu quan trọng nữa đối với các TCTD là tích cực, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, tránh xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

NHNN đề nghị các TCTD tích cực hưởng ứng, ủng hộ các quỹ phòng, chống dịch, Chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 của địa phương và vận động cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị tham gia quyên góp, ủng hộ đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, người dân tại các khu phong tỏa, khu cách ly tập trung.

Kiểm tra giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ

NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo, đôn đốc chi nhánh các TCTD trên địa bàn triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định. Mặt khác phải kiểm tra giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân vay vốn đảm bảo hiệu quả; phối hợp với chính quyền địa phương chặt chẽ hơn giúp cho công tác chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Riêng tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly, phong tỏa như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh… NHNN chi nhánh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn khẩn trương rà soát, phối hợp chính quyền địa phương đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19. Trên cơ sở đó xây dựng kịch bản của ngành Ngân hàng, chủ động có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách cần phản ánh ngay về Trung ương để được hướng dẫn, xử lý.

Công tác tham mưu UBND tỉnh tại các địa bàn trên cũng cần được quan tâm triển khai với chỉ đạo thiết thực. Cụ thể, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo bộ phận đăng ký giao dịch bảo đảm của văn phòng đăng ký đất đai có giải pháp để tiếp nhận xử lý các hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, không làm ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng. Các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm hướng dẫn cụ thể về phương thức gửi và tiếp nhận hồ sơ trực tuyến để ngân hàng có thể đăng ký giao dịch đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng. Ngoài ra, đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc bằng hình thức trực tuyến tại trung tâm hành chính công, quy định thời gian xử lý để cán bộ ngân hàng và khách hàng được biết và chủ động xử lý công việc trong giai đoạn dịch bệnh.

Trao đổi với phóng viên, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, từ đầu năm đến nay NHNN đã có nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung. Điển hình như Thông tư 03 với những thay đổi cần thiết như mở rộng phạm vi hỗ trợ, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. “Việc tiếp tục ban hành văn bản đốc thúc các TCTD triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19 cho thấy sự nhất quán, quyết liệt của NHNN trong chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo điều kiện nền kinh tế phục hồi nhanh”, vị này nhấn mạnh.

Trao đổi với báo giới, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, quan điểm xuyên suốt cả năm 2021 của NHNN là chủ động tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế để cùng đồng hành, chia sẻ từ phương diện vốn, lãi suất… đến cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai các biện pháp, giải pháp chính sách, ngành Ngân hàng đã dành nguồn lực đáng kể ủng hộ công tác phòng, chống dịch, trong đó có nguồn lực quan trọng từ sự ủng hộ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng. Trong năm 2020, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ khoảng 300 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã ủng hộ, hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng. Đây là truyền thống tương thân tương ái, là tấm lòng và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

NguồnHà Thành/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục