Ngân hàng hỗ trợ vùng tâm dịch
Ngoài chính sách chung, chủ trương của NHNN là các TCTD tại các tỉnh, thành phố đang là tâm dịch phải có chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế mỗi địa phương, mỗi đơn vị. Chính sách cho vùng tâm dịch và sản phẩm, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp đang phải thực hiện giãn cách, cách ly bởi dịch Covid-19 trở thành vấn đề lưu tâm nhất hiện nay của các TCTD.
Ngày 1/6/2021, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú – Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã dẫn đầu Đoàn công tác của NHNN vào các địa phương đang là tâm dịch Bắc Ninh và Bắc Giang để trao ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, với sự quan tâm, chia sẻ và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, ngành Ngân hàng đã có nhiều ủng hộ, hỗ trợ đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Riêng năm 2020, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ khoảng 300 tỷ đồng; từ đầu năm 2021 đến nay, toàn hệ thống ủng hộ, hỗ trợ gần 530 tỷ đồng. Ngày 31/5, NHNN cũng đã tổ chức lễ phát động, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của NHNN ủng hộ tối thiểu 01 ngày lương để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như thực hiện chiến lược tiêm vắc-xin cho người dân.
Không chỉ trực tiếp trao tiền ủng hộ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ có văn bản chỉ đạo các NHTM trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang tập trung rà soát lại tất cả các doanh nghiệp, người dân vay vốn để có chính sách hỗ trợ riêng cho hai tỉnh trong vấn đề hoãn, giãn, gia hạn các khoản nợ…
Rất nhanh sau đó, ngày 3/6/2021 NHNN có văn bản số 3947/NHNN-TD yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc/Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD); Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tại văn bản này, NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới… theo thẩm quyền và theo quy định tại nhiều văn bản hiện hành như Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, Thông tư số 10/2015/TT-NHNN…
Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng TCTD căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác…
Điểm đáng chú ý, trong văn bản này NHNN đã yêu cầu NHNN chi nhánh tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly, phong tỏa (như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh,…) chỉ đạo các TCTD trên địa bàn khẩn trương rà soát, phối hợp chính quyền địa phương đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19; trên cơ sở đó xây dựng kịch bản của ngành Ngân hàng, chủ động có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Như vậy ngoài chính sách chung, chủ trương của NHNN là các TCTD tại các tỉnh, thành phố đang là tâm dịch phải có chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế mỗi địa phương, mỗi đơn vị. Chính sách cho vùng tâm dịch và sản phẩm, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp đang phải thực hiện giãn cách, cách ly bởi dịch Covid-19 trở thành vấn đề lưu tâm nhất hiện nay của các TCTD.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng vùng tâm dịch đã được triển khai, như Vietcombank quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay và phí đối với khách hàng tại địa bàn Bắc Giang và Bắc Ninh trong thời gian từ nay đến hết 31/8/2021. Hay MSB có gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho ngành Y- Dược; hoặc khách hàng cá nhân là mua bảo hiểm BIDV MetLife nếu dương tính với SARS-CoV-2 được hỗ trợ đến 25 triệu đồng;…
Đặc biệt, chưa khi nào các kênh giao dịch phi tiếp xúc phát triển thần tốc như hiện nay. Sản phẩm, dịch vụ trên kênh ngân hàng điện tử liên tục được cập nhật, nâng cấp. Việc mở tài khoản trùng với số điện thoại trên eKYC đã trở nên phổ biến; Qua app ngân hàng trên điện thoại khách hàng chỉ cần quét QR để thanh toán hóa đơn, thậm chí thực hiện các lệnh mua, bán chứng khoán. Không chỉ thanh toán hóa đơn, khách hàng có thể vay vốn qua Digibank. Hay với SmartBanking thế hệ mới, khách hàng có thể thực hiện giao dịch bằng giọng nói; cá nhân hóa bằng cách thay đổi giao diện theo sở thích…
Theo nguồn tin của phóng viên, một NHTM lớn đang đẩy nhanh tiến độ cho ra mắt các cây ATM thế hệ mới với nhiều tính năng vượt trội như: chuyển tiền vào tài khoản cho người khác thụ hưởng; rút tiền trên ATM không cần thẻ; đổi ngoại tệ ra VND ngay trên ATM…
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo NHTM cho biết, đối với khách hàng “vùng đặc biệt” đang bị bủa vây, ngân hàng không chỉ có sản phẩm, dịch vụ đặc thù mà còn có chính sách ưu đãi nhất định. Đây cũng là cuộc cạnh tranh, cơ hội thể hiện năng lực, trách nhiệm xã hội của ngân hàng.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)