Cuộc chiến giữa Tân Cảng Sài Gòn, VTSC, AquaOne và Geleximco tại Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ
Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chọn ai làm Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ?
Một dự án cảng biển hơn nửa tỷ đô, mang tính động lực quan trọng với kinh tế đất nước, nhưng đã gần như chết yểu suốt 15 năm qua đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực quản lý của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các bộ ngành liên quan.
Với sự xuất hiện của 4 cái tên đình đám như Tân Cảng Sài Gòn, Geleximco, Công ty CP Đóng tàu và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu, Tập đoàn AquaOne, đã đến lúc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần ra quyết định hợp lý cho tương lai của dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ.
15 năm bỏ phí
Dự án đầu tư cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ do Công ty CP Đóng tàu và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (Vũng Tàu Shipyard, gọi tắt là VTSC) làm chủ đầu tư, với diện tích đất khoảng 86ha, quy mô đón nhận các tàu tải trọng lên tới 160.000 DWT, tổng vốn đầu tư khoảng 10.235 tỷ đồng.
Dự án được chấp thuận chủ trương từ năm 2006, tiến độ theo chứng nhận đầu tư là hoàn thành toàn bộ vào năm 2015. Sau khi bị xác định vi phạm Luật Đất đai, dự án nhận quyết định chấm dứt hoạt động vào năm 2017 từ Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh.
Đáng nói, những tình tiết xoay quanh ‘đoạn kết buồn’ của cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ cho thấy tình thế giằng co giữa các doanh nghiệp đặc biệt để mắt tới siêu cảng này.
Đầu năm 2017, Geleximco xin chủ trương Chính phủ đầu tư hai dự án (trong đó có cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ). Hơn một năm sau đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có chỉ đạo: “Đây là dự án đã được giao chủ đầu tư (Công ty CP đóng tàu và dịch vụ dầu khí Vũng Tàu – Vungtau Shipyard). Do vậy, Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Tập đoàn Geleximco chủ động trao đổi, thỏa thuận với chủ đầu tư để có thể liên doanh, liên kết đầu tư, khai thác sử dụng cảng, đảm bảo hiệu quả đầu tư”.
Xét thời điểm, đề xuất của Geleximco ra đời trước 10 tháng so với khi Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ.
Thời điểm hiện tại, website của Tập đoàn Geleximco vẫn giới thiệu thông tin: Dự án trung tâm logistics và cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ là một trong những dự án lớn mà Chính phủ giao cho Tập đoàn Geleximco thực hiện trong thời gian tới, nằm trong chủ trương quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ. Đồng thời, vốn đầu tư dự kiến cho dự án cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ là 435 triệu USD.
Một diễn biến khác, ngày 30/9/2017, VTSC khiếu nại tới Thủ tướng về Quyết định 49/QĐ-SKHĐT ngày 13/10/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấm dứt hoạt động dự án và đề nghị tháo gỡ khó khăn nhằm tiếp tục thực hiện dự án.
Tức, VTSC khiếu nại văn bản hành chính “hình thành trong tương lai” của sở. Những luận cứ mà VTSC viện dẫn, đều có cơ sở pháp lý từ các văn bản của bộ, ngành liên quan. Đồng thời, hé mở dấu ấn của một đơn vị khác trong vai trò hợp tác với VTSC ở thời điểm nước sôi lửa bỏng.
Cụ thể, về việc “chậm triển khai dự án”, VTSC cho rằng dự án không thể triển khai theo tiến độ tại chứng nhận đầu tư (giai đoạn 1 từ 2010 đến 2013) là do: Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) theo chủ trương chủ đầu tư góp vốn bằng quyền sử dụng đất để liên doanh với đối tác nước ngoài.
Nhưng ngay sau khi được cấp GCNĐT, Văn phòng Chính phủ có chỉ đạo để công ty “tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư dự án nhưng chưa ký kết bất cứ hợp tác, cam kết nào với nước ngoài cho đến khi có ý kiến cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ” về dự án cảng nhập khẩu LNG của PVGAS – là dự án sẽ sử dụng khu đất đã giao cho công ty làm chủ đầu tư.
Sau đó, công ty đã nhiều lần báo cáo xin ý kiến để được tiếp tục hợp tác với đối tác nước ngoài theo thỏa thuận, nhưng không nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào nên không thể triển khai phương án liên doanh với đối tác nước ngoài đã được các ban ngành quản lý phê duyệt khi cấp GCNĐT.
Điểm thứ hai, tiến độ xây dựng cảng giai đoạn 1 theo GCNĐT là 2010-2013. Nhưng đến 2014 UBND tỉnh mới có quyết định về giá đất cho thuê, đến 2016 mới hoàn thành việc xây cầu vào dự án (khu đất dự án nằm ngoài biển, tách biệt với đất liền).
Về nội dung “không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước”: Công ty khẳng định đã đóng đủ tiền thuế đất theo thông báo nộp thuế (biên bản thanh tra ngày 1/9/2016 của Sở Tài nguyên và môi trường ghi nhận điều này).
Nhưng sau đó, tỉnh đã gây áp lực bằng văn bản 7224/UBND-VP ngày 4/9/2019 yêu cầu các ban ngành tạm ngưng giải quyết các thủ tục đầu tư liên quan đến dự án – điều này đã buộc Chi cục Thuế huyện Tân Thành phải hoàn trả số tiền đã nộp vào Kho bạc Nhà nước với các lý do không chính đáng.
Cần nhắc thêm, văn bản của Bộ Tài chính vào tháng 3/2017 khẳng định việc nộp tiền sử dụng đất của công ty là không trái quy định pháp luật. Văn bản cho biết, Vungtau Shipyard và Công ty AquaOne đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư trong đó quy định căn cứ thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan hữu quan, Công ty Aqua One sẽ thay mặt Vungtau Shipyard trực tiếp nộp tiền sử dụng đất vào tài khoản chỉ định trên thông báo.
Chiếu theo quy định pháp luật thuế, đầu tư, dân sự, trường hợp thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa 2 công ty đã ký kết theo đúng quy định thì “việc Công ty AquaOne nộp thay tiền sử dụng đất của dự án cảng container Cái Mép Hạ là không trái quy định pháp luật”.
Cùng khoảng thời gian này, Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường có văn bản xác nhận việc nộp tiền sử dụng đất của công ty là không trái quy định pháp luật và khẳng định VTSC không bị thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai.
Các văn bản mang tính giải đáp tình huống pháp lý, đến từ 2 bộ chuyên trách (Tài nguyên và môi trường, Tài chính) đều đã được VTSC gửi đi nhằm “vãn hồi thế cuộc” nhưng UBND tỉnh đã không xem xét trả lời mà tiếp tục chỉ đạo thu hồi dự án – theo cách nói của VTSC.
Đến đây, có thể hiểu được sự bức xúc (dẫn tới khiếu nại tới Thủ tướng) của VTSC khi đón nhận phán quyết của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Việc giằng co xoay quanh quyết định thu hồi dự án kéo dài đến năm 2018. Kết luận 365/TB-VPCP ngày 21/9/2018 của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vẫn nêu chủ đầu tư là Công ty Vungtau Shipyard, kết cục cho dự án vẫn khá “nước đôi” theo hướng nhà đầu tư Geleximco chủ động làm việc với chủ đầu tư để hợp tác liên doanh liên kết…
Doanh nghiệp quốc phòng săn đón
Ở một diễn biến khác, từ trước năm 2016, dự án này đã được rậm rạp cho một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp cảng biển, logistics thuộc Bộ Quốc phòng.
Cụ thể, tháng 11/2015 (tức khoảng 22 tháng sau khi UBND tỉnh có quyết định về giá đất cho thuê phục vụ dự án do VTSC làm chủ đầu tư), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (thuộc Quân chủng Hải quân) đã kịp nắm bắt thông tin chậm tiến độ về dự án cảng này để xin phép địa phương được tiếp quản.
Cụ thể, văn bản do Tân Cảng Sài Gòn gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu: Trên địa bàn tỉnh có một số dự án cảng biển, cảng đường thủy nội địa chậm triển khai theo tiến độ trong đó có cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ. Nhận thấy đây là vị trí chiến lược về kinh tế của tỉnh nói riêng và quốc gia nói chung, Tân Cảng Sài Gòn xin phép được cùng doanh nghiệp tại địa phương là Công ty CP Xây dựng đầu tư và phát triển cảng biển Tân Phú Thịnh (Tân Phú Thịnh) tiếp quản và đầu tư xây dựng cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ.
Thời điểm đó, Tân Cảng Sài Gòn giới thiệu là nhà khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam. Sản lượng hàng container thông qua cảng năm 2014 đạt 4,6 triệu TEUs, chiếm gần 50% thị phần cả nước, trong đó với 3 cảng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (cảng TCCT, TCIT và TCOT), sản lượng tại khu vực Cái Mép đạt 937.490 TEUs, chiếm 83% thị phần khu vực Cái Mép.
3 tháng sau khi Tân Cảng Sài Gòn “ngỏ lời” tiếp quản dự án cảng container Cái Mép Hạ, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hồi đáp đề nghị này.
Đáng chú ý, văn bản của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhắc tới một đề nghị tương tự đến từ Công ty CP Tiếp vận Tân Cảng Vũng Tàu – hình thành từ liên danh Tân Cảng Sài Gòn và Tân Phú Thịnh (về việc xin được tiếp quản, đầu tư dự án Cảng Hoa Sen Gemadept tại Cái Mép).
Văn bản nêu, về việc Tân Cảng Sài Gòn và Công ty Tiếp vận Tân Cảng – Vũng Tàu đề nghị tiếp quản, đầu tư 2 dự án, để có cơ sở xem xét, giải quyết, đề nghị 2 đơn vị này chủ động liên hệ với chủ đầu tư các dự án để tìm hiểu cụ thể tình hình triển khai, hồ sơ pháp lý, báo cáo lại UBND tỉnh xem xét quyết định…
Khá nhanh chóng, chỉ 2 tháng sau khi tỉnh hướng dẫn chủ động liên hệ tìm hiểu với chủ đầu tư dự án mục tiêu, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chuẩn bị cân đối phương án vốn cho các công ty con, công ty liên kết – trong đó có pháp nhân thực hiện đầu tư cảng container Cái Mép Hạ.
Theo hồ sơ, VTSC và Công ty CP nước AquaOne đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư. Vào tháng 8/2016, AquaOne thay mặt VTSC nộp khoảng 88,3 tỷ đồng tiền sử dụng đất của dự án Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ vào ngân sách nhà nước.
Cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định, do VTSC chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất (khu đất dự án) nhưng đã góp vốn với Aqua One, là vi phạm điều 168 Luật Đất đai.
Tháng 9/2016, VTSC đã cùng với một số đối tác thành lập Công ty CP Đầu tư Cảng Cái Mép Hạ để đầu tư dự án. Cơ cấu cổ đông gồm: VTSC góp 150 tỷ đồng (tương đương 16,67% vốn), Công ty CP Nước AquaOne (góp 749,5 tỷ đồng (tương đương 83,28%), ông Đỗ Minh Sơn (góp 500 triệu đồng).