Cổ phiếu ưu đãi giữ chân người lao động

Thời gian gần đây, không ít ngân hàng công bố phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP).

Đơn cử MSB mới đây công bố sẽ phát hành 18 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động có cấp bậc và thâm niên công tác nhằm giữ chân người lao động chất lượng cao. Theo đó, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng ý, dự kiến từ tháng 7 ngân hàng sẽ thực hiện chào bán cổ phiếu ESOP với giá từ 10.000 đồng/cổ phiếu và người nắm giữ cổ phiếu này phải cam kết trong 3 năm không chuyển nhượng. Hiện nay, thị giá cổ phiếu MSB dao động quanh mức 27.000 đồng/cổ phiếu, có nghĩa giá bán cổ phiếu ESOP chỉ bằng khoảng 1/3 thị giá.

Ngân hàng cho biết, đợt phát hành 18 triệu cổ phiếu ESOP tới đây sau khi ngân hàng đã bán toàn bộ 82,5 triệu cổ phiếu quỹ vào quý đầu năm 2021. Ngoài ra, dự kiến trong quý 3 và 4 năm nay MSB sẽ thực hiện chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ ngân hàng lên khoảng 15.300 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng là một trong ít ngân hàng mới đây được cơ quan quản lý chứng khoán cho phép tăng room ngoại lên mức tối đa 30% trong khi một số ngân hàng khác đang trong “thế thủ” room ngoại.

Ảnh minh họa

OCB tuần qua đã được NHNN cho phép tăng vốn điều lệ thêm 2.740 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế. Trước đó, đại hội đồng cổ đông của ngân hàng này cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 14.449 tỷ đồng. Cụ thể ngân hàng sẽ thông qua việc phát hành 274 triệu cổ phiếu trả cổ tức 25% để tăng vốn thêm tương đương khoảng 2.740 tỷ đồng; phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động để tăng vốn thêm 50 tỷ đồng; phát hành 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn thêm 700 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu ESOP của OCB có giá 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 1/3 thị giá của cổ phiếu OCB trên sàn HoSE đang ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu.

Theo giới chuyên gia, việc phát hành cổ phiếu ESOP của các doanh nghiệp là nhằm tri ân những đóng góp của của nhân viên góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, những người được nhận cổ phiếu ESOP sẽ là những lao động làm lâu năm, có đóng góp trong sự phát triển của doanh nghiệp.

Những nhân viên đủ tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi sẽ được thưởng hoặc mua cổ phiếu của công ty với giá ưu đãi. Mục tiêu lớn nhất của phát hành cổ phiếu ESOP là giữ chân nhân tài, khuyến khích họ nâng cao hiệu quả làm việc để góp sức cho sự phát triển của công ty. Bởi thông qua ESOP, nhân viên được khuyến khích thay đổi tâm thế làm việc, từ tư cách của “người làm thuê” sang tư cách của “người làm chủ”. Khi hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân sự công ty nâng lên sẽ tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng của công ty trong dài hạn.

Việc phát hành cổ phiếu ESOP của các ngân hàng cũng không nằm ngoài mục đích này, đặc biệt khi các ngân hàng đang đẩy mạnh tiến trình số hóa hoạt động trong kỷ nguyên CMCN 4.0.

Trong một lần trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng khẳng định, việc tham gia của các nhà đầu tư ngoại đã đặt ngân hàng này vào thế phải thực hiện các bài toán kinh doanh bài bản. Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 bùng nổ cũng đòi hỏi các ngân hàng phải thay đổi hoạt động. OCB gần đây đã đầu tư hệ thống ngân hàng số Omni với nhiều tham vọng phân phối sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng trên môi trường bán lẻ trực tuyến với việc liên kết các hệ sinh thái vào ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực vừa am hiểu công nghệ, vừa am hiểu về tài chính là vô cùng cần thiết. Trong khi hầu hết các lãnh đạo ngân hàng cho biết, nhân sự công nghệ của họ bị các tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế có môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ cao hút mất nhân tài. “Đãi ngộ nhân sự công nghệ cao cấp bằng cổ phiếu ngân hàng hiện nay chỉ là một giải pháp bởi đó không phải là khẩu vị của dân công nghệ có chuyên môn cao. Với giới công nghệ, điều ưa thích của họ là môi trường được làm việc theo phong cách công nghệ và sản phẩm của họ tạo ra được bảo vệ trước các bài toán kinh doanh của ngân hàng”, Tổng giám đốc một ngân hàng nói.

Theo các chủ nhà băng, khó khăn lớn nhất của nhân sự công nghệ phục vụ cho các dự án ngân hàng số hiện nay là sinh viên công nghệ không có khả năng nhạy bén với sản phẩm dịch vụ ngân hàng, sinh viên tài chính – ngân hàng lại không giỏi công nghệ. Theo đó, các ngân hàng buộc phải ưu tiên nhận sinh viên công nghệ trước và đào tạo tài chính – ngân hàng sau.

NguồnTrần Duy/ thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục