Gỡ vướng cơ chế giảm áp lực nợ xấu

Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã đạt được là khá rõ nét, nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ để Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả cao hơn, qua đó giúp nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu toàn ngành Ngân hàng, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19.

Dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp trở lại trong vài tháng gần đây, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Dự báo nợ xấu tại các TCTD sẽ gia tăng trong thời gian tới. Làm thế nào để “bóng ma” nợ xấu không quay trở lại gây khó khăn cho doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, trong khi hoạt động xử lý nợ xấu (XLNX) của các ngân hàng vẫn đang gặp trở ngại? Các NHTM, chuyên gia gợi mở phương hướng rất cụ thể cho công tác XLNX thời gian tới.

Hiện các ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu giữ và xử lý TSĐB để thu hồi nợ

TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA):

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về mua bán nợ

Trong trường hợp đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, VNBA đề xuất cần có chính sách cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01 và Thông tư 03 như là chính sách áp dụng tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 42/2017/NQ14 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn và không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của TCTD và quá trình triển khai đang còn rất nhiều vướng mắc, bất cập. Do vậy, trước mắt, cần thiết tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn các nội dung tại Nghị quyết 42 đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và thống nhất trong áp dụng pháp luật để giải quyết kịp thời vướng mắc hiện nay. VNBA kiến nghị cần sớm đánh giá, tổng kết những mặt được, mặt chưa được, nếu không thì bổ sung vào các bộ luật dân sự ra sao, để TCTD có hành lang thông thoáng xử lý. Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý là rất cần thiết.

Hiện nay, Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và nguồn lực tài chính của các tổ chức cá nhân có nhu cầu mua nợ nói riêng nên việc bán các khoản nợ xấu của TCTD đã gặp nhiều khó khăn. VNBA đề nghị NHNN và các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán nợ, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, XLNX để góp phần đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ.

TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:

Cần luật hóa xử lý nợ xấu

Kết quả XLNX theo Nghị quyết 42 đã đạt được là khá rõ nét, nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ để Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả cao hơn, qua đó giúp nâng cao hiệu quả XLNX toàn ngành Ngân hàng, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19.

Tôi cho rằng, cần có sự xắn tay từ Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành liên quan. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương tháo gỡ, xử lý dứt điểm những vướng mắc chính nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ; nhất là khâu hướng dẫn triển khai đồng bộ, nhất quán và phối kết hợp tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trên tinh thần vì cái chung. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh, thực chất tiến trình cơ cấu lại DNNN, nâng cao năng lực tài chính – quản trị, tạo điều kiện để hệ thống các TCTD XLNX. Các bộ chủ quản yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện nghĩa vụ trả nợ hay nghĩa vụ bảo lãnh đối với các khoản vay tại các TCTD mà các đơn vị đứng ra bảo lãnh cho các công ty con, công ty thành viên của mình…

Cuối cùng, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Thực tế chứng minh Nghị quyết 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác XLNX. Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực. Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành Ngân hàng. Hơn nữa, nợ xấu có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa sẽ khiến áp lực XLNX của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Việc luật hóa XLNX cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế, một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng XIII lựa chọn, thông qua.

TS. Đoàn Văn Thắng – Tổng giám đốc VAMC:

Sớm thành lập thị trường mua bán nợ

Covid-19 đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động bán nợ của VAMC, tốc độ thu hồi nợ xấu chậm. Nhiều khoản nợ đã được bán đấu giá thành công, song người mua xin hoãn, giãn trả tiền. Để hỗ trợ hoạt động XLNX, theo tôi, nên tiếp tục nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm. Đồng thời sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ. Thị trường mua bán nợ của Việt Nam còn sơ khai, công cụ và hành lang pháp lý cho thị trường chưa đồng bộ, hạ tầng thị trường mới bước đầu hình thành và phương thức mua, bán nợ xấu còn hạn chế. Vì vậy, các bộ, ngành sớm hoàn thiện công cụ và khung khổ pháp lý cho thị trường, trong đó có việc sớm chứng khoán hóa nợ xấu. Hiện giao dịch mua bán nợ ở nước ta vẫn chủ yếu thông qua hợp đồng, còn ở các nước là giao dịch qua hình thức chứng khoán hóa. Theo tôi các bộ, ngành liên quan cần phải nhanh hơn nữa việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu.

Về phía VAMC nỗ lực hỗ trợ các TCTD trong XLNX bằng nhiều giải pháp. Mới đây, VAMC đã được NHNN đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, dự kiến khoảng đầu quý III/2021 sàn sẽ ra đời.

Bà Nguyễn Thu Lan – Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro Techcombank:

Ngân hàng mong muốn được bảo vệ

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ tháng 2/2020 tới nay đã khiến ngân hàng phải thay đổi nhiều chính sách để phù hợp. Về khách hàng, Techcombank có hai chính sách. Một là, với các khách hàng bị ảnh hưởng thu nhập do Covid-19, ngân hàng hỗ trợ tối đa qua các giải pháp miễn giảm lãi, tái cơ cấu nợ, giãn nợ. Với các khách hàng thực sự không có khả năng trả nợ, chây ỳ tồn đọng đã lâu năm ngân hàng tiếp tục áp dụng Nghị quyết 42 để xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Tuy nhiên thông thường thời gian xử lý đều đã kéo dài 3-5 năm, nhiều trường hợp lên đến 9-10 năm. Thời gian xử lý kéo dài, tài sản thanh lý không thu đủ nợ, trong khi ngân hàng tốn rất nhiều chi phí và nhân lực. Bên cạnh đó, ngân hàng còn phải chịu nhiều sức ép khác nhau. Chẳng hạn, khách hàng tận dụng sự phát triển của mạng xã hội để gây sức ép cho ngân hàng, đưa thông tin một chiều, sai sự thật khiến dư luận nhìn nhận không khách quan về công tác xử lý thu hồi nợ xấu. Những thông tin sai lệch này ảnh hưởng không tốt đến uy tín, gây tổn thương cho hình ảnh thương hiệu của ngân hàng. Điều này, khiến công tác thu hồi nợ xấu đã khó càng khó hơn.

Ngân hàng là tổ chức lớn và hoạt động chịu sự quản lý rất chặt chẽ bởi pháp luật. Chúng tôi luôn đề cao tinh thần tuân thủ pháp luật, ủng hộ chính sách của nhà nước. Tuy vậy ngân hàng cũng là pháp nhân dễ bị tổn thương bởi các thông tin sai lệch, không khách quan. Do đó, Techcombank mong muốn được bảo vệ bởi pháp luật. Trong quá trình xử lý nợ, ngân hàng cam kết tuân thủ pháp luật và sẵn sàng chia sẻ thông tin tới các cơ quan quản lý và truyền thông để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

NguồnNhóm phóng viên/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục