Ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ trong mùa dịch

Dẫu biết rằng những khó khăn đang chờ đợi các ngân hàng là không hề nhỏ. Nhưng trong nguy có cơ. Theo đánh giá của Vietnam Report, nhờ tác động của đại dịch, đã cải thiện nhận thức của người dân về bảo hiểm và cũng là thời điểm bancassurance bùng nổ mang lại nguồn thu rất tốt cho các ngân hàng.

Theo khảo sát của Vụ Dự báo thống kê NHNN, các TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng được tiếp tục cải thiện trong quý II/2021 nhưng chưa được như kỳ vọng do ảnh hưởng bất lợi từ đại dịch Covid-19. Về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, 67,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý III và 73,3% TCTD kỳ vọng cải thiện hơn trong cả năm 2021.

Theo đánh giá của một chuyên gia ngân hàng, kỳ vọng trên của các TCTD là có cơ sở. Bởi hoạt động kinh doanh ngân hàng không chỉ đơn thuần cung ứng vốn, mà còn là trung gian thanh toán. Theo đó mặc dù dịch Covid-19 bùng phát đã làm sụt giảm nhu cầu tín dụng, song lại như một cú hých thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ. Trong khi giai đoạn vừa qua, các ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ và tận dụng khai thác hiệu quả lợi thế tệp khách hàng lớn để đa dạng hoá nguồn thu, gia tăng tỷ lệ casa…

Nhờ đó cơ cấu thu nhập của các ngân hàng chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa nguồn thu, tăng tỷ trọng thu ngoài lãi, giảm thiểu sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, mang lại lợi nhuận bền vững. Quan trọng hơn, phần lớn các ngân hàng có chiến lược kinh doanh dài hạn, trong đó cũng đã đo lường hệ số rủi ro những biến động thị trường. Nên trong ngắn hạn dù có tác động nhất định đến kết quả kinh doanh, nhưng họ vẫn đi theo lộ trình đã vạch sẵn.

Ảnh minh họa

Đánh giá triển vọng ngành Ngân hàng là khả quan, nhưng Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho rằng, sẽ không quá tích cực trước những lo ngại về diễn biến khó lường của đại dịch.

Ba yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng trong năm là sự bùng phát dịch bệnh, quá trình phục hồi của nền kinh tế và chính sách trong lĩnh vực ngân hàng. Trên khía cạnh vi mô, xét trong ngân hàng, ba yếu tố ảnh hưởng nhất là khả năng áp dụng công nghệ số trong các dịch vụ ngân hàng, hệ thống quản lý rủi ro và công tác kiểm soát nội bộ và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Tuy nhiên, với những yếu tố thuận lợi do sự phục hồi kinh tế toàn cầu, lãi suất thấp… có 52,94% chuyên gia và ngân hàng trong khảo sát của Vietnam Report nhận định, các ngân hàng sẽ tăng trưởng khả quan hơn một chút trong năm 2021. Theo đó, tăng trưởng tín dụng cả năm được dự báo có thể tương đương hoặc cao hơn mức tăng trưởng 12,13% của năm ngoái.

Trong khi theo Công ty Chứng khoán ACBS, yếu tố có thể tác động tích cực đến triển vọng kinh doanh của ngân hàng trong thời gian tới là thanh khoản hệ thống dồi dào và ổn định, giữ cho lãi suất huy động duy trì ở mức thấp. Cơ sở để ACBS đưa ra nhận định trên là lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang ở mức thấp rất thấp so với các năm trước. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng đang duy trì ở mức thấp kể từ đầu năm.

ACBS cũng nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ cho thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021. Đầu tiên là xu hướng giữ lại lợi nhuận thay vì trả cổ tức tiền mặt. Cụ thể các ngân hàng niêm yết đã giữ lại 92,6% lợi nhuận trong năm 2020 – một tỷ lệ rất cao so với giai đoạn trước như năm 2013 chỉ đạt mức 42,4%. Bên cạnh đó, thanh khoản của các ngân hàng còn được hỗ trợ bởi các khoản thu đột biến. Chẳng hạn, VPBank có khoản thu khoảng 32 nghìn tỷ từ việc bán 49% vốn tại FE Credit. Hay như nhiều ngân hàng có khoản thu lớn từ phí trả trước nhận được từ các thỏa thuận bancassurance độc quyền như Vietcombank thu được 9.000 tỷ đồng từ bancassurance; còn ACB cũng thu được 8.000 tỷ đồng…

Tuy nhiên TS. Nguyễn Trí Hiếu lại có cái nhìn thận trọng hơn về triển vọng kinh doanh của các ngân hàng khi cho rằng, với việc điều chỉnh giảm mạnh lãi suất hỗ trợ cho khách hàng, tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu, khó có thể kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh ngân hàng được như mong muốn, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế đang gặp khó khăn do Covid. “Điều cần thiết bây giờ là duy trì tính thanh khoản, đảm bảo cung cấp tín dụng thông suốt cho nền kinh tế. Đây là vấn đề quan trọng tốt cho họ và cả nền kinh tế”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Dẫu biết rằng những khó khăn đang chờ đợi các ngân hàng là không hề nhỏ. Nhưng trong nguy có cơ. Theo đánh giá của Vietnam Report, nhờ tác động của đại dịch, đã cải thiện nhận thức của người dân về bảo hiểm và cũng là thời điểm bancassurance bùng nổ mang lại nguồn thu rất tốt cho các ngân hàng.

Đơn cử, tại LienVietPostBank, trong 6 tháng đầu năm thu phí hoa hồng bảo hiểm tăng gần 90% so với cuối năm 2020. Theo thống kê gần đây, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP của nước ta hiện còn thấp. Cụ thể, tính đến năm 2020, Việt Nam có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm bình quân/GDP đến năm 2020 tối đa 3%. Với đà này, Vietnam Report dự báo tới năm 2025, ước tính sẽ có 15% dân số sẽ tham gia bảo hiểm nhân thọ với doanh thu dự kiến đạt 3,5% GDP. Điều này cho thấy, dư địa tăng trưởng của kênh bancassurance vẫn còn rất lớn. Mảng bancassurance cũng được dự báo sẽ là động lực tăng trưởng chính cho lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021. Thậm chí có thể trở thành “vị cứu tinh” của các ngân hàng trong giai đoạn hoạt động tín dụng gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Vì thế, các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mảng thu nhập từ phí bancassurance, dù mức độ cạnh tranh ngày càng cao.

Ngoài mảng kinh doanh trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những ngân hàng có lợi thế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp ngân hàng khai thác hiệu quả hơn thị trường thương mại điện tử còn nhiều tiềm năng để cải thiện doanh thu hoạt động kinh doanh. Vì thanh toán trực tuyến sẽ là xu hướng tiêu dùng trong tương lai.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

NguồnNguyễn Vũ/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục