Động lực tăng trưởng tín dụng trong đại dịch

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội trong nửa đầu năm nay để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, nhưng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, kết thúc tháng 6/2021 tín dụng trên địa bàn thành phố tăng 6% so với cuối năm 2020, xấp xỉ với mức tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống ngân hàng trên cả nước.

Theo quan sát, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội trong nửa đầu năm nay để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, nhưng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, có được kết quả này một phần các ngân hàng cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động tín dụng nên dòng tín dụng không bị gián đoạn ngay trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Ảnh minh họa

Theo đó, có hai nhóm khách hàng chính thường sử dụng công nghệ kết nối với dịch vụ cho vay của ngân hàng. Thứ nhất, nhóm khách hàng truyền thống của ngân hàng là các doanh nghiệp được kiểm toán độc lập, minh bạch tài chính, có uy tín và đã áp dụng công nghệ thông tin từ nhiều năm qua. Nay trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra phải giãn cách xã hội, ngân hàng chỉ cần tiếp nhận hồ sơ đăng ký vay vốn và các quy trình đánh giá năng lực tài chính, tài sản đảm bảo… của nhóm doanh nghiệp này qua mạng internet.

Thứ hai, nhóm khách hàng cá nhân và DNNVV đã có quan hệ tín dụng với một ngân hàng, nhờ công nghệ phát triển nên các ngân hàng có thể kiểm tra chéo thông tin khách hàng để cấp hạn mức tín dụng. Với khâu kiểm tra việc sử dụng vốn đúng mục đích của khách hàng hiện đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh nên hiện các ngân hàng thực hiện giám sát từ xa qua kênh báo cáo tài chính, doanh thu…

Đơn cử, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Vietcapital Bank) đang triển khai cho vay qua phát hành thẻ tín dụng đối với những khách hàng đã vay vốn, gửi tiết kiệm, mở tài khoản thanh toán hoặc đã sở hữu thẻ tín dụng của ngân hàng này. Trong những ngày giãn cách xã hội, khách hàng khi đăng ký mở mới hoặc mở thêm thẻ tín dụng sẽ không cần chứng minh thu nhập, không cần chuẩn bị hồ sơ, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu hay sổ hộ khẩu… mà chỉ cần đăng nhập vào website ngân hàng đăng ký theo hướng dẫn sau 2 giờ đồng hồ sẽ có thẻ tín dụng điện tử (Virtual Card) để thanh toán, mua sắm.

Hay như Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank), ngân hàng đã ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi công nghệ số trong các hoạt động, kết nối, phục vụ khách hàng, phục vụ nền kinh tế, trong quản trị điều hành nội bộ và kiểm soát. Từ đó, ngân hàng đã bảo đảm được hoạt động liên tục trong “trạng thái bình thường mới” để đáp ứng kịp thời các nhu cầu của nền kinh tế và nhu cầu phát triển.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy nhanh chiến lược tiêm vắc-xin và mở cửa trở lại nền kinh tế, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU… Vì vậy, hiện hoạt động xuất nhập khẩu đang trên đà phục hồi mạnh mẽ nên xuất nhập khẩu vẫn là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng. Quả vậy theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/7/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt tới 345,45 tỷ USD, tăng tới 32,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó các biện pháp giãn cách xã hội mới trong nước cũng giúp hoạt động sản xuất – kinh doanh, chuỗi cung ứng vẫn được duy trì. Đó là những động lực cho tăng trưởng tín dụng tham gia vào quá trình phục hồi của sản xuất kinh doanh và nền kinh tế. Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) cũng cho thấy, các TCTD nhận định, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng “tăng” trong 6 tháng đầu năm 2021 và dự báo tiếp tục “tăng” trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 ở tất cả các đối tượng, loại tiền, kỳ hạn và lĩnh vực. Đáng chú ý nếu như nhu cầu tín dụng cho “đầu tư, kinh doanh du lịch” được nhận định “giảm” trong 6 tháng đầu năm 2021 thì nay được dự báo phục hồi nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021.

Nhờ nền tảng tài chính tốt nên các ngân hàng chẳng những vững vàng trong đại dịch mà còn hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó đã được phần nào thể hiện qua số liệu khảo sát. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ TCTD nhận định đã đáp ứng 100% nhu cầu vay vốn của khách hàng đủ điều kiện đạt tỷ lệ cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây (38 TCTD, tương đương 44,9%). Tỷ lệ TCTD nhận định đáp ứng từ “75-100%” nhu cầu vay vốn của khách hàng tiếp tục duy trì ở mức cao hơn 90%.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, “Bán buôn, bán lẻ”; “xuất, nhập khẩu” và “cho vay phục vụ nhu cầu đời sống” tiếp tục là 3 lĩnh vực được nhiều TCTD lựa chọn là động lực chính tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD trong 6 tháng đầu năm, cả năm 2021 và năm 2022. Năm 2021, “Dệt may” là lĩnh vực xếp thứ 4, thay lĩnh vực “Xây dựng” được đánh giá tại kỳ điều tra trước và tiếp tục được thay thể bởi lĩnh vực “sản xuất đồ ăn, thức uống” trong năm 2022.

Nguồn Thu Trang/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục