Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc đề xuất ngân hàng giảm lãi suất mùa dịch

Doanh nghiệp ở TP HCM đã gặp khó về pháp lý, lệch pha cung cầu nay lại phải dừng hoạt động vì dịch Covid-19. Lãnh đạo Đại Phúc Land đề xuất các ngân hàng xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào cuối năm.

Khó khăn nhân đôi

Tại Tọa đàm trực tuyến “Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021” diễn ra sáng nay (30/7), bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho biết doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn.

Bà Hương cho hay Đại Phúc Land đang có dự án ở TP Thủ Đức, trước khi có ảnh hưởng dịch bệnh, công ty đã gặp khó khăn liên quan đến điểm nghẽn về pháp lý, lệch pha cung cầu. Tuy nhiên đến nay khó khăn đã nhân đôi khi doanh nghiệp gần như dừng hoạt động do dịch Covid-19 tái bùng phát.

Lãnh đạo Đại Phúc Land cũng phân tích trong ngành bất động sản, nhóm doanh nghiệp chủ đầu tư thường có kế hoạch dài hơi nên có nguồn lực dự phòng cho đầu tư phát triển dự án. Tuy nhiên hiện tại, doanh nghiệp không có nguồn thu nên đang phải dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư. Trong khi đó, các doanh nghiệp môi giới đang không có nguồn thu và phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ được nhân sự. Bà Hương cho rằng nếu trường tiếp tục khó khăn, không ít doanh nghiệp môi giới có nguy cơ phải rút lui.

Bất động sản khu công nghiệp cũng đang gặp khó. Ảnh: VGP

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSH Group cho biết nếu như thời gian trước, lĩnh vực bất động sản công nghiệp được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch công nghiệp sang Việt Nam thì nay cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Sự phát triển của khu đô thị gắn liền với khu công nghiệp đang bị ngưng trệ, lượng giao dịch sụt giảm, có địa phương giảm tới 40%.

Dự báo về triển vọng thị trường trong thời gian tới, bà Hương cho rằng dịch bệnh nhiều khả năng vẫn sẽ kéo dài, có thể đến quý IV doanh nghiệp mới được hoạt động trở lại và lúc đó thị trường bất động sản mới có cơ hội phục hồi. “Chúng tôi đang trong tâm thế cố gắng duy trì bộ máy hoạt động và chuẩn bị cho quý IV khi dịch bệnh được kiểm soát”, bà chia sẻ

Ông Nguyễn Xuân Lộc dự báo từ nay tới cuối năm, việc phòng chống dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giao dịch vì với ngành bất động sản, việc giao dịch online rất khó. Trong trường hợp có thể kiểm soát được dịch bệnh trong tháng 8, thị trường cuối năm có thể có đợt sóng mới khi nhiều chủ đầu tư đang chờ “tung hàng”.

Đề xuất ngân hàng giảm lãi suất, kỳ vọng khơi thông pháp lý

Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho hay đa số các chủ đầu tư dùng vốn vay rất nhiều để phát triển dự án nên gánh nặng lãi suất hiện tại là rất lớn. Bà Hương đề xuất các ngân hàng xem xét giảm lãi suất, khoanh nợ để chủ đầu tư có thêm nguồn lực phát triển dự án nhằm đưa ra sản phẩm vào cuối năm.

Còn với những doanh nghiệp môi giới, bà Hương cho biết năm 2020, không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay để trả lương trong khi doanh nghiệp cần vốn duy trì nhân sự, duy trì hoạt động. Do đó bà Hương đề xuất xem xét lại gói cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp này.

Về mặt pháp lý, lãnh đạo Đại Phúc Land chia sẻ Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra nhiều văn bản tháo gỡ. Năm nay pháp lý đã có một số điểm sáng, doanh nghiệp đang chờ đợi những đổi mới này được thực thi. Đồng thời việc sửa đổi Luật Đất đai cũng sẽ tạo ra nhiều kỳ vọng mới.

“Với cương vị doanh nghiệp bất động sản, nhiều khi chúng tôi nhìn thấy cơ hội kinh doanh mà không dám hành động vì thủ tục pháp lý có nhiều vấn đề. Như vậy ngoài gói tín dụng cần phải khơi thông về pháp lý để thị trường bất động sản có thêm nguồn lực hồi phục mạnh mẽ hơn”, bà Hương nói.

NguồnLâm Tùng/ Người lao động
Bài cùng chuyên mục