Ngân hàng hỗ trợ khách hàng cá nhân
Bên cạnh việc tích cực cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN của NHNN, các ngân hàng còn tích cực giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng cá nhân vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, đặc biệt là người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Đơn cử như Vietcombank vừa công bố giảm lãi vay cho các khách hàng thuộc 19 tỉnh thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, giảm 0,5%/năm lãi suất cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP.HCM và Bình Dương, giảm 0,3%/năm lãi suất cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Đặc biệt các khách hàng đã được giảm lãi suất theo chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giai đoạn 3 của Vietcombank triển khai ngày 15/7/2021 sẽ được tiếp tục giảm thêm lãi suất theo chính sách hỗ trợ lần này.
Trước đó, Vietcombank cũng đã giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021, trong đó các khách hàng cá nhân được giảm lãi suất tới 1%/năm nếu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm nếu vay vốn phục vụ đời sống. Theo một lãnh đạo của Vietcombank, tính từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục triển khai 8 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai. Tính đến hết tháng 6 năm 2021, Vietcombank đã hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng với tổng giá trị hơn 5.400 tỷ đồng.
Giống như Vietcombank, các NHTM Nhà nước như BIDV, VietinBank, Agribank cũng tiếp tục giảm thêm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng dịch sau khi cả các ngân hàng này đã thực hiện giảm lãi suất từ ngày 15/7 theo lời hiệu triệu của NHNN.
Không chỉ vậy, các ngân hàng còn triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ cho các nhóm khách hàng mục tiêu của mình. Chẳng hạn Agribank mới đây đưa ra gói 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng hỗ trợ người dân ở các khu vực nông thôn. Đặc biệt là người dân nông thôn các tỉnh phía Nam nằm trong vùng phong toả cách ly dài ngày theo yêu cầu của nhà nước để phòng chống dịch Covid-19 sẽ có cơ hội vay tiêu dùng qua thẻ thấu chi.
Ngân hàng Bản Việt giảm lãi suất cho vay trong 3 tháng đối với tất cả cá nhân bị ảnh hưởng Covid áp dụng cho tất cả các khoản vay tín chấp, thế chấp ngắn hạn, trung dài hạn từ 1% đến 1,5%/năm. Theo lãnh đạo ngân hàng này, tùy tình hình thực tế khách hàng, ngân hàng sẽ có chính sách gia hạn hỗ trợ cho phù hợp.
Không chỉ giảm lãi suất, các ngân hàng còn đồng loạt giảm mạnh các loại phí để hỗ trợ khách hàng. Như VIB cho phép người sử dụng thẻ tín dụng của ngân hàng này rút tiền mặt thông qua máy ATM trong hệ thống VIB để chi tiêu trong kỳ không tính lãi, không tính phí rút tiền đối với những khách hàng có lịch sử nợ tốt.
Trong khi đó, những khách hàng cá nhân NamA Bank không thể trả nợ đúng hạn đối với dư nợ thẻ tín dụng sẽ được ngân hàng này hỗ trợ miễn phí chậm trả nợ thẻ tín dụng cho chủ thẻ trễ hạn trong 3 kỳ sao kê tháng 7, 8, 9/2021. Theo NamA Bank, điều này nhằm góp phần chia sẻ, đồng hành của ngân hàng hỗ trợ khách hàng gặp nhiều khó khăn về tài chính và gặp nhiều sự cố bất ngờ không thể thanh toán thẻ đúng thời hạn.
Tổng giám đốc một NHTMCP ở TPHCM cho biết, hầu hết các khoản vay của cá nhân chủ yếu phục vụ đời sống như vay tiêu dùng, vay mua nhà trả góp… Trong khi dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm và thu nhập của nhiều người dân. Thấu hiểu điều đó, các ngân hàng đã chủ động xây dựng những gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân theo danh mục khoản vay của mỗi ngân hàng; hoặc ngân hàng căn cứ vào các quyết định của Chính phủ trên cơ sở đó giảm đồng loạt lãi suất cho khách hàng cá nhân mà không yêu cầu chứng minh ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo một lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM, đại dịch Covid-19 xảy ra đã gây khó khăn cho mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ngân hàng là ngành kinh tế tổng hợp nên cũng chịu tác động không nhỏ khi mà dịch bệnh làm chậm lại quá trình luân chuyển vốn tín dụng và làm tăng chi phí hoạt động, rủi ro nợ xấu của các TCTD. Tuy nhiên với tinh thần đồng hành và chia sẻ, các TCTD vẫn tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thậm chí giảm lương thưởng của đội ngũ cán bộ, nhân viên để có nguồn hỗ trợ giảm lãi suất, phí để hỗ trợ khách hàng nói chung, khách hàng cá nhân nói riêng.
Thế nhưng, nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng chủ yếu được huy động từ nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi của người dân, doanh nghiệp và ngân hàng cũng vẫn phải trả lãi cho nguồn tiền này. Bởi vậy, mức độ giảm lãi suất, phí của các ngân hàng còn phải cân đối để đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả phía người gửi tiền. Trên hết là ngân hàng phải đảm bảo an toàn của đồng vốn. Vì vậy, các ngân hàng cũng rất mong người dân hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn hiện tại của ngân hàng.