Giãn cách xã hội, “mất” kênh phân phối truyền thống, doanh nghiệp loay hoay đưa bánh trung thu lên sàn thương mại điện tử

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, thị trường bánh trung thu năm 2021 không còn được sôi động như mọi năm. "Mất" kênh phân phối truyền thống, doanh nghiệp tìm cách đưa bánh trung thu lên sàn thương mại điện tử.

Giãn cách xã hội, doanh nghiệp loay hoay tìm kênh phân phối bánh trung thu
Theo thông lệ hàng năm, trước dịp Tết Trung thu khoảng 1 tháng, trên thị trường sẽ đầy ắp các mặt hàng như đèn lồng, đồ chơi, bánh trung thu. Tuy nhiên, năm nay, trước diễn biến của dịch Covid-19, thị trường đã trở nên “ảm đạm” hơn so với mọi năm.

Trái với không khí nhộn nhịp thường thấy, năm nay, do phải thực hiện giãn cách xã hội, các ki ốt bán bánh trung thu trên khắp TP. Hà Nội đã vắng bóng. Địa chỉ duy nhất người dân có thể mua bánh trực tiếp là tại các siêu thị, hệ thống phân phối lớn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân Việt, các hệ thống siêu thị lớn như MM Mega Market, Big C,… đều chưa tổ chức kinh doanh sớm mặt hàng này. Chỉ có VinMart là một trong số ít các siêu thị đã bắt đầu trang trí không gian theo chủ đề Tết Trung thu và bắt đầu bán bánh. Theo đó, VinMart đã bắt đầu bán các sản phẩm hộp 4 bánh trung thu các vị với giá từ 69.000 đồng/chiếc.

Từ ngày 16/8, siêu thị Vinmart đã bắt đầu trang trí và kinh doanh bánh Trung thu. (Ảnh: Thanh Phong)

Trong dịp này, các thương hiệu bánh lớn như Hữu Nghị, Kinh Đô, MAISONMOONCAKE,… cũng lần lượt tung ra các sản phẩm với phân khúc tầm trung đến cao cấp có khoảng giá 300.000 đến hàng triệu đồng/hộp. Năm nay, đa phần các dòng sản phẩm đều được đơn vị kinh doanh giới thiệu và hướng dẫn khách hàng mua sắm online.

Đại diện Mondelez Kinh Đô cho hay, trong dịp Tết Trung thu 2021, đơn vị này tung ra thị trường gần 80 loại sản phẩm với nhiều hương vị mới như dòng bánh thượng hạng “Trăng Vàng Black & Gold”, dòng “Trăng Vàng” cao cấp,…

Bánh Trung thu của Vinmart có giá từ 69.000 đồng/chiếc. (Ảnh: Thanh Phong)

Không còn kênh phân phối truyền thống là các ki-ốt trên các tuyến phố chính tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành, các doanh nghiệp đã chọn kênh thương mại điện tử để bán hàng. Hiện tại, tất cả bánh trung thu Kinh Đô đều đã có mặt tại các kênh thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, cũng như các ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, và Baemin… Ngoài ra, để kích cầu Kinh Đô cũng đã tung ra 25.000 phiếu mua sắm trực tuyến có giá trị ưu đãi.

Nói về việc phân phối bánh trung thu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đại diện MAISONMOONCAKE cho biết, doanh nghiệp này sẽ có phương án hỗ trợ cho người tiêu dùng trong khi phải giãn cách xã hội.

“Trong lúc này, việc vận chuyển tới từng khách hàng có thể sẽ gặp khó khăn, hơi mất thời gian do toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, trong đó, một số khu vực còn bị phong tỏa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện chính sách miễn phí vận chuyển để hỗ trợ khách hàng”, đại diện MAISONMOONCAKE thông tin.

Bánh trung thu handmade “đắt” khách

Đối với các doanh nghiệp lớn, việc thiếu đi kênh phân phối trực tiếp khiến dịp Tết Trung thu 2021 có thể sẽ rất ảm đạm. Tuy nhiên, đối với nhiều người làm bánh trung thu handmade, việc bán hàng online đã quá quen thuộc và không có nhiều thay đổi.

Ngoài ra, với giá thành rẻ, chỉ khoảng 50.000 đồng/chiếc và mẫu mã đa dạng, từ nhiều năm nay, các loại bánh handmade đã được người tiêu dùng sử dụng nhiều trong các dịp Tết Trung thu.

Chị Lê Thùy Dương (Gia Lâm, Hà Nội), người kinh doanh bánh trung thu trong hơn 5 năm, cho biết, các loại bánh trung thu handmade có thể tùy biến, phối (mix) các loại nhân và vỏ khác nhau tùy theo ý muốn của khách hàng.

Bánh trung thu handmade được người tiêu dùng ưa chuộng do giá thành rẻ và mẫu mã đa dạng. (Ảnh: NVCC)

Cụ thể, chị Dương cho biết, thông thường đối với các cơ sở làm bánh handmade, nhân bánh trung thu có khoảng trên dưới 10 loại được người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ ưa thích như đậu đỏ, đậu xanh, tiramisu creamchesse… Vỏ bánh cũng có thể tùy biến linh hoạt giữa các loại như trà xanh, cacao,…

Theo đó, trong mỗi dịp Tết Trung thu, thông thường một ngày chị Dương có thể bán được từ 100 đến 200 chiếc, ngày cao điểm từ 400 đến 500 chiếc. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, con số này có thể không được đảm bảo.

“Việc làm bánh trung thu handmade không phải bỏ vốn nhiều do chúng tôi chỉ làm nhiều khi có khách đặt. Năm nay, thị trường có thể không được như mọi năm nên tôi cũng chủ động thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, điều làm tôi lo ngại là chi phí vận chuyển đang hơi cao, từ 50.000 đến 70.000 đồng/đơn hàng và không phải lúc nào cũng có thể đặt được. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn, quyết định của khách hàng”, chị Dương chia sẻ.

Nhiều khu vực tại Hà Nội bị phong tỏa khiến các hoạt động kinh doanh dịp Tết Trung thu 2021 sẽ không được như mọi năm. (Ảnh: Dân Việt)

Không được may mắn như chị Dương, chị Quỳnh Hoa (Chương Dương, Hà Nội) tỏ ra lo lắng khi dịp Tết Trung thu năm nay có thể sẽ bị thất thu khi khu vực này đang trong tình trạng cách ly y tế.

“Năm ngoái, tuy cũng có dịch Covid-19 nhưng chưa phức tạp như bây giờ, tôi không nhớ chính xác đã làm bao nhiêu cái bánh nhưng hết khoảng 70 đến 80 cân bột, đây là con số rất lớn.

Năm nay, trong thời điểm hiện tại, phường vẫn còn phong tỏa, nguyên liệu không thể lấy được, mà có làm được thì cũng không thể chuyển đi. Sau khi phường quay trở lại bình thường thì cũng không còn nhiều thời gian là đến Trung thu mà cũng không chắc đã có thể làm ăn được gì. Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần năm nay không thể kiếm thêm vào dịp này”, chị Hoa bày tỏ.

 

Nguồn Thanh Phong/ Dân Việt
Bài cùng chuyên mục