Từ ồn ào quyên góp của nghệ sĩ Việt, nghĩ về chuyện làm từ thiện đúng cách
Phát ngôn làm từ thiện phải rõ ràng của Mỹ Tâm và việc sao kê 216 tờ giấy A4 sau khi quyên góp được 6 tỉ đồng từ thiện của Lý Hải - Minh Hà nhận được sự ủng hộ của công chúng khiến người ta ngẫm lại chuyện làm từ thiện gây ồn ào của một số nghệ sĩ Việt hiện nay.
Có thật sự nghệ sĩ Việt làm từ thiện đều tranh cãi?
Như Lao Động đã đưa tin trước đó, thời gian qua, câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện một lần nữa nóng trở lại với ồn ào của loạt nghệ sĩ đứng ra quyên góp như Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành.
Sau khi công chúng phản ứng, vợ chồng Công Vinh – Thủy Tiên tuyên bố sau khi hết dịch sẽ thực hiện sao kê 177 tỉ đồng từ thiện thì Đàm Vĩnh Hưng lại gay gắt cho rằng mình bị vu khống. Riêng Trấn Thành cho đến hiện tại, anh vẫn chưa có phát ngôn chính thức nào về việc này.
Giữa tình cảnh đó, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Liệu có phải tất cả nghệ sĩ làm từ thiện đều gây tranh cãi, khiến công chúng hoài nghi?”.
Nhìn vào ồn ào từ thiện vừa qua, bên cạnh những cái tên gây ồn ào thì Mỹ Tâm và vợ chồng Lý Hải lại nhận được sự đồng tình của công chúng khi làm từ thiện. Nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Với riêng Mỹ Tâm, cô đã có nhiều năm hoạt động thiện nguyện thông qua quỹ từ thiện riêng của mình. Bên cạnh đó, những quan điểm làm từ thiện của Mỹ Tâm được đánh giá là chuyên nghiệp và rõ ràng.
Cụ thể, nữ ca sĩ từng bày tỏ quan điểm của mình về chuyện làm từ thiện: “Tôi không nghĩ rằng vì mình là ca sĩ nên mình phải làm từ thiện, mà phải xuất phát từ việc bản thân muốn làm việc gì đó mỗi ngày cho cuộc sống tốt đẹp hơn…
Quỹ của tôi khi mở ra thì mọi hoạt động đều lấy tiền từ việc kinh doanh, đi diễn hay mọi thứ mình làm ra tiền… Tôi làm bằng hành động để mọi người thấy, sau đó người ta tự động liên lạc đến quỹ của tôi.
Có người đóng góp tiền và tiền người ta mang tới mình đều công khai trên trang web để tất cả mọi người có thể vào xem. Họ thấy tiền của họ chính xác là như vậy, mình làm gì đi đâu họ thấy hết. Đó là sự rõ ràng và rõ ràng là điều quan trọng nhất…” – nữ ca sĩ thổ lộ.
Cũng liên quan đến chuyện từ thiện, vợ chồng Lý Hải – Minh Hà cũng từng khiến công chúng đồng tình khi dù không ai yêu cầu vẫn chủ động sao kê đầy đủ. Cụ thể, sau chuyến từ thiện miền Trung, Minh Hà đã đăng tải thông tin chi tiết kèm 216 trang giấy có đủ sao kê, chứng từ.
Việc Mỹ Tâm hay Lý Hải – Minh Hà có quan điểm rõ ràng, quy trình làm từ thiện rành mạch như vậy nhận được sự đồng thuận từ cộng đồng mạng.
Từ điều này cho thấy, chuyện minh bạch từ thiện của nghệ sĩ rất quan trọng. Chính vì thế, từ chuyện của Mỹ Tâm hay Lý Hải – Minh Hà, đặt ra câu hỏi lớn rằng như thế nào mới là quyên góp và làm từ thiện đúng cách?
Như thế nào mới gọi là quyên góp và làm từ thiện đúng?
Cần nhấn mạnh, mọi hoạt động từ thiện đều đáng quý nhưng từ thiện chưa bao giờ là việc làm đơn giản và dễ dàng. Thực trạng hiện nay, nhiều nghệ sĩ đứng ra kêu gọi quyên góp theo dạng cá nhân thường thiếu sự chuẩn bị cần thiết. Nghệ sĩ làm từ thiện nếu chỉ có lòng nhiệt huyết với một kế hoạch vội vàng thì rủi ro rất lớn.
Trao đổi với tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Tùng Lâm, ông đưa ra giải pháp về chuyện làm từ thiện của các nghệ sĩ hiện nay.
“Nghệ sĩ Việt làm từ thiện cần rút kinh nghiệm cho bản thân từ trường hợp của người đi trước. Theo tôi, nghệ sĩ làm từ thiện cần phải có 3 bước sau:
Thứ 1: Nên lập quỹ từ thiện và có kế hoạch rõ ràng
Pháp luật không bắt buộc nghệ sĩ lập quỹ mới được quyên góp từ thiện nhưng việc lập quỹ là phương pháp giúp nghệ sĩ quản lí và minh bạch các nguồn thu chi của mình.
Quỹ từ thiện lập ra phải được pháp luật cho phép và tuân thủ mọi quy định của pháp luật và có người quản lí, thu chi rõ ràng. Từ đó, nghệ sĩ lập có thể lập kế hoạch chi tiết và kêu gọi quyên góp đúng mục đích. Còn làm tự phát sẽ xảy ra nhiều rủi ro.
Thứ 2: Cần tiên quyết 2 yếu tố công khai và minh bạch
Đây là 2 yếu tố quan trọng và quyết định đến việc quyên góp và làm từ thiện của nghệ sĩ.
Công khai tức là quyên góp công khai, rõ ràng các hoạt động và kế hoạch, thời gian làm từ thiện của mình. Còn minh bạch tức là các con số từ thu đến chi phải tường tận cho các mạnh thường quân biết và theo dõi.
Thứ 3: Đúng nguyện vọng của mạnh thường quân
Một yếu tố quan trọng khác không thể thiếu là phải đáp ứng đúng nguyện vọng của mạnh thường quân. Tức người quyên góp và làm từ thiện từ tiền của công chúng không được tự ý dùng số tiền từ thiện theo ý mình mà phải cam kết đúng mục đích ban đầu với mạnh thường quân.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hoàng Hà – văn phòng luật sự Quận 1, TPHCM giải thích về quỹ từ thiện: “Căn cứ vào Nghị định 93 và Khoản 3 Điều 4 của Nghị định này, quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Nguyên tắc hoạt động của quỹ từ thiện là thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, tự nguyện, tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình. Tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động và thu, chi tài chính, tài sản của quỹ và không phân chia tài sản.
Quỹ có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật”.