Ngân hàng số cần nhân viên số

Theo các chuyên gia tài chính, để chuyển đổi số, ngoài việc đầu tư tài chính, các ngân hàng phải xây dựng được một đội ngũ nhân viên vận hành thông suốt một loạt các quy trình trên ngân hàng số.

Ông Trần Thái Bình – Giám đốc khối Công nghệ thông tin của Sacombank nhận định, đại dịch Covid-19 đang thách thức mô hình kinh doanh ngân hàng truyền thống, buộc các ngân hàng phải dồn lực chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dự báo, hậu dịch bệnh khách hàng đã hình thành thói quen giao dịch không tiếp xúc, nên không còn trở lại giao dịch truyền thống như trước khi đại dịch xảy ra.

Theo ông Bình, hậu Covid-19 Sacombank có thể đáp ứng cho khách hàng được 90% các sản phẩm dịch vụ ngân hàng được số hóa, do hành vi tiêu dùng trực tuyến đã thay đổi nhiều trong thời giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Nhưng thách thức lớn nhất vẫn là làm sao tạo ra sản phẩm có nhiều tiện ích, trải nghiệm khách hàng.

Ảnh minh họa

Trên thực tế, không phải đợi đến khi dịch Covid-19 bùng phát, mà trước đó khá lâu các ngân hàng đã nỗ lực chuyển đổi số để bắt kịp với cuộc CMCN4.0. Nay đại dịch Covid-19 bùng phát càng thúc đẩy các ngân hàng bước nhanh hơn trong tiến trình này. Hiện đã có 93% ngân hàng đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số (internet banking, mobile banking…); 80% đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng. Thậm chí một số ngân hàng Việt Nam đã thử nghiệm các dịch vụ ngân hàng số và chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng hiện đại, số hóa, tập trung chủ yếu ở mảng bán lẻ. Chẳng hạn như không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab của Vietcombank; ngân hàng số Timo của VPBank; LiveBank của TPBank; Omni Chanel của OCB….

Hay như HDBank có tiện ích I.Doc áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp thay thế cho phương thức chuyển giao chứng từ trực tiếp hay qua fax hoặc email truyền thống. Theo đó, doanh nghiệp sử dụng I.Doc vào ứng dụng ngân hàng này đăng ký thông tin, số điện thoại và chữ ký số. Khi có nhu cầu chuyển bất kỳ chứng từ giao dịch nào, doanh nghiệp chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng I.Doc trên Website của ngân hàng, tải lên các chứng từ cần thiết và thực hiện ký số như đã đăng ký. Chứng từ sẽ được chuyển ngay đến ngân hàng, xác thực, phân loại và xử lý ngay theo từng loại giao dịch và doanh nghiệp sẽ không cần phải đến ngân hàng giao dịch và hoàn toàn có thể giao dịch và chuyển giao chứng từ tại nhà.

Ngoài ra, HDBank cũng là ngân hàng đi đầu áp dụng công nghệ các dịch vụ thanh toán quốc tế, như cung cấp thử nghiệm cho khách hàng phương thức giao dịch thư tín dụng (L/C). Doanh nghiệp tham gia vào toàn bộ giao dịch L/C từ phát hành đến xuất trình chứng từ và thanh toán thành công trên nền tảng blockchain đầu tiên ở ngân hàng này gồm có nhà nhập khẩu hàng đầu ngành sợi: Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ và Tainan Spinning Co. Ltd một nhà sản xuất và xuất khẩu sợi của Đài Loan cùng với CTBC – ngân hàng thông báo L/C tại Đài Loan. So với phương thức truyền thống giao dịch L/C blockchain được đánh giá có tính bảo mật cao, tốc độ xử lý giao dịch được được rút ngắn rõ rệt (chỉ mất khoảng 2 giờ), giảm thiểu công việc giấy tờ, tiết kiệm thời gian, hạn chế sai sót. Đồng thời có thời gian lưu trữ không giới hạn nhằm phục vụ cho nhu cầu đối chiếu, thống kê, quản lý lịch sử đối tác, khách hàng và cho phép các bên có thể cập nhật tình trạng đang thực hiện.

Tuy nhiên, việc số hóa các dịch vụ ngân hàng thời gian qua chủ yếu mới dừng ở các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền. Trong khi hiện vẫn chưa có ngân hàng nào làm được việc ra quyết định cho vay hoàn toàn trên môi trường số, do các yếu tố về pháp lý và chữ ký số chưa phổ biến trong dân. Vì vậy lãnh đạo một ngân hàng cho biết, áp dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ cần sự đồng bộ và sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước trong việc mở ra hành lang pháp lý hình thành nên hạ tầng phát triển.

Bên cạnh đó theo các chuyên gia tài chính, để chuyển đổi số, ngoài việc đầu tư tài chính, các ngân hàng phải xây dựng được một đội ngũ nhân viên vận hành thông suốt một loạt các quy trình trên ngân hàng số. Ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, chuyển đổi số mang tới thách thức về nhân sự cho ngành Ngân hàng, bên cạnh những lợi ích về hiệu quả vận hành, kinh doanh. “Muốn chuyển đổi số hiệu quả thì phải có nhân sự hiểu cả công nghệ và nghiệp vụ kinh doanh. Vì vậy giữa các ngân hàng diễn ra cuộc cạnh tranh nhân sự rất quyết liệt”, ông Lân cho biết.

PGS.TS Lê Thanh Tâm, Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại thuộc Viện Ngân hàng – Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đã tạo ra nhiều vị trí công việc trước đây chưa từng có như chuyên gia an ninh mạng, kỹ sư lập trình robot, kỹ sư blockchain, nhân viên phân tích tín dụng định lượng. “Nhân sự ngành Ngân hàng cần được trang bị nhận thức số và kỹ năng giao tiếp, quản trị rủi ro và vận dụng phân tích dữ liệu để ra quyết định giải quyết các vấn đề”, bà Tâm chia sẻ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần hình thành văn hóa ứng dụng công nghệ số trong tổ chức nhằm phát huy tính học hỏi, sáng tạo của toàn thể cán bộ nhân viên trong tổ chức, đây là một trong những chìa khóa thành công trong việc ứng dụng công nghệ số trong ngân hàng và cũng là một cách giảm chi phí đầu tư trong hoạt động ứng dụng công nghệ số.

NguồnMinh Phương/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục