Lùm xùm nghệ sĩ sao kê: Từ thiện minh bạch, bền vững
Làn sóng đòi sao kê tạm lắng xuống nhưng không có nghĩa yêu cầu minh bạch tiền từ thiện bị “chìm xuồng”. Sao kê mới chỉ là bước đầu tiên để công khai, minh bạch, đòi hỏi nghệ sĩ không chỉ lấy cái tâm ra để làm bình phong.
Sao kê thôi chưa đủ
Trấn Thành tạo hiệu ứng sao kê khi tung ra nghìn trang sao kê tài khoản từ thiện quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung năm 2020. Đại Nghĩa, bà Ngọc Hương (mẹ ca sĩ Hồ Ngọc Hà) cũng theo gót phân bua, trình sao kê. Cựu người mẫu Trang Trần cuối tuần qua cũng chủ động tung ra sao kê cho hơn 100 ngày kêu gọi làm bếp ăn miễn phí, dù trước đó lớn tiếng thách thức dư luận và tuyên bố không sao kê.
MC Phan Anh cũng được lôi vào câu chuyện này, nhưng dân tình lại xuýt xoa cho rằng anh may mắn vì không bị “sao kê chiếu mệnh”. Phan Anh đăng đàn kể chuyện sao kê từ 5 năm trước đó. Không chỉ sao kê đơn thuần, anh công khai toàn bộ chứng từ thu chi của hoạt động chung tay ủng hộ đồng bào miền Trung từ năm 2016. Phan Anh và ê-kíp cung cấp bản mềm sao kê trên website để bất kể ai cũng vào kiểm tra.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhắc lại quan điểm, sao kê là việc phải làm tuy nhiên đó mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình minh bạch tiền từ thiện. Anh nói rằng Trấn Thành, Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng phải nhận sai.
“Họ tự cho mình là đúng khi làm từ thiện chính là cái sai căn bản nhất. Cái sai này không thể cứu chữa, nếu không sớm dừng lại sẽ phát sinh thêm nhiều cái sai khác, thậm chí bị đẩy tới mức không còn cách nào cứu chữa”, anh Ngọc Long nêu ý kiến.
Từ kinh nghiệm các chuyên gia hoạt động xã hội, tài chính có kinh nghiệm làm việc ở các quỹ từ thiện chuyên nghiệp tầm quốc tế, anh Nguyễn Ngọc Long chỉ ra rằng, nghệ sĩ chỉ “tạm coi là đúng” nếu có kế hoạch trước khi kêu gọi, thực hiện thu đúng kế hoạch, thực hiện chi đúng số tiền, đúng đối tượng, đúng thời gian, phải có hóa đơn chứng từ cho mọi giao dịch thu chi, có tổng kết-kiểm toán-giải trình.
“Có tới 99% nghệ sĩ Việt không làm đúng theo lý thuyết, đụng vô đâu là sai ở đấy”, anh Nguyễn Ngọc Long phân tích. Chuyên gia đặt giả thiết, kể cả không có vấn đề gì về tổng số tiền quyên góp và giải ngân từ thiện, nhưng nghệ sĩ vẫn vấp phải những cái sai khác như om tiền trong tài khoản, nói chi cho đối tượng này nhưng lại chuyển tiền cho đối tượng khác rồi giải thích do bận nên nhờ trao giúp.
Ngã ở đâu đứng lên ở đó
Sao kê không chỉ làm cho có, ngay trong số tài liệu Trấn Thành cung cấp, khán giả soi ra những con số bất hợp lý, nhưng Trấn Thành chỉ muốn nhanh chóng khép lại sự việc sau khi ngân hàng lên tiếng. MC Phan Anh lôi lại 6,5 kg giấy sao kê để giãi bày, thậm chí ước mong khán giả soi thật kỹ, nếu thấy bất cứ dấu hiệu nào về việc “ăn chặn” thì “xin hãy kiện mình, xin hãy tố cáo mình với công an, tòa án hoặc cơ quan báo chí truyền thông. Mình sẵn sàng dành thời gian cho tất cả”.
Phan Anh sau 5 năm chịu nhiều điều tiếng cay đắng do đứng ra làm từ thiện, nay được thấu cảm nhiều hơn, thậm chí được nhận lời xin lỗi. Tuy vậy, Phan Anh cũng thừa nhận: “Không chỉ sao kê mà quan trọng là minh bạch chuyện đầu ra”. Đầu ra được nhắc tới chính là kết quả chi tiết của các phần quà, tiền mặt hỗ trợ có kèm chứng từ rõ ràng.
Lùm xùm sao kê làm phát lộ nhiều chuyện thú vị. Một số nghệ sĩ miệt mài làm từ thiện theo cách riêng ít hoặc gần như không có ồn ào chẳng hạn như Quyền Linh, vợ chồng nghệ sĩ Lý Hải, nghệ sĩ Việt Hương, NSƯT Xuân Bắc, ca sĩ Mỹ Tâm hay Hà Anh Tuấn. Một vài người khác lại tuyên bố “cạch” làm từ thiện vì cho rằng sao kê, đòi hỏi minh bạch là nhiêu khê và vô lý.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng, có nhiều lí do giải thích cho phản ứng tiêu cực của nghệ sĩ với sao kê, trong đó có lí do sợ minh bạch, thấy không phù hợp với cách làm đầy cảm tính từ trước đến nay họ đã làm, hoặc đơn giản là cách để họ bày tỏ sự phản đối với sự lên tiếng của dư luận.
“Nhưng dù với bất cứ lí do nào thì tôi tin rằng không có một chút xíu nào là vì cái tâm làm từ thiện mà bấy lâu họ đang rao giảng. Nếu nghệ sĩ thực sự muốn làm từ thiện từ tâm, họ sẽ nhìn lùm xùm lần này như cơ hội để học hỏi và hoàn thiện cách làm. Qua đó, họ có thể thực hiện việc giúp người khó khăn mà vẫn đúng luật. Trên đời này ai cũng sẽ có lúc làm sai, nên đúng sai là việc hết sức bình thường. Sai ở đâu thì đứng lên ở đó thôi, khi ấy hình ảnh nghệ sĩ còn đẹp hơn lúc đầu rất nhiều lần”, chuyên gia Ngọc Long nêu.
Chưa có đơn tố cáo cụ thể, kiện nghệ sĩ “ăn chặn” tiền từ thiện, cũng chưa có phán quyết của tòa nhưng ít nhiều nghệ sĩ chịu sự phán xét của dư luận. Nghệ sĩ vì thế nên hướng tới sự chuyên nghiệp, văn minh từ cách gây quỹ mà các tổ chức chuyên nghiệp trong nước, thế giới đã làm. Không có nghệ sĩ làm từ thiện, lâu nay các tổ chức thiện nguyện vẫn không hề lơi lỏng mặt trận này.
Có thể hình sự hóa nếu có bằng chứng xác thực
Luật sư Trần Anh Dũng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói, luật pháp chưa có quy định về việc cá nhân quyên tiền làm từ thiện, mọi việc chủ yếu xuất phát trên cơ sở thỏa thuận dân sự.
“Tôi tin sau câu chuyện này, tương lai không xa chúng ta sẽ có nghị định riêng điều chỉnh việc cá nhân làm từ thiện. Ở khía cạnh đạo đức, tôi thấy việc từ thiện và minh bạch chi tiêu là cần thiết”, luật sư Trần Anh Dũng nói. Nhìn lại câu chuyện lùm xùm nghệ sĩ bị tố “ăn chặn” tiền từ thiện, luật sư Trần Anh Dũng phân tích chưa có cơ sở để cơ quan chức năng vào cuộc.
“Nếu mạnh thường quân tố cáo người kêu gọi dùng tiền sai mục đích, hoặc cho mục đích cá nhân thì có thể hình sự hóa vụ việc là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên điều này cần phải có bằng chứng xác thực. Trên thực tế điều này không dễ, bởi nếu một người đứng ra kêu gọi từ thiện, mạnh thường quân góp tiền nhưng người đó lại gộp chung với những khoản đóng góp khác, hoặc cùng hội đoàn khác làm từ thiện, người góp tiền không có bằng chứng để kiện”, luật sư Trần Anh Dũng nói.