Cổ phiếu ngân hàng đến thời điểm để tích lũy

Cổ phiếu ngân hàng đến thời điểm để tích lũy

Chất lượng tài sản của ngân hàng cải thiện

Theo VNDIRECT, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2021 của ngành Ngân hàng tăng trưởng ấn tượng từ mức nền thấp của 6 tháng đầu năm 2020. Từ số liệu kết quả kinh doanh của 17 ngân hàng niêm yết, tổng thu nhập lãi thuần tăng 46,1% so với cùng kỳ trong quý II/2021 từ nền tăng trưởng thấp của quý II/2020, được hỗ trợ bởi tín dụng tăng 18,4% so với cùng kỳ và NIM bình quân tăng 109 điểm cơ bản. Thu nhập ngoài lãi tăng 36,4% so với cùng kỳ nhờ thu nhập phí thuần tăng 53% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) bình quân giảm xuống 34,8% trong quý II/2021 từ 36,1% trong quý II/2020. Trong khi đó, tổng chi phí dự phòng tăng 89,5% so với cùng kỳ, chiếm 42,7% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng. Do vậy, tổng lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết tăng 36,2% so với cùng kỳ trong quý II/2021, thấp hơn mức 77,3% của quý I/2021.

“Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng niêm yết (có tổng dư nợ vay chiếm 66% tín dụng toàn ngành) tăng 55,5% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận ròng của 3 ngân hàng niêm yết có vốn Nhà nước là VCB, CTG và BID tăng 42,5% so với cùng kỳ”, bà Hiền cho biết.

Ảnh minh họa

VNDIRECT cũng nhận định, NIM tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021, nhưng nhiều khả năng sẽ giảm trong nửa năm sau. Hầu hết các ngân hàng niêm yết đều ghi nhận biên lãi suất (NIM) mở rộng trong 6 tháng đầu năm do chi phí vốn giảm sâu hơn mức giảm của tỷ suất sinh lời của tài sản. Về chi phí vốn, lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm kể từ năm 2020 và đã giảm khoảng 10-50 điểm cơ bản ở các kỳ hạn so với đầu năm 2021. Lãi suất huy động giảm là do thanh khoản dồi dào trong khi cầu tín dụng vẫn chưa phục hồi mạnh. Do đó, tất cả các ngân hàng đều được hưởng chi phí vốn (COF) giảm trong 6 tháng đầu năm 2021.

Còn về tỷ suất sinh lời của tài sản, TCB, MBB và LPB ghi nhận lợi suất tài sản tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ tăng cường cho vay (điều này thể hiện qua tỷ lệ cho vay/tiền gửi LDR cuối quý II/2021 cao hơn cuối năm 2020), cũng như các ngân hàng này gia tăng tỷ trọng cho vay đối với mảng bán lẻ. Bên cạnh đó VCB, VIB và ACB cũng ghi nhận mức giảm lợi suất tài sản ít hơn các ngân hàng khác nhờ tỷ trọng cho vay bán lẻ cao.

Việc cải thiện NIM sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2021 do các ngân hàng thương mại (NHTM) được yêu cầu hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng/doanh nghiệp trong đại dịch.

Điều quan trọng theo VNDIRECT, chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (NPL) bình quân tại cuối quý II/2021 của 17 ngân hàng niêm yết tiếp tục đà giảm xuống mức 1,49% so với mức 1,54% tại cuối 2020 và mức 1,81% tại thời điểm cuối quý II/2020. Trung bình nợ nhóm 5 của các ngân hàng giảm nhẹ xuống mức 0,78% tại cuối quý II/2021, từ mức 0,85% tại cuối 2020. Các ngân hàng ghi nhận chất lượng tài sản tốt nhất cuối quý II/2021 với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất gồm có: TCB (0,4%), VCB (0,7%), ACB (0,7%) và MBB (0,8%). Đáng chú ý, TCB đã tích cực xóa nợ trong 6 tháng đầu năm 2021, giúp tỷ lệ NPL của ngân hàng này đạt mức thấp nhất từ trước đến nay là 0,4%.

Bà Hiền cho biết, ngày 7/9/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với dư nợ phát sinh sau thời gian quy định theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Chính sách mới này sẽ giúp giảm áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Về tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) bình quân giảm xuống 35,3% trong 6 tháng đầu năm 2021 từ 43,4% trong 6 tháng đầu năm 2020. Điều này có thể được giải thích một phần rằng hầu hết các ngân hàng đã trì hoãn việc mở rộng mạng lưới trong thời gian này. Bên cạnh đó, những ngân hàng đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng công nghệ và số hóa trong giai đoạn trước giờ đây bắt đầu gặt hái thành quả.

Cổ phiếu ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu

Theo nghiên cứu của VNDIRECT, tín dụng tăng tốt trong 6 tháng đầu năm 2021 nhưng sẽ chậm dần vào nửa cuối năm. Trên hệ thống ngân hàng, cuối quý II/2021, tổng các phương tiện thanh toán tăng 4,4% so với đầu năm từ mức 2% thời điểm cuối quý I/2021, thấp hơn mức 5,2% cùng kỳ năm trước.

Môi trường lãi suất thấp làm tiền gửi có xu hướng tăng chậm lại trong 6 tháng đầu năm 2021. Sau 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020, lãi suất tiền gửi của tất cả các kỳ hạn tiếp tục giảm từ tháng 4 năm ngoái. VNDIRECT ước tính tổng huy động tiền gửi của khách hàng tại thời điểm cuối quý II/2021 của 17 ngân hàng niêm yết tăng 4,8% so với đầu năm. Những ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng huy động tiền gửi mạnh nhất gồm TPB (37,3%), VIB (11,8%), HDB (13,7%) và MBB (10,5%).

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6,44% từ mức 2,95% so với đầu năm trong quý I/2021, gần gấp đôi so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021 đến từ lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Đối với nhóm 17 ngân hàng niêm yết chiếm 66% thị phần cho vay cả nước, tổng dư nợ cho vay thời điểm cuối quý II/2021 tăng 8% so với đầu năm (tại cuối quý I/2021 tăng 3,2%), cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,5% cùng kỳ năm ngoái. Các NHTM có vốn Nhà nước (CTG, VCB và BID) chiếm 33,7% thị phần cho vay, ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng đạt 7,4% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống.

VNDIRECT dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành cho năm 2021 khoảng 10-12% so với mức 13% trước đó do đánh giá cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay. Ở kịch bản cơ sở, VNDIRECT kỳ vọng số lượng ca nhiễm mỗi ngày sẽ giảm và việc đi lại sẽ được nới lỏng vào cuối tháng 9. Nhờ vậy, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại vào cuối quý IV/2021. VNDIRECT lạc quan một cách thận trọng về triển vọng trong năm 2022 vì tin rằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng khi tiêu dùng trong nước dần hồi phục sau đại dịch.

Về luận điểm đầu tư, bà Hiền cho biết, bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm 2021 sẽ chịu tác động lớn từ đợt bùng phát hiện tại; do đó thị trường chủ yếu sẽ nhìn vào triển vọng lợi nhuận năm 2022. Những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại. Và ngành Ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Thêm vào đó, về phương diện dòng tiền, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng ổn định từ đầu năm đến nay, trở thành 1 kênh đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư cá nhân. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2022, được thể hiện thông qua sự tăng trưởng số lượng tài khoản cá nhân mở mới trong 2 tháng vừa qua.

Chiếm một phần tư giá trị vốn hóa thị trường, rõ ràng, ngành Ngân hàng là một trong những ngành thu hút dòng vốn từ sự tham gia ngày càng tăng của nhà đầu tư cá nhân.

“Giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã điều chỉnh 15% so với mức đỉnh, và phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát hiện nay. Vì vậy, cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư”, bà Hiền cho hay.

Nguồn Dương Công Chiến/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục