Vẻ đẹp níu chân người ghé thăm của “Đà Lạt thứ hai”

Ngoài thành phố trung tâm Pleiku thơ mộng, một địa danh khác để lại rất nhiều cảm xúc cho những ai từng ghé chân tới bắt Tây Nguyên, đó là Đăk Đoa, vùng đất được mệnh danh là "Đà Lạt thứ 2" với rừng thông xanh, dã quỳ vàng...

Một Đak Đoa đầy mê lực

Bạn đã bao giờ ghé phố núi mộng mơ, thăm những rẫy cà phê mùa về hoa trắng muốt, rồi thả bước bên rừng thông xanh, nghe vi vu con gió từ đại ngàn dội về để cảm, để nhận diện một Gia Lai trong Tây Nguyên đậm chất sử thi tráng lệ?

Sẽ có nhiều người đã có đến vài chục bận ghé Tây Nguyên, tình cờ thay Gia Lai là nơi lại qua nhiều nhất. Và sẽ có nhiều người khuyên bạn rằng, nếu chưa đến Gia Lai thì nên một lần thử ghé. Đến một lần rồi, hẳn sẽ có lần 2. Và khi đã tỏ đường đi lối về, mỗi năm thật không dễ để thoát khỏi sức hút khó cưỡng của những “tháng Ba mùa con ong đi lấy mật”, những tháng 11 dã quỳ vàng mê mải trên khắp các nẻo đường dẫn vào buôn làng, phun sóc.

Rừng thông hai bên con đường dẫn đến Biển Hồ Chè là một “đặc sản” độc đáo của Gia Lai (Ảnh: Kiều Diễm)

Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng có một mê lực đến lạ kỳ, thu hút lòng người bằng tiếng thông reo, bằng Biển Hồ Chè xanh ngắt, bằng hương cà phê mát thanh, tinh khiết, bằng trầm tích cả triệu năm của Núi lửa Chư Đăng Ya, bằng nét văn hóa đặc trưng của 34 dân tộc cùng chung sống,…

Ngoài thành phố trung tâm Pleiku thơ mộng, một địa danh khác để lại rất nhiều cảm xúc cho những ai từng ghé chân, đó là Đăk Đoa, vùng đất được mệnh danh là “Đà Lạt thứ 2” của bắc Tây Nguyên.

Nép mình bên dải Trường Sơn và một phần của núi Ngọc Linh, Đăk Đoa có 2 mùa rõ rệt, với nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 21°C, bầu không khí trong lành, mát mẻ. Đăk Đoa gây thương nhớ với đồi cỏ hồng Glar êm dịu nằm trải dài trên thảo nguyên rộng lớn phủ đầy thông. Dưới những gốc thông dáng bon sai độc đáo, màu của cỏ tương phản với màu xanh lá để tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp ít nơi nào có được.

Cùng với những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt và hồ Ia Băng kiến tạo từ miệng núi lửa ngàn năm, Đăk Đoa sở hữu trong mình nhiều mã gen để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái cao cấp.

Vẻ đẹp xanh mướt của Gia Lai hiện lên trong khung hình lãng mạn của nhiếp ảnh gia (Ảnh: Phạm Ân)

Nếu Gia Lai là cửa ngõ của Tây Nguyên, thì Đăk Đoa lại là yết hầu của cửa ngõ đó, nơi có quốc lộ 19 chạy qua, kết nối thuận tiện với TP. Pleiku cũng như Bình Định, Phú Yên và phần còn lại của Tây Nguyên. Do đó, xứ sở này cũng sẽ thụ hưởng nhiều lợi ích từ tour du lịch Phú Yên – Bình Định – Gia Lai được các địa phương liên kết và thúc đẩy thời gian gần đây.

Đang dần đổi mình để chào đón du khách 

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dự án bất động sản du lịch nào có quy mô đáng kể hiện hữu, khiến cho chất lượng dịch vụ, cơ sở lưu trú ở nơi được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” vẫn còn ở mức rất hạn chế. Đây chính là điểm yếu khiến Gia Lai chưa “bật” hẳn lên và chưa có sức cạnh tranh từ nội tại ngành.

Có lẽ, nắm bắt được thực tế này, vài năm gần đây, nơi đây đã có nhiều chuyển biến, trong đó hoạt động thu hút đầu tư được đẩy mạnh nhằm tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ.

Gia Lai sở hữu điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch (Nguồn: shutterstock)

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường BĐS đã có mặt tại Gia Lai như FLC, Alphanam, Phú Thái, Euro Window… với những dự án quy mô chuẩn bị triển khai. Trong đó, Đăk Đoa tập trung hàng loạt dự án trọng điểm, có thể kể tới Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái và sân golf FLC Gia Lai, Khu du lịch sinh thái hồ Ia Băng, khu đô thị TNR Stars Đak Đoa, dự án khu nông nghiệp công nghệ cao…

Vẻ đẹp hút tầm mắt của Biển Hồ nhìn từ trên cao (Nguồn: shutterstock)

Với Gia Lai hay Đăk Đoa, dù xuất phát muộn hơn, nhưng có thể nhìn thấy trước tương lai của một thiên đường nghỉ dưỡng mới ở Tây Nguyên từ những thế mạnh nổi trội về tính nguyên bản, nét văn hóa đậm chất đại ngàn, từ khả năng kết nối vùng tốt với cả khu vực duyên hải miền Trung và toàn Tây Nguyên. Bằng những chính sách mới cho các nhà đầu tư tiên phong, giấc mơ đại ngàn của Đak Đoa – Gia Lai có lẽ đã đến thật gần. Và những người yêu mảnh đất núi rừng này, có lẽ chỉ còn chờ tới ngày “hết Côvy” để xách balô lên và đi.

Nguồn Mai Ngọc / Trí thức trẻ
Bài cùng chuyên mục