Giảm lãi vay phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao NHNN Việt Nam giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 2% so với lãi suất huy động tiền gửi… Tuy nhiên theo các chuyên gia, đề xuất trên là rất khó khả thi bởi nhiều lý do.

Khó khả thi

Trả lời Thời báo Ngân hàng về vấn đề này, Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, trước hết phải xác định xem UBND TP.HCM muốn lấy mức lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn nào, của ngân hàng nào để làm căn cứ tính lãi suất cho vay không cao hơn 2%, bởi mỗi một kỳ hạn lại có một mức lãi suất huy động khác nhau và lãi suất huy động của các ngân hàng cũng không giống nhau.

Bên cạnh đó mức chênh lệch lãi suất cho vay – huy động là 2% cũng rất khó khả thi. Bởi lãi suất huy động chỉ là một trong số nhiều yếu tố cấu thành nên chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng.

Theo đó, bên cạnh lãi suất trả cho người gửi tiền, các ngân hàng còn phải chi trả rất nhiều chi phí cho hoạt động huy động vốn như lương, thưởng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; chi phí giấy tờ, sổ sách; chi phí thuê trụ sở các điểm giao dịch; chi phí kiểm đếm, bảo quản, kho quỹ; chi phí tiếp thị, quảng cáo…

Bên cạnh đó theo quy định hiện hành, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền là 85%, tức huy động được 100 đồng thì các ngân hàng cũng chỉ được cho vay tối đa 85 đồng. Có nghĩa các ngân hàng chỉ được thu lãi trên 85 đồng cho vay, trong khi vẫn phải trả lãi trên 100 đồng cho người gửi tiền.

Chưa kể cũng theo quy định hiện hành, với một đồng cho vay ra, các ngân hàng phải trích lập dự phòng chung là 0,75% và trích lập dự phòng rủi ro cụ thể theo phân loại mức độ rủi ro của các khoản vay. Trong khi đó, hiện rủi ro tín dụng đang có xu hướng gia tăng do tác động của đại dịch Covid-19. Thực tế cũng cho thấy, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Lãi suất cho vay được cấu thành bởi nhiều chi phí hoạt động ngân hàng

Đồng tình với những phân tích như vậy, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, mức chênh lệch lãi suất cho vay – huy động ở mức 2% chưa đủ để các ngân hàng bù đắp chi phí chứ chưa nói gì đến việc có lợi nhuận.

Hơn thế, theo vị chuyên gia này, lãi suất huy động của các ngân hàng là rất khác nhau, thường thì các ngân hàng nhỏ sẽ có lãi suất huy động cao hơn so với các ngân hàng lớn do bất lợi về uy tín thương hiệu và mạng lưới. Vì thế rất khó có thể đưa ra một “mẫu số chung” về lãi suất huy động. Lãi suất cho vay cũng vậy, không thể cào bằng mà được xác định dựa trên mức độ rủi ro của từng khoản vay, từng đối tượng khách hàng.

Ngân hàng nỗ lực giảm lãi suất

Có thể khẳng định, ngân hàng là một trong những bộ, ngành đi tiên phong trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19. Đặc biệt theo đánh giá của các chuyên gia, các giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng là rất thiết thực với người dân, doanh nghiệp.

Theo đó ngay sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với đại dịch. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2021, NHNN cũng đã kịp thời ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN và mới đây là Thông tư 14/2021/TT-NHNN chỉnh sửa Thông tư 01 theo hướng mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm lãi suất, phí cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất và các loại phí nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt trong năm 2020, NHNN đã thực hiện cắt giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các TCTD được tiếp cận nguồn vốn rẻ để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhờ đó mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 1% trong năm 2020 và xu hướng giảm vẫn tiếp diễn trong năm 2021 với mức giảm trong những tháng đầu năm vào khoảng 0,55%. Tính chung, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 1,55%/năm so với thời điểm trước dịch.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, 16 ngân hàng chiếm 75% tổng dư nợ toàn hệ thống đã đồng thuận giảm tiếp lãi suất từ ngày 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi được giảm khoảng 20.613 tỷ đồng. Ngoài cam kết chung này, 4 NHTM có vốn nhà nước còn dành ra 4.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 1.000 tỷ đồng) để giảm thêm lãi suất, phí cho khách hàng ở những địa phương thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê của NHNN, lũy kế đến ngày 31/8/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ vào khoảng 520.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến ngày 31/8/2021, tổng số tiền lãi mà các TCTD miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng vào khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng từ ngày 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đặt 43,01% so với cam kết.

Những con số trên đã phần nào cho thấy nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế. Song theo các chuyên gia, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh khi mà hoạt động kinh doanh chậm lại, chi phí hoạt động tăng lên, đặc biệt là rủi ro nợ xấu có xu hướng tăng nhanh. Trong khi ngân hàng lại là loại hình kinh doanh đặc biệt, nguồn vốn hoạt động của các ngân hàng chủ yếu được hình thành từ nguồn tiền gửi của các tổ chức và cá nhân, nên sự an toàn của hệ thống ngân hàng phải được đặt lên hàng đầu. Hệ thống ngân hàng có an toàn, mạnh khỏe mới có thể hỗ trợ được doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì thế, theo các chuyên gia không nên “o ép” giảm thêm lãi suất, mà muốn giảm thêm lãi suất thì Chính phủ cần có gói hỗ trợ lãi suất.

Cũng chính bởi vậy, mới đây Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay. Hay nói nôm na là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.

NguồnThu Trang/ Thời báo ngân hàng
Bài cùng chuyên mục