Nỗ lực đưa sản phẩm nhôm Việt ra thế giới
Bên cạnh việc cạnh tranh tại thị trường trong nước, tại sao các doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt Nam không nghĩ đến việc xuất khẩu như một cách để thoát khỏi cạnh tranh và mang lại hiệu quả cao?
Đây là câu hỏi gợi mở của Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM về việc làm thế nào để đưa sản phẩm nhôm Việt Nam ra thế giới cũng như việc đón đầu những cơ hội từ Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho rằng, tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước phải cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại trong khi đó, ngành nhôm Việt Nam còn rất non trẻ, công nghệ cũng chưa tiên tiến dẫn đến một thực tế là sức cạnh tranh của nhôm Việt Nam so với các nước còn rất yếu.
“Từ tháng 9/2015 nhập khẩu phôi nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhôm áp thuế 3%, thuế xuất khẩu từ 0% lên 7% rồi điều chỉnh còn 5% khiến xuất khẩu nhôm gặp khó”, ông Kế nói.
Nói về kỳ vọng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ mở ra cơ hội cho mặt hàng nhôm của Việt Nam trong thời gian tới, ông Kế cho biết, trên thực tế, khi chưa có EVFTA các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều đối tác từ châu Âu. Tuy nhiên, bên cạnh các yêu cầu về giá cả, sản phẩm còn phải đáp ứng cả những tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề bảo vệ môi trường, lao động… rất khắt khe.
“Trước mắt, Hội sẽ xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng về nhôm thanh định hình Việt Nam để tạo điểm tựa cạnh tranh với hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng, để tận dụng được cơ hội sắp tới, các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng chất lượng giá thành sản phẩm, giá thành hợp lý để cạnh tranh sòng phẳng với nhôm ngoại”, ông Kế nhìn nhận.
Đồng thời, về vai trò Hiệp hội, ông Kế cho biết, khi các doanh nghiệp nhôm Việt đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường EU rồi, Hội Nhôm thanh định hình sẽ làm “cầu nối” đến các thị trường quốc tế bằng cách xây dựng hoàn thiện chính sách để đàm phán với đối tác nước ngoài.
Còn Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định khối lượng nhập khẩu nhôm của Việt Nam đang rất lớn, buộc phải áp dụng biện pháp bảo hộ như chống bán phá giá,… Vì vậy, ông Thành gợi ý: “Bên cạnh việc cạnh tranh tại thị trường trong nước tại sao các doanh nghiệp Việt không nghĩ đến việc xuất khẩu như là một cách để thoát khỏi cạnh tranh và mang lại hiệu quả cao?”.
Đánh giá về thị trường EU, ông Võ Trí Thành nhận định, hiện tại, dư địa của thị trường châu Âu đối với ngành nhôm còn rất lớn. Tại thị trường trong nước, thuế chống bán phá giá là một công cụ để bảo hộ nhưng sẽ chỉ kéo dài được một vài năm. Vì vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh mới là cách để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và tận dụng lợi thế từ các FTA để xuất khẩu.
“Nhu cầu của thị trường về nhôm là rất lớn nhưng để đáp ứng được thì phải chuyển hóa, phải chuyển đổi từ sản xuất thô đến các sản phẩm, chi tiết với công nghệ cao hơn. Đồng thời, ngoài quy tắc xuất xứ doanh nghiệp cũng phải thỏa mãn các yêu cầu của người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như EU đang quan tâm như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho người lao động”, ông Thành phân tích.
Ngày 23/7, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt khu vực phía bắc. Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam là đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất Nhôm thanh định hình và các doanh nghiệp kinh doanh Nhôm. Nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên và là diễn đàn trao đổi thông tin, đề xuất chính sách, quy chế quản lý, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên, hướng tới phát triển thị trường nhôm Việt Nam một cách bền vững trong bối cảnh đất nước hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thị trường khu vực và quốc tế.
Theo Phan Trang/ Chinhphu.vn