Nhà đầu tư thận trọng, chứng khoán đồng loạt giảm sâu
Chốt phiên làm việc cuối cùng của tháng 6, thị trường chứng khoán chứng kiến đà giảm sâu của tất cả các chỉ số. Trong đó, VnIndex giảm tới hơn 20 điểm, còn HNX-Index cũng để mất gần 5 điểm.
Thanh khoản trên sàn tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi giữ ở mức rất thấp chỉ hơn 11 nghìn tỷ đồng. Điều này thể hiện sự thận trọng của giới đầu tư đối với thị trường.
Cụ thể, chốt phiên làm việc hôm nay trên sàn HOSE, chỉ số VN-INDEX rơi xuống mức 1.197,60 điểm, giảm mạnh 20,49 điểm, tương đương 1,68%. Khối lượng giao dịch đạt 510,2 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 11.326,707 tỷ đồng. Toàn thị trường có 89 mã tăng giá (4 mã tăng trần); 48 mã đứng giá và 371 mã giảm giá (27 mã giảm sàn).
Chỉ số VN30 giữ ở mức 1.248,92 điểm, giảm 24,48 điểm, tương đương 1,92%. Khối lượng giao dịch đạt 130,7 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 4.273,047 tỷ đồng. Toàn thị trường có 3 mã tăng giá; 27 mã giảm giá.
Cùng chiều, chốt phiên làm việc trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index rơi xuống mức 277,68 điểm, giảm 4,67 điểm, tương đương 1,65%. Khối lượng giao dịch đạt 58,9 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 1.129,453 tỷ đồng. Toàn thị trường có 56 mã tăng giá (9 mã tăng trần); 33 mã đứng giá và 145 mã giảm giá (8 mã giảm sàn).
Chỉ số HNX30 giữ ở mức 489,24 điểm, giảm 16,73 điểm, tương đương 3,31%. Khối lượng giao dịch đạt 33,4 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 806,373 tỷ đồng. Toàn thị trường có 3 mã tăng giá; 2 mã đứng giá và 25 mã giảm giá (1 mã giảm sàn).
Sau phiên giằng co ngày hôm qua, thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục giao dịch thận trọng ngay từ khi mở cửa ngày làm việc hôm nay. Các chỉ số liên tục trồi sụt quanh tham chiếu và đảo chiều giảm mạnh khi chốt phiên làm việc hôm nay.
Các cổ phiếu bị bán tháo mạnh khiến sắc đỏ bao phủ thị trường. Trong đó những mã trụ cột như bluechips, ngân hàng… đều lao dốc gây tác động tiêu cực lên thị trường.
Theo đó, ở nhóm VN30, thị trường ghi nhận VN30 thị trường ghi nhận chỉ 3 mã tăng giá và có tới 27 mã giảm, với biên độ khá lớn. Điển hình như BVH giảm 4,5%; FPT giảm 4,2%; GAS giảm 1,3%; GVR giảm 1,5%; HPG giảm 2%; KDH giảm 1%; MSN giảm 1,8%; MWG giảm 2,1%; POW giảm 1,1%; VHM giảm 1,9%; VJC giảm 1,7%…
Rổ HNX cũng chỉ ghi nhận 3 mã tăng giá và 25 mã giảm giá. Trong đó, L14 giảm sàn 10%; CEO giảm 9,6%; VNR giảm 0,8%; TIG giảm 3,8%; TVC giảm 2,5%; NDN giảm 2,8%…
Xét về nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục gây tác động tiêu cực lên các chỉ số khi sắc đỏ chiếm ưu thế. Trong đó, BID giảm 4%; CTG giảm 2,6%; HDB giảm 1,6%; MBB giảm 3,3%; MSB giảm 1,4%; OCB giảm 3,7%; SHB giảm 3,6%; STB giảm 4,9%; TCB giảm 3,3%; VIB giảm 4%; VPB giảm 3,3%…
Cùng với đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng chứng kiến nhiều mã giảm sâu. Trong đó, AMD giảm sàn 6,7%; CEO giảm 9,6%; HQC giảm sàn 7%; NVT giảm sàn 7%; PTL giảm sàn 6,9%; QCG giảm 2,7%; SCR giảm 6,1%; VHM giảm 1,9%; VCR giảm 1,6%; VC3 giảm 1,6%; TN1 giảm 3%…
Trong khi đó, cổ phiếu ITA sau phiên đột biến hôm qua với hơn 42,3 triệu đơn vị khớp lệnh đã chững lại, giao dịch cũng như phần lớn các cổ phiếu khác trên sàn khi biến động nhẹ quanh tham chiếu, khớp lệnh hơn 2,1 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ mở cửa. Chốt phiên, ITA đã giảm sàn 7%.
Trên sàn HOSE, FPT là cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số Vn-Index khi lấy đi 2,17%, khối lượng khớp lệnh đạt 1,5 triệu đơn vị; tiếp sau là VPB lấy đi 1,71%, khối lượng khớp lệnh đạt gần 7,2 triệu đơn vị; TCB lấy đi 1,68%, khối lượng khớp lệnh đạt gần 3,6 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, SHS là cổ phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số HNX-Index khi lấy đi 1,13%, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,1 triệu đơn vị; tiếp theo sau là HUT lấy 0,84%, khối lượng khớp lệnh đạt gần 4 triệu đơn vị; CEO lấy đi 0,81%, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,4 triệu đơn vị…
Hạnh Nhi | Nhà báo & Công luận