Huyện Hàm Thuận Nam – Bình Thuận: Lúng túng trước những dấu hiệu thất thường của thị trường BĐS

Trước tình trạng hồ sơ sang tên, tách thửa tăng bất thường, giá đất chuyển nhượng liên tục tăng theo cấp số nhân khi vào tay những nhà đầu tư ngoại tỉnh, chính quyền địa phương đã bộc lộ nhiều lúng túng trong cách giải quyết.

Có lẽ chưa bao giờ số lượng hồ sơ chuyển nhượng đất trong cùng khu vực mà Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hàm Thuận Nam tiếp nhận giải quyết nhiều như vậy sau khi dự án làm mới đường trục ven biển ĐT 719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà được phê duyệt. Trong 154 hồ sơ đăng ký xác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của toàn huyện, thì có đến 125 hồ sơ đăng ký xác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nằm trong khu vực quỹ đất thuộc 2 bên đường ĐT 719B.

Đáng chú ý, trong các hồ sơ đăng ký xác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phía bên nhận chuyển nhượng toàn bộ là người ngoài địa phương; diện tích đất chuyển nhượng hầu hết đều từ 1.000 đến 3.000m2/hợp đồng. Đặc biệt, có dấu hiệu một nhóm người ngoài tỉnh “bắt tay” chuyển nhượng lòng vòng với nhau, tự đẩy giá trị chuyển nhượng thể hiện trong hợp đồng mỗi lần một cao; chỉ một thời gian ngắn, giá chuyển nhượng đã cao vài chục lần so với giá giao dịch ban đầu.

Cụ thể, sau khi các resort ven biển hình thành, giá đất nông nghiệp ở khu vực dọc tuyến ĐT 719B sắp triển khai cũng chỉ tăng mức 200 – 300 triệu đồng/mẫu. Tuy nhiên trong thời gian gần đây giá đất liên tục tăng bất thường từ 500 – 600 triệu đồng/mẫu lên 1 tỷ, 3 tỷ, 5 tỷ rồi 10 tỷ đồng/mẫu và gần đây là 70 tỷ đồng/mẫu….

Diễn biến bất thường này của thị trường bất động sản khiến cho các cơ quan chức năng huyện Hàm Thuận Nam lúng túng, đặc biệt là trong việc kiểm soát giá đất thị trường nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ tạo giá đất ảo, cũng như tạo quỹ đất đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư đường ĐT 719B…

Cơ quan quản lý nhà nước lộ rõ lúng túng khi thị trường bất động sản xuất hiện những dấu hiệu bất thường

Cuối tháng 6/2019, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã có công văn “cầu cứu” UBND tỉnh, xin hướng dẫn giải quyết về tình hình tách thửa, phân lô đất nông nghiệp và chuyển nhượng đất thuộc quỹ đất 2 bên đường ĐT 719B trên địa bàn huyện.

Trong báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Trong thời gian từ giữa năm 2018 đến nay đã diễn ra tình trạng có một số người ngoài tỉnh tìm mua các diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân nằm trong quỹ đất hai bên đường ĐT 719 với quy mô lớn và sau đó tách thửa dưới dạng phân lô bán nền thành nhiều thửa đất nông nghiệp, mỗi thửa 1.000 m2. Sau đó, rao bán dưới hình thức dự án đất biệt thự ven biển với giá từ 850 triệu đồng/ lô với cam kết chuyển mục đích sử dụng sang thổ cư 100% và người tìm mua các diện tích đất rao bán này chủ yếu cũng là người dân ngoài tỉnh.

Ngày 27/6/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận có công văn số 2828, cho ý kiến về việc tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch quỹ đất 2 bên đường ĐT 719B.

Tuy nhiên, tại công văn số 2828, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cũng thể hiện lúng túng khi cơ quan này chỉ có thể nêu ý kiến đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Nam: “Chỉ đạo mời các đối tượng này làm việc nhằm làm rõ động cơ, mục đích nhận chuyển nhượng, tách thửa, phân lô là để đầu cơ kinh doanh bất động sản, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch sử dụng đất, làm rõ có hay không hành vi vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng để kiên quyết xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền và theo quy định.

Đồng thời qua đó kết hợp tuyên truyền, vận động, giải thích để các đối tượng này tuân thủ thực hiện theo quy định của pháp luật, không tạo điểm nóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất tăng ảo, cao gấp nhiều lần so với giá trị thực cũng như giá đất do UBND tỉnh quy định, dẫn đến khó khăn cho Nhà nước khi thực hiện chủ trương thu hồi đất tạo quỹ đất sạch 2 bên đường ĐT 719 để đấu giá phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”.

Với ý kiến hướng dẫn này của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hàm Thuận Nam “loay hoay” mãi vẫn không thể nào triển khai thực hiện được.

Để “chữa cháy”, UBND huyện đành vận dụng biện pháp phân loại hồ sơ giữa người dân địa phương và dân ngoài địa phương. Theo đó, hồ sơ nào của dân địa phương tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đúng quy hoạch, mục đích thì xem xét giải quyết, còn lại những hồ sơ khác thì tạm dừng đo đạc, tách thửa đất nông nghiệp và chưa xác nhận hồ sơ chuyển nhượng đất đai tại khu vực quỹ đất thuộc 2 bên đường ĐT 719B.

Động tác này của UBND huyện Hàm Thuận Nam tuy chưa phải là giải pháp tối ưu, nhất là khi gặp phải sự phản ứng từ giới kinh doanh bất động sản cho rằng chính quyền địa phương “phân biệt đối xử” giữa người trong và ngoài địa phương. Tuy nhiên, trước sự lúng túng của các cơ quan chuyên môn thì có thể xem đây là giải pháp tạm thời đã phần nào cho hiệu quả khi làm hạ nhiệt được cơn sốt đất, ngăn chặn tình trạng “bát nháo” trong mua bán đất đai hiện nay.

Theo Thanh Hải – Văn Do/ Công Luận

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục