Khơi thông dòng vốn tín dụng bất động sản nửa cuối năm

Các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) kỳ vọng, nửa cuối năm nay dòng vốn tín dụng cho BĐS sẽ được khơi thông trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp vui mừng trước thông tin không siết chặt tín dụng

Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước”, các doanh nghiệp kỳ vọng, trong nửa cuối năm nay, dòng vốn tín dụng cho bất động sản sẽ được khơi thông, gỡ khó cho thị trường.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, trong nửa cuối năm nay, dòng vốn tín dụng cho bất động sản sẽ được khơi thông, gỡ khó cho thị trường. Nguồn ảnh: TL

Nếu trước đây, thời gian thực hiện một giao dịch mua bán nhà ở chỉ mất 1 – 2 ngày thì sau khi có thông tin kiểm soát tín dụng đã kéo dài đến 10 ngày, vì người mua phải tìm nguồn vốn vay thay thế. Do đó, khi có chỉ đạo không siết tín dụng một cách bất hợp lý giúp kỳ vọng hoạt động kinh doanh nửa năm còn lại sẽ khả quan hơn.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho hay: “Đối với doanh nghiệp mà hoạt động tín dụng không bị siết chặt hoặc kiểm soát trong phạm vi cho phép thì các hoạt động của doanh nghiệp sẽ tốt dần lên do có nguồn vốn sẽ lưu thông tốt hơn. Đối với nhà đầu tư, khách hàng thực tế có nhu cầu mua thực cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn”.

Theo các chuyên gia, xét về nguồn vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn so với các giai đoạn trước. Ngoài ra, các dự án đang hình thành trong tương lai cũng là dòng vốn lớn mà doanh nghiệp có thể huy động.

“Chỉ cần bỏ ra khoảng 10 – 15% chúng ta đã có những dòng tiền vô và nếu đến 30% trong đó có ngân hàng cho vay thì chúng ta đã bắt đầu thu tiền khách hàng. Nguồn vốn của các công ty bất động sản Việt Nam là rất thuận lợi và rất nhiều so với các công ty bất động sản khác trên thế giới”, TS Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng đánh giá.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, nửa đầu năm, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đối diện với nhiều vấn đề thiếu hụt nguồn cung, lệch pha phân khúc, thanh khoản sụt giảm… thì khơi
thông tín dụng rất cần thiết. Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội kiến nghị ngân hàng tiếp tục cho các chủ đầu tư vay, dự án dự án có tính khả thi lẫn cá nhân, gia đình tiếp cận vốn vay.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục xem xét giải quyết nguồn vốn tín dụng
cho các doanh nghiệp mà đây là các doanh nghiệp – khách hàng tin cậy của các ngân hàng. Tức khách hàng có uy tín về tín dụng, những khách hàng thanh toán lãi, trả nợ vay đúng hạn”.

Ngoài vốn tín dụng, kênh trái phiếu cũng đóng vai trò quan trọng. Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng thống nhất với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 153 theo hướng chấn chỉnh, uốn nắn hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ, để làm sạch thị trường trái phiếu.

Ngân hàng tập trung tín dụng bất động sản cho vay mua nhà

Một số ngân hàng cho biết, trường hợp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng chỉ diễn ra tại một số ngân hàng đã hết room tín dụng, đặc biệt vào thời điểm cuối quý I. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7, nhiều khách hàng cho biết, họ còn thậm chí nhận được điện thoại chào mời các gói vay từ phía ngân hàng.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đến thời điểm 31/5, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái. Đây là mức tăng cao và chiếm tỉ trọng hơn 20% trong tổng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế.

Hơn 5.000 nghìn tỷ đồng vốn đã được Ngân hàng PvcomBank dành để cho vay tiêu dùng, trong đó có bất động sản cho người dân có nhu cầu mua nhà, hay sửa chữa nhà cửa. Với những khách hàng có thu nhập ổn định có thể được mức lãi ưu đãi từ 5%/năm trong những tháng đầu.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK) cũng dành ưu đãi vốn cho những người có nhu cầu ở thực. Còn đối với vốn kinh doanh bất động sản, ngân hàng cho biết chỉ những chủ đầu tư có uy tín, dự án pháp lý rõ ràng, hoặc các dự án có vốn đầu tư công, mới được xem xét giải ngân.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng, tức nhu cầu nhà ở, chiếm 66,3% tổng dư nợ. Còn lại, kinh doanh bất động sản chiếm 33,7%.

Như vậy, đa số các ngân hàng được hỏi đều cho biết, đối với mảng bất động sản mua để ở, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân việc cho vay vẫn đang diễn ra bình thường. Còn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư các dự án mới, các chuyên gia cho rằng, cần phải phân loại và xem xét cấp vốn đối với các dự án tốt, tính khả thi cao. Bởi nếu tiếp tục thắt chặt việc cho vay không hợp lý sẽ dẫn đến nguồn cung dự án mới ngày càng khan hiếm, trực tiếp đẩy giá nhà tăng cao.

Trước đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31/5/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái.

Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu xét về cơ cấu, dư nợ tín dụng bất động sản chủ yếu tập trung vào mục đích tự sử dụng. Cụ thể, trong số 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ, tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%), dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh bất động sản là hơn 786.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.

Tại “Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững” vừa được Chính phủ tổ chức, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, cơ quan này không siết tín dụng bất động sản mà chỉ yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ chương của Chính phủ. Đồng thời, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản.

Theo bà Hồng, để góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững cần thực hiện các giải pháp tổng thể, đồng bộ với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Vì vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương: tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản theo hướng phát triển thị trường lành mạnh, hiệu quả; rà soát, xem xét, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất;

Mặt khác, công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ; nâng cao khả năng huy động vốn từ các nguồn khác như từ thị trường chứng khoán, vốn FDI… phát triển các thị trường này trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng…

Quỳnh Phương | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục