Cởi trói cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Có phát sinh thêm tiêu cực?
Theo các chuyên gia và nhiều phụ huynh, học thêm cần được quản lý một cách khoa học, tránh phát sinh tiêu cực, học tập không nên nặng về kiến thức hàn lâm khiến học sinh mệt mỏi, đi chệch hướng so với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Dạy thêm chạy theo thi cử
Hiện nay, việc học thêm và dạy thêm trong nhà trường phổ thông hết sức phổ biến. Bên cạnh việc học các môn văn hóa thuộc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh lại đi học thêm các môn theo nhu cầu thi cử và nhà trường cũng tổ chức dạy học các môn ngoài chương trình như liên kết ngoại ngữ, dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh, dạy kỹ năng sống… để hỗ trợ thêm cho các em. Có thể thấy, việc dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường đang trở nên phổ biến. Bên cạnh yếu tố tích cực như giúp học sinh hiểu sâu hơn về kiến thức, phát triển năng lực các em học sinh thì vẫn còn đó những tồn tại như việc ép học sinh học, dạy học thiên quá nhiều kiến thức hàn lâm, phân biệt đối xử học sinh học thêm và không học thêm…
Liên quan đến vấn đề dạy thêm và học thêm, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đưa ra dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm được lấy ý kiến đến ngày 22/10. Khi có hiệu lực, thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm. So với thông tư hiện hành, dự thảo đã cởi trói rất nhiều việc quy định tổ chức dạy thêm như việc cho phép giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa, thầy Hiệu trưởng cũng được phép mở trung tâm dạy thêm. Nhà trường được tổ chức dạy thêm trong nhà trường.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, khi xây dựng dự thảo này, điều quan trọng hướng đến là cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.
Về phía các phụ huynh, khi nói về việc dạy thêm và học thêm, chị Nguyễn Thị Lành ở quận Nam Từ Liêm cho biết, con chị luôn đi học thêm, ngoài học trên trường còn đến nhà cô thầy giáo học, học ở trung tâm và liên hệ với các giáo viên giỏi bên ngoài để con theo học. “Hiện nay, thi cử ngày càng khó. Đề thi đòi hỏi học sinh nhiều kỹ năng nếu không đi học thêm thì chỉ có trượt” – chị Lành chia sẻ. Tuy nhiên, chị Lành cũng cho rằng, việc học thêm quá tràn lan tạo nên áp lực học tập cho học sinh, khiến các em mệt mỏi. “Học nhiều quá, khiến trẻ em vất vả” – chị Lành nêu.
Không chỉ chị Lành mà nhiều phụ huynh cảm thấy áp lực nếu không cho con đi học thêm. Trước thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, chị Lành cho rằng, phải quy định làm sao tránh việc ép học sinh đi học thêm nhưng cũng tạo điều kiện để cho những học sinh có nhu cầu học. Bên cạnh đó việc tổng kết, đánh giá học tập của học sinh phải thực sự khách quan, tránh việc “bên trọng, bên khinh” giữa học sinh đi học thêm với không đi học thêm.
Hiện nay, học tập ở phổ thông vẫn phục vụ nhiều cho nhu cầu thi cử, tuyển sinh khi học sinh chuyển cấp và tuyển sinh đại học. Học sinh thi môn nào tập trung ôn luyện môn đó. Đề thi luôn có những câu hỏi rất khó để phân loại học sinh. Chính vì thế, để có điểm cao và chắc suất vào các trường top đầu thì học sinh chỉ còn cách luyện “gà chọi”. Anh Nguyễn Trung Hiếu ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Nếu không học thêm, học sinh sẽ không có cơ hội để đạt điểm cao trong các kỳ thi chuyển cấp, thi trường chuyên và thi đại học. Vì thế, việc học thêm trở nên phổ biến”.
Tuy nhiên, theo anh Hiếu, bên cạnh học thêm trong nhà trường thì học sinh có nhiều lựa chọn khi học thêm trực tuyến, học online. Thậm chí, trên mạng có nhiều nguồn học liệu miễn phí vì thế phụ huynh nên cân nhắc trong việc đầu tư học thêm sao cho có hiệu quả. “Tôi cho rằng, việc cởi trói cho dạy thêm học thêm trong nhà trường sẽ có mặt tốt và mặt xấu. Mặt tốt là tạo điều kiện cho thầy trò học tập nâng cao kiến thức khi có nhu cầu. Mặt xấu là dễ phát sinh tiêu cực, phân biệt đối xử học sinh đi học thêm với không đi học thêm” – anh Hiếu nêu.
Cởi trói cho dạy thêm liệu có phát sinh tiêu cực?
Mặc dù từ tư duy chỉ cấm hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm không cấm nhu cầu thực nhưng rõ ràng nếu không có cách quản lý hiệu quả thì tiêu cực trong dạy thêm và học thêm rất dễ phát sinh. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam nói, thực tế, việc dạy thêm, học thêm hiện nay chủ yếu chạy theo việc trang bị kiến thức, trong khi mục tiêu của chương trình mới là giảm kiến thức hàn lâm, rèn phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc đặt ra quy định dạy thêm ở trường nên được cân nhắc kỹ. Với những học sinh không theo kịp chương trình, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo, có sự hỗ trợ từ ngân sách và không coi đây là dạy thêm, học thêm. Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu phương án tuyển sinh vào các trường chuyên, hạn chế sự lệ thuộc vào thi cử, điểm số, từ đó sẽ giảm áp lực cho học sinh, hạn chế được những bất cập, bức xúc.
Nhiều ý kiến lo ngại, nếu Bộ GD&ĐT mở đường cho dạy thêm thì hàng loạt tiêu cực sẽ phát sinh như việc phân biệt học sinh đi học thêm với học sinh không đi học thêm; Đề ra kiểm tra chỉ học sinh đi học thêm mới giải được, đi học thêm điểm sẽ cao hơn không đi học thêm… “Liệu Bộ GD&ĐT có kiểm soát được việc này. Khi nào kiểm soát được thì lúc đó mới cởi trói cho dạy thêm học thêm” – cô Phan Thị Tú Anh ở Hà Nội chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thịnh, Hiệu phó một trường THCS ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội cũng cho rằng, cho phép giáo viên dạy thêm thì chắc chắn sẽ có hiện tượng “trăm hoa đua nở”, nếu không quản lý tốt sẽ gây ra những hệ lụy.
Cởi trói, mở đường cho dạy thêm học thêm trong nhà trường phổ thông đang thực sự là vấn đề cần thiết có cái nhìn tổng quát. Hiện nay, chi phí đầu tư giáo dục cho học sinh ngày một cao. Học tập làm sao tiết kiệm nhưng hiệu quả là điều giáo dục cần hướng tới. Tránh tình trạng ồ ạt tổ chức học tập theo trào lưu, đua đòi giữa phụ huynh, giữa các nhà trường chỉ vì thành tích trước mắt mà thiếu đi chiến lược lâu dài.
Quan trọng nhất, học sinh không phải chịu áp lực nặng nề học tập, thi cử khiến các em mất hết tuổi thơ, vùi đầu vào các kiến thức hàn lâm cuối cùng ra đời lại không được áp dụng trong thực tế. Vì thế, việc cởi trói, mở đường cho dạy thêm học thêm trong nhà trường thì cũng cần có biện pháp và chế tài nhằm khống chế việc tổ chức dạy học tràn lan, ép học sinh học tập để tăng doanh thu cho nhà trường.
Không khuyến khích học sinh đi học thêmPGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc học thêm với bản chất không nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mà nhằm phát triển hơn về năng lực của con em có lẽ nếu cần cũng chỉ 1-2 môn. Bộ GD&ĐT quy định về việc dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo việc này nếu có diễn ra thì được thực hiện minh bạch, tự nguyện, chứ không phải là khuyến khích học sinh phải đi học thêm. |
NB&CL