Hồi chuông cảnh báo mất an ninh, an toàn hàng không

Thời gian qua, liên tiếp các vụ việc gây mất an ninh, an toàn hàng không đã xảy ra, dóng lên hồi chuông cảnh báo.

Hàng không là một trong những ngành đòi hỏi yêu cầu về an ninh, an toàn ở mức cao nhất, mọi sai lầm dù là nhỏ nhất cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường.

Liên tiếp các vụ việc đe dọa an ninh, an toàn hàng không đang dóng lên hồi chuông cảnh báo. Ảnh: TL.

Trải qua 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành đã khiến ngành hàng không Việt Nam nói riêng và thê giới nói chung phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề.

Bước sang năm 2022, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát đã giúp các hoạt động sản xuất, đời sống xã hội trở lại bình thường và cùng với đó là nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Ngành hàng không Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021; đặc biệtkhách nội địa đạt 38,9 triệu khách.

Bên cạnh những kết quả tích cực, lượng khách di chuyển tăng cao thì ngành hàng không cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là những vụ việc đe dọa mất an ninh, an toàn hàng không liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.

Cùng với nhu cầu chụp ảnh, quay clip đăng trên các mạng xã hội, trào lưu dựng điện thoại ở cửa sổ máy bay để ghi lại toàn bộ không gian bên ngoài trong suốt hành trình bay.

Chỉ cần đặt điện thoại ở cửa sổ máy bay, kéo phần tấm che xuống để giữ cho điện thoại không rơi, bật chế độ quay nhanh từ lúc bắt đầu cất cánh cho đến khi hạ cánh là hành khách có cho mình một clip “săn mây” rất đẹp.

Hình ảnh nữ du khách đi ra sát vị trí máy bay đang lăn vào sân đỗ để quay video đưa lên mạng xã hội. Ảnh: TL.

Hay vụ việc một cô gái đang nhảy múa và được người bạn đi cùng dùng điện thoại quay ngay tại khu vực từ xe cobus lên cửa máy bay gây xôn xao mạng xã hội.

Mới nhất là vụ một nữ hành khách sử dụng một con dao dài khoảng 20cm dùng để gọt hoa quả khi đang đi trên chuyến bay từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội.

Chứng kiến tình huống này, dư luận không khỏi rùng mình và đặt câu hỏi không hiểu vì sao con dao kia có thể lọt qua hàng loạt hàng rào kiểm tra an ninh để lên được máy bay…?

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Sơn, hành động đặt điện thoại ở cửa sổ máy bay và kéo tấm che xuống giữ điện thoại không rơi rất nguy hiểm, đe dọa an toàn của chuyến bay do điện thoại có thể cháy nổ.

Điện thoại thông minh không thuộc danh mục đồ vật cấm hoặc nguy hiểm. Nhưng việc quay phim trên chuyến bay, đặc biệt là quay liên tục nhiều tiếng, điện thoại nóng, kết hợp với tác động của ánh sáng Mặt trời trong thời gian dài sẽ gây nguy cơ cháy nổ, ông Sơn khẳng định.

Hình ảnh hành khách mang dao lên máy bay để gọt hoa quả đã gây bức xúc dư luận. Ảnh: TL.

Còn với việc để một hành khách mang dao lên trên máy bay, một nhân viên soi chiếu an ninh tại Tân Sơn Nhất đã bị tạm đình chỉnh công tác để xác minh, làm rõ.

Dù kết luận cuối cùng chưa được đưa ra nhưng chắc chắn sẽ có những quyết định xử phạt xứng đáng đối với những hành vi đe dọa an ninh, an toàn hàng không nêu trên.

Nhằm tăng cường hiệu quả và hiệu lực của công tác giám sát an toàn, an ninh hàng không trong dịp cao điểm vận tải hè, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng đã ký ban hành Chỉ thị tăng cường giám sát chủ động phòng ngừa các hành vi vi phạm an ninh hàng không.

Trong đó yêu cầu các đơn vị liên quan kịp thời ngăn ngừa và khuyến cáo với hành khách vô ý thực hiện các hành vi không tuân thủ các quy định an ninh, an toàn hàng không và kịp thời phát hiện, báo cáo Cảng vụ hàng không xử lý những hành khách cố ý không chấp hành quy định.

Đặc biệt lập danh sách các hành khách gây rối báo cáo Cục Hàng không Việt Nam xem xét cấm vận chuyển bằng đường hàng không.

Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền, mỗi hành khách cần nâng cao ý thức chấp hành những quy định về bảo đảm an ninh hàng không để có một hành trình an toàn, thuận tiện.

Thế Anh | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục