Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2050 có 5 đô thị đạt chuẩn quốc tế

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, mục tiêu kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế...

Sáng 26/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn quốc tế đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2050 có 5 đô thị quốc tế

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam. Quy hoạch tổng thể quốc gia cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn quốc tế đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia, để tạo không gian phát triển đồng bộ; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn.

Trong đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đặt mục tiêu đến năm 2030, hình thành một số vùng động lực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào ngân sách; hình thành các hành lang kinh tế trọng điểm.

Đồng thời, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 – 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế. Các đô thị đóng vai trò dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các vùng phụ cận, khu vực nông thôn.

Bộ cũng đặt mục tiêu hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục giao thông Bắc – Nam. Trong đó có Quốc lộ 1A và đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, các trục giao thông Đông – Tây quan trọng, các hành lang kinh tế trọng điểm các vùng, các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển (Lạch Huyện, Cái Mép – Thị Vải), các cảng hàng không quốc tế lớn (Long Thành, Nội Bài). Hình thành hạ tầng số đồng bộ, hiện đại là hạ tầng thiết yếu phục vụ chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Mục tiêu tới năm 2050, các vùng phát triển hài hoà, bền vững, phát huy tiềm năng, khai thác tốt nhất các thế mạnh về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực, liên kết mạnh mẽ cùng phát triển.

Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (Hà Nội – Cần Thơ), tuyến đường sắt qua Tây Nguyên, đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Tây, các trục Đông – Tây quan trọng, các hành lang kinh tế trọng điểm các vùng, các cảng cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển (Lạch Huyện, Cái Mép – Thị Vải), các cảng hàng không quốc tế lớn (Long Thành, Nội Bài), hạ tầng giao thông đô thị và đường vành đai vùng đô thị Hà Nội, TP.HCM.

Cần đảm bảo yếu tố bền vững

Góp ý về định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia trong dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam, TS. Phó Đức Tùng, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, việc phát triển hệ thống đô thị quốc gia cần đảm bảo các yếu tố bền vững và an ninh quốc phòng. Quy mô của hệ thống đô thị tất yếu sẽ tăng, tỷ lệ đô thị hoá dự kiến đạt 50% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050, dự kiến đóng góp tới 85% vào GDP năm 2030, tỷ lệ đất xây dựng đô thị đạt 2,3% diện tích tự nhiên.

Theo chuyên gia của WB, quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia cần có định hướng về những xu thế phát triển.

Hệ thống đô thị cần phải phát triển thành mạng lưới, có mối liên kết hệ thống, chứ không chỉ là một tập hợp các điểm đô thị rời rạc. Quy hoạch và hạ tầng cần đi trước một bước, làm định hướng cho phát triển đô thị.

Theo chuyên gia của WB, quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia cần có định hướng về những xu thế phát triển và dịch chuyển không gian lớn cấp quốc gia của hệ thống đô thị, để có những giải pháp định hướng, chứ không chủ là những phát triển tự phát.

Hệ thống hạ tầng mang tính định hướng quốc gia gồm những hạ tầng chiến lược nhằm hướng tới thực hiện hoá định hướng quy hoạch và tăng cường hiệu quả của hệ thống đô thị cần phải được thực hiện trước, để dẫn dắt phát triển đô thị chứ không phải chỉ là đi sau để phục vụ cho những đô thị hiện hữu.

“Về kinh tế, hệ thống đô thị là cốt lõi của tăng trưởng kinh tế. Vì thế, cấu trúc của hệ thống đô thị cần gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế, nhất là cần phải tạo ra những sự tập trung theo hành lang, vùng trọng điểm, để có thể trở thành đầu tàu về tăng trưởng kinh tế,” TS. Phó Đức Tùng nhấn mạnh.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, thật khó để đưa mọi thứ vào quy hoạch này, vấn đề là cần dành không gian đáp ứng các thích ứng mới mà chúng ta chưa lường tới được; đồng thời, cần thay đổi cách tiếp cận theo tổng thể quy hoạch quốc gia – vùng, thay vì theo từng địa phương như trước đây.

Định Trần | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục