Xăng dầu hạ giá, cước vận tải bắt đầu hạ nhiệt

Giá xăng từ mức cao kỷ lục 32.870 đồng/lít đã giảm về hơn 23.000 đồng/lít và giá dầu cũng đang giữ xu hướng giảm đã giúp cước vận tải, chi phí logistics hạ nhiệt. Qua đó doanh nghiệp bớt khó khăn, các hoạt động sản xuất “dễ thở” trong giai đoạn phục hồi “hậu COVID-19”.

Nửa đầu năm 2022 khi giá xăng dầu tăng phi mã, liên tiếp lập đỉnh mới khiến các doanh nghiệp vận tải, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Xăng dầu tăng giá liên tiếp trong những tháng đầu năm đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Sau những chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Chính phủ, hiện giá xăng dầu đã hạ nhiệt. Cước vận tải đường bộ, đường sắt và đường biển cũng đã bắt đầu có xu hướng giảm.

Tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn có tâm lý nghe ngóng chờ đợi các đợt điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo trước những biến động khó lường của giá xăng dầu thế giới. Ngoài ra là những thủ tục phải thực hiện khi điều chỉnh giá, thiệt hại lớn mà dịch bệnh đã gây ra,…

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc công ty TNHH Minh Thành Phát (xe Sao Việt) khai thác tuyến vận tải Hà Nội – Lào Cai cho biết, khi giá xăng dầu tăng liên tiếp kể cả khi vượt giá kỷ lục hơn 30.000 đồng/lít nhiều nhà xe cũng chưa điều chỉnh giá cước.

Nếu xăng dầu giảm xuống tiếp, các doanh nghiệp vận tải mới nghĩ đến việc điều chỉnh cước vì hiện giá vé không điều chỉnh lên thì làm sao lại điều chỉnh xuống. Mặt khác mỗi lần doanh nghiệp điều chỉnh giá cước phải xin phép của liên Sở Tài chính, Giao thông Vận tải (GTVT) và cơ quan thuế…

Doanh nghiệp không thể thích là tăng hoặc giảm vì còn phải xin phép cơ quan chức năng. Nếu làm xong thủ tục thì lại hết kỳ điều chỉnh, giá xăng dầu lại có những biến động bất thường sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn, ông Bằng chia sẻ.

Giá cước vận tải đã bắt đầu hạ nhiệt sau những lần xăng dầu giảm giá. Ảnh minh họa.

Thông tin từ ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, doanh nghiệp taxi hiện nay muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình, mỗi lần điều chỉnh giá cước mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục, trung bình cần từ nửa tháng đến cả tháng.

Trải qua các công đoạn như đề xuất mức giá cước mới, chờ thủ tục đồng ý từ 5 – 7 ngày, sau đó liên hệ với các cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm định đồng hồ tính tiền và chi phí cho việc kiểm định này không hề nhỏ với mức phí 100.000 – 150.000 đồng/đồng hồ.

Giá xăng dầu giảm thì rất thấp nhưng khi tăng lại nhảy vọt, trong khi lộ trình thay đổi giá cước vận tải thủ tục rườm rà, chi phí cao nên các doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch rõ ràng trước quyết định đề xuất tăng/giảm giá cước, ông Hùng cho biết.

Còn theo Sở GTVT Hà Nội, hiện đã có khoảng 30% các đơn vị vận tải trên địa bàn đã kê khai giảm giá cước, mức giảm trung bình từ 5 – 10%. Sở cũng đã đề nghị các quận, huyện yêu cầu các đơn vị tính toán giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu, đặc biệt là những đơn vị từng tăng giá trước đó.

Tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải đường sắt trực thuộc chủ động điều chỉnh giá cước vận tải hàng hóa đường sắt theo biến động giá nhiên liệu và yêu cầu sản xuất kinh doanh.

Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) thông tin, đã bám sát biến động giá xăng dầu để điều chỉnh giá cước phù hợp, linh hoạt để hài hòa lợi ích khách hàng. Từ ngày 15/7/2022 đến nay, Haraco đã giảm tổng cộng 5% giá cước vận tải hàng hóa trên các tuyến đường sắt.

Giá cước vận tải hàng hóa đường sắt được xây dựng cho cả năm và gửi đến các khách hàng ngay từ cuối năm trước.

Giá cước này được xây dựng cho từng loại hàng, loại toa xe, mác tàu, đoạn tuyến vận chuyển… Do đó, khi tăng, giảm giá cước hàng hóa do biến động giá nhiên liệu về thực chất là tăng, giảm phụ thu giá nhiên liệu.

Nhiều khó khăn về thủ tục, biến động giá xăng dầu mà doanh nghiệp phải đối mặt, rất cần giải pháp tháo gỡ của cơn quan quản lý. Ảnh minh họa.

Về phía Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco), đơn vị đã giảm giá cước hàng hóa trên đường sắt 8 – 10% từ đầu tháng 8 đến nay. Tính cả giai đoạn giá nhiên liệu bắt đầu “hạ nhiệt” đến nay giá cước sau nhiều lần giảm khoảng 20%.

Đối với giá cước vận tải biển được dư luận quan tâm vì ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện cước vận tải biển đang có xu hướng giảm trên cả tuyến nội địa lẫn tuyến quốc tế tuy nhiên giá cước nội địa không giảm nhiều do chủ yếu là các tuyến ngắn.

Thông tin từ ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, với đường bộ theo báo cáo nhanh của một số địa phương hiện một số hãng taxi đang kê khai giảm giá cước từ 6 – 12%, các tuyến vận tải khách cố định cũng đã và đang giảm từ 5 – 14%.

Với các lĩnh vực đường sắt, đường biển, hàng không giá cước cũng đang bắt đầu hạ nhiệt. Riêng với đường thủy nội địa từ đầu năm đến nay chưa tăng giá nên không kê khai giảm đợt này.

Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc khẳng định, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các văn bản quy định liên quan đến công tác quản lý giá và điều hành giá.

Bảo Ngọc | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục