Vì sao xăng dầu giảm, giá hàng hoá vẫn cao?

Sở Tài chính TP. HCM biết tại, mặc dù giá xăng dầu có giảm nhưng các khoản chi phí khác như sản xuất, bán hàng vẫn đang tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Vì thế, doanh nghiệp chưa thể giảm giá theo giá xăng.

Chật vật giữa “bão giá”

Dù giá xăng dầu đã hạ nhiệt, song nhiều người tiêu dùng vẫn đang chật vật trong “cơn bão giá”. “Thời gian vừa qua, mặc dù báo đài liên tục đưa tin tức giá xăng dầu đang giảm nhưng mỗi buổi sáng ra chợ, tôi vẫn thấy nhiều loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm vẫn có giá cao, một số mặt hàng đồ tươi sống thậm chí còn đang tăng chóng mặt”, chị Ngô Kim Khoa (ngụ TP. Thủ Đức, TP. HCM) thắc mắc.

Người tiêu dùng đau đầu vì giá cả hàng hoá tăng cao – Nguồn: Kỳ Hoa

Ngụ quận Phú Nhuận, TP. HCM, chị Nguyễn Mỹ Linh cho biết một số cửa hàng thực phẩm đồ uống nơi chị sinh sống trước kia từng dán biển tăng giá từ 10.000 – 15.000 đồng/sản phẩm, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa thấy động thái điều chỉnh khi giá xăng dầu đã giảm nhiều lần. Có thể thấy, sau đợt “bão giá xăng dầu”, có không ít mặt hàng hiện đã thiết lập mặt bằng giá mới và khó hạ nhiệt.

Kinh doanh cửa hàng đồ ăn nhanh, chị Trịnh Ngọc Trang (quận 3, TP. HCM) tâm sự, từ đầu năm tới nay, cửa hàng của chị gặp nhiều khó khăn khi giá các nguyên vật liệu đến giá xăng dầu thay phiên “leo thang”. Không cầm cự được, chị buộc phải thông báo tăng giá khoảng 10-20%, khiến lượng khách quen bị sụt giảm nhanh chóng.

Là chủ một tiệm tạp hoá ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP. HCM), anh Trịnh Quốc Bảo cho biết, giá dầu ăn, bột ngọt, đường, bột mì, bột bắp tăng mạnh khi giá xăng tăng, riêng giá dầu ăn tăng hơn 10.000 đồng/lít.

“Khi giá hàng hóa đồng loạt tăng cao, chúng tôi thắc mắc thì nhà cung cấp nói do giá xăng dầu tăng khiến cước phí vận chuyển tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng. Nhưng hiện nay, giá xăng dầu đã giảm nhiều lần, nhà cung cấp vẫn không giảm giá sản phẩm với lý do giá nguyên liệu còn cao, lương nhân công tăng”, anh Bảo cho hay.

Đại diện một số hệ thống siêu thị cho biết rất sốt ruột trước việc các nhà cung cấp hiện vẫn chưa chịu điều chỉnh giảm giá. Khi giá xăng dầu tăng, siêu thị được nhà cung cấp đề nghị tăng giá sản phẩm, mức tăng từ 5 – 30% tùy nhóm sản phẩm. Song, khi giá xăng dầu giảm mạnh, siêu thị yêu cầu nhà cung cấp giảm giá sản phẩm nhưng không được đồng ý.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, tập đoàn này đang thảo luận với các nhà cung cấp để điều chỉnh giá đối với những mặt hàng thời gian qua chịu tác động lớn từ giá xăng dầu. Song song đó, siêu thị cũng giảm giá thịt tươi, cá tươi, rau củ quả để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng.

Chưa thể giảm giá theo giá xăng

Liên quan vấn đề này, Sở Tài chính TP. HCM biết tại, thời điểm hiện tại, mặc dù giá xăng dầu có giảm nhưng các khoản chi phí khác như chi phí sản xuất, chi phí bán hàng vẫn đang tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm nên doanh nghiệp chưa thể giảm giá theo giá xăng.

Nhiều nhà cung cấp hiện vẫn chưa chịu giảm giá dù giá xăng dầu đã hạ nhiệt – Nguồn: Kỳ Hoa

Theo Sở Tài chính TP. HCM, trong số các mặt hàng tham gia Chương trình bình ổn thị trường (BOTT), hiện dầu ăn đã được Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. HCM và Công ty CP Bách Hóa Xanh giảm giá từ 6 – 8,51%, đồng thời kết hợp khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Với mặt hàng gạo, các doanh nghiệp cho hay, dù giá xăng dầu có giảm nhưng các chi phí khác vẫn đang tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo đang giảm do vụ thu hoạch Đông Xuân kết thúc nên doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên giá bán bình ổn đã đăng ký.

Nhóm mì gói, bún, miến, phở nêu lý do 80% giá thành sản phẩm chủ yếu cấu thành từ giá nguyên liệu như: bột mì, dầu cọ, trấu, than cám… Xăng dầu chỉ chiếm 3%, nên giá xăng dầu có giảm nhưng tác động không nhiều đến cơ cấu giá thành. Trong khi đó, giá nguyên liệu chính đã tăng 15% – 28% so với đầu chương trình. Các doanh nghiệp đã đề xuất tăng giá nhưng Sở Tài chính đã đề nghị doanh nghiệp cố gắng giữ giá. Các doanh nghiệp thống nhất không điều chỉnh giá.

Tương tự, theo các doanh nghiệp nhóm trứng gia cầm, chi phí xăng dầu chỉ chiếm 2,2% trong cơ cấu giá thành trong khi chi phí nguyên liệu, vật liệu chính chiếm 77 %. Thức ăn chăn nuôi tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay dẫn đến giá trứng nguyên liệu cũng tăng liên tục. Nhiều người chăn nuôi không cầm cự nổi, tạm nghỉ dẫn đến nguồn cung giảm. Với giá bán bình ổn hiện nay, các doanh nghiệp đang phải chịu lỗ.

Cụ thể, trong chương trính bình ổn, giá trứng gà loại 1 là 31.500 đồng/chục, trứng vịt loại 1 37.000 đồng/chục; trong khi giá bán ngoài thị trường 35.000 – 37.000 đồng/chục trứng gà và 40.000 – 45.000 đồng/chục trứng vịt.

Mặt hàng thịt gia cầm, chi phí xăng dầu cũng chỉ chiếm 0,05% – 4% cơ cấu giá thành, chi phí nguyên vật liệu chính là gà lông và vịt lông chiếm 80%. Từ tháng 5 đến nay, giá gà, vịt tăng từ 18% – 30% nhưng các doanh nghiệp không tăng giá. Các doanh nghiệp cam kết khi giá nguyên vật liệu chính giảm sẽ tính toán điều chỉnh giá theo quy định.

Với mặt hàng thịt heo, xăng dầu chỉ chiếm 2,38% – 2,8% trong cơ cấu giá thành. Hiện giá heo hơi ở mức 66.000 đồng/kg, tăng 10% so với thời điểm điều chỉnh liền kề ngày 18/7/2022 nên các doanh nghiệp vẫn chưa thể điều chỉnh giảm giá. Trước mắt, các doanh nghiệp vẫn kết hợp với các hệ thống phân phối thực hiện khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Với tình hình hiện tại, Sở Tài chính nhận định, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong Chương trình BOTT chưa thể điều chỉnh giảm. Để giảm chi phí đầu vào của nhiều nhóm hàng cần có thời gian lâu dài cũng như chính sách từ các bộ ngành. Chẳng hạn, với thức ăn chăn nuôi, cần có quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, nghiên cứu kỹ thuật gieo trồng… để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Với vai trò quản lý giá trên địa bàn thành phố, Sở Tài chính cho rằng để bảo đảm ổn định đời sống xã hội, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội”, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các sở ngành liên quan.

Kỳ Hoa – Hạnh Nhiên | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục